Kinh doanh đa cấp trái phép, app cho vay nở rộ dịp cuối năm
Nhân Tâm - Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phát đi cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh vào dự án kinh doanh đa cấp trên sàn thương mại điện tử có tên gọi “Crowd1” và yêu cầu các ngành liên quan góp sức ngăn chặn hình thức này nếu phát hiện. Ngoài hình thức này, các hoạt động cho vay, lừa đảo trên mạng cũng đang nở rộ những ngày giáp Tết Nguyên đán.
Ảnh chụp màn hình thông tin quảng cáo mô hình kinh doanh đa cấp Crowd1. |
Huế cảnh báo hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép mang tên Crowd1
Ngày 19-1, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Công văn số 514/UBND-NC gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế về việc phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động kinh doanh đa cấp
Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế phát hiện hình thức hoạt động của dự án “Crowd1” trên địa bàn tỉnh này có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh đa cấp.
Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận tình trạng một số doanh nghiệp tư nhân thuộc lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện trong và ngoài tỉnh đã kêu gọi người dân tham gia dự án Crowd1 thông qua nhiều phương thức. Dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, các nhóm mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo cảnh báo này, Crowd1 chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, từng bị Đài Truyền hình Việt Nam cảnh báo và khuyến cáo người dân không nên tham gia. Bản chất hoạt động này là huy động và sử dụng tiền của người sau chi trả cho người trước, tiềm ẩn rủi ro cao về mặt giá trị và pháp lý (vốn của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ được ghi nhận qua tài khoản điện tử hiển thị trên giao diện các trang đăng ký; hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài; chủ đầu tư không hiện diện tại Việt Nam hoặc có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam).
Vì vậy, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Chủ tịch UBND tỉnh cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh vào dự án này. Ngoài ra, tỉnh này cũng yêu cầu Công an tỉnh nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế việc quảng bá, lan truyền Crowd1 và các hình thức có dấu hiệu kinh doanh đa cấp (Wefinex, RaidenBo, Bitono...) trên Internet, mạng xã hội; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo như mô tả, Crowd1 là mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết với 80% nguồn doanh thu có được dùng để chia sẻ cho những thành viên phát triển cộng đồng. Các nhà môi giới Crowd1 khẳng định dự án này không phải mô hình huy động vốn, ủy thác đầu tư… cho nên không phải trả lãi cho nhà đầu tư. Hình thức tham gia Crowd1, là khi người chơi mua gói đầu tư sẽ nhận được lượng cổ phiếu của 2 công ty con trong Crowd1 là Affilgo và Miggster; với cổ phiếu của Affilgo ký hiệu là A (giá khởi đầu là 2 euro), cổ phiếu của Miggster ký hiệu là M (giá khởi đầu là 0,5 euro).
Dù các nhà môi giới dự án ca ngợi về Crowd1 nhưng bản chất nó vẫn là mô hình lấy tiền người sau trả cho người trước. Do đó, nguy cơ mất trắng tài sản là vô cùng lớn.
Crowd1 hiện có trụ sở tại Tây Ban Nha, nhưng địa chỉ đăng ký kinh doanh lại là tại đảo Sýp (Cyprus).
Vay qua ứng dụng, lừa đảo trên mạng rầm rộ trở lại
Ngoài kêu gọi tham gia đầu tư theo mô hình đa cấp trái phép, theo khảo sát của phóng viên TBKTSG Online, thời gian gần đây, các hoạt động cho vay qua ứng dụng (app) lại rầm rộ trở lại trên các kho ứng dụng. Các app mới có thể kể đến như Vay Nóng, Siêu Thị Vay, Yêu Vay, Vay Siêu Tốc… với chiêu quảng cáo cho vay trong thời hạn lên đến hơn 3 tháng, số tiền vay lên đến 30.000.000 đồng, lãi suất cao nhất chỉ 24%...
Ảnh chụp màn hình các app cho vay lại nở rộ trên kho ứng dụng sau một thời gian bị siết chặt quản lý. |
Bên cạnh đó, các hoạt động lừa đảo mua bán trên mạng cũng gia tăng, cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tình trạng lừa mua vé máy bay giả, lừa đảo đổi tiền trên facebook với mệnh giá lớn, lừa trúng thưởng, thậm chí các hoạt động lừa đảo qua tài khoản ngân hàng cũng xuất hiện nhiều hơn, tinh vi hơn.
Thông tin từ Ngân hàng Vietcombank cho biết gần Tết Nguyên đán, xuất hiện các đối tượng lừa đảo tìm cách lấy cắp các thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng, từ đó truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản. Một số thủ đoạn phổ biến đã được ghi nhận như giả mạo website/Fanpage của ngân hàng và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin; lừa khách hàng cài đặt phần mềm gián điệp; giả danh nhân viên ngân hàng, cảnh sát… yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của kẻ gian.
Trước đó, ngân hàng VPBank, ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng từng phát đi những cảnh báo tới khách hàng về việc xuất hiện các hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên các nhân hàng này gọi điện mời mở thẻ tín dung, làm hồ sơ vay vốn rồi tiếp cận lừa tiền khách hàng thông qua các giao dịch trung gian qua bưu điện, thẻ cào,...
Còn ngân hàng Techcombank thì cho biết mùa mua sắm cuối năm mới chỉ bắt đầu, khách hàng cần cẩn trọng khi nhận được các tin nhắn có gắn đường link website yêu cầu khai báo thông tin cá nhân. Đây là phương thức lừa đảo đã cũ và gần đây lại xuất hiện trở lại, lợi dụng khi nhu cầu mua sắm, thanh toán dịp cuối năm tăng cao.
Trước tình hình tội phạm qua mạng ngày càng gia tăng dịp giáp Tết, cơ quan Công an cảnh báo đến người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch qua hệ thống chuyển tiền quốc tế cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo nêu trên. Cần hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng… Người dân chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác để tránh trường hợp mất tiền oan.
Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng dịch vụ cho vay tiền qua các trang mạng xã hội, các app và website để tránh “tiền mất, tật mang”.
Khó triệt tận gốc cho vay tài chính qua app Chỉ 6 tháng hoạt động trong năm 2020, các ứng dụng cho vay qua có nguồn gốc từ Trung Quốc như: Moreloan, Vdong, Openvay… đã cho 60.000 người tại Việt Nam vay, số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra, những kẻ cầm đầu thực tế đang ở Trung Quốc, mọi hoạt động đều chỉ huy qua điện thoại, mạng xã hội nên không thể triệt tận gốc. Các chuyên gia an ninh mạng cho biết các hình thức lừa đảo hiện đa số diễn ra qua mạng, hay sử dụng số điện thoại ảo nên lực lượng Công an cũng khó có thể bao quát hết. Vì vậy người dân cần tự thận trọng, cảnh giác với các dịch vụ này, nếu không khi vụ việc vỡ lỡ sẽ không thể xử lý, kiện cáo gì được. |
Xem thêm: lmth.man-iouc-pid-or-on-yav-ohc-ppa-pehp-iart-pac-ad-hnaod-hnik/238213/nv.semitnogiaseht.www