Các tập đoàn phương Tây đang đá quả bóng trách nhiệm vaccine ngừa Covid-19
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Các công ty đa quốc gia phương Tây đang đá quả bóng trách nhiệm cho chính phủ các nước. Hầu như chưa thấy tập đoàn nào đề cập chuyện tìm kiếm nguồn vaccine ngừa Covid-19 để tiêm chủng cho nhân viên của họ hoặc mua vaccine để quyên tặng cho chính phủ hay cho các nước nghèo hơn.
Một trung tâm tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở ngoại ô thành phố Ahmedabad. Ấn Độ bắt đầu tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 hôm 16-1, với mục tiêu 300 triệu người được tiêm chủng vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới. Ảnh: Reuters |
Riêng chuyện chính quyền địa phương dấn thân, không chờ vào chính quyền trung ương càng hiếm hơn. Trong khi đó, các tập đoàn châu Á lại chủ động hơn. Hãng tin Reuters đưa tin, tuần rồi tập đoàn hàng tiêu dùng toàn cầu Unilever đã tuyên bố “ủng hộ mạnh mẽ nhân viên của hãng tiêm chủng càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, Unilever để ngỏ chuyện họ sẽ mua vaccine và quyên tặng cho người dân ở các nước nghèo hơn.
Không trông chờ vào chính phủ
Hôm qua, Emirates đã bắt đầu tiêm những mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên cho nhân viên của hãng, với ưu tiên dành cho phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất. Hãng bay tuyên bố rằng tiêm chủng toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong sự hồi phục của ngành hàng không và du lịch.
Theo AFP, hơn 60 nước đã bắt đầu các kế hoạch tiêm chủng đại trà với ưu tiên dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Hiện Israel đang là nước dẫn đầu với hơn 2,12 triệu người đã tiêm, chiếm 25% dân số. Tính về số liều vaccine đã tiêm, Mỹ đứng đầu với 12,28 triệu liều và Trung Quốc đứng thứ hai với 10 triệu liều. |
Emirate Group, tập đoàn mẹ của hãng bay, hiện vaccine chỉ được tiêm cho nhân viên làm việc ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tập đoàn hiện có 80.000 nhân viên trên toàn cầu, trong đó bao gồm luôn các nhân viên của công ty dịch vụ hàng không đang có mặt ở nhiều nước.
Emirate Group đang sử dụng vaccine của liên doanh Pfizer - BioNTech và hãng dược quốc doanh Sinopharm của Trung Quốc. Hai loại vaccine này đang được chính phủ UAE cung cấp miễn phí, với ưu tiên dành cho một số nhóm đối tượng trong tổng số 9 triệu dân ở đây. Chính phủ UAE đặt mục tiêu tiêm chủng hơn 50% dân số trong quí 1 năm nay.
Trong khi Emirate đã khởi sự kế hoạch tiêm chủng, các doanh nghiệp lớn trên thế giới chỉ mới bắt đầu tìm nguồn mua hay đàm phán với các hãng dược. Một số doanh nghiệp đã thảo luận với các hãng dược sớm hơn, nhưng vaccine chỉ được cung cấp từ cuối quí 2 hay đầu quí 3 năm nay.
Hãng thép Jindal Steel and Power Ltd, hãng thép Tata Steel, tập đoàn công nghệ đa ngành Mahindra Group và tập đoàn hàng tiêu dùng ITC Ltd đã bắt đầu tìm nhà cung cấp vaccine sau khi chính phủ Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà cuối tuần rồi.
“ITC muốn mở rộng chương trình tiêm chủng cho nhân viên toàn tập đoàn. Chúng tôi đã tiếp cận các nhà sản xuất vaccine và đang trong quá trình thảo luận thăm dò”, giám đốc bộ phận nhân sự Amitav Mukherji của tập đoàn ITC nói.
Chỉ trong hôm qua, Ấn Độ đã tiêm chủng được gần 150.000 người, nâng tổng số người đã tiêm chủng lên trên 380.000 người trong mục tiêu sớm đạt 300 triệu người được tiêm chủng trong tháng 7 hoặc tháng 8 tới. Loại vaccine mà nước này sử dụng được Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca nhượng quyền cho Viện Serum của Ấn Độ sản xuất. Ngoài ra còn có vaccine của công ty Bharat Biotech vốn được chính phủ hậu thuẫn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đã phát biểu trước Quốc hội Indonesia rằng các công ty tư nhân có thể được phép tìm nguồn mua vaccine và tiêm cho nhân viên của họ, giảm bớt gánh nặng cho chính phủ. Ông nói: “Nhưng việc này không nên tiến hành ngay mà đợi đến khi chính phủ hoàn tất chiến dịch tiêm chủng dành cho nhân viên y tế và công chức”. Ông bộ trưởng nói rằng hiện chưa có quyết định cuối cùng và chính phủ muốn tránh bị tai tiếng là ưu tiên cho người giàu.
Indonesia đã dành ra ngân quỹ 5,3 tỉ đô la để mua vaccine tiêm chủng miễn phí cho ít nhất 180 triệu dân trong tổng số hơn 270 triệu dân. Chiến dịch tiêm chủng đại trà tiến hành hôm 13-1 với vaccine của hãng Sinovac. Vaccine của các hãng dược phương Tây như Moderna và Pfizer sẽ được cung cấp từ tháng 6 trở đi.
Thống đốc Andrew Cuomo đọc thông điệp của bang New York ngày 11-1. Ảnh: New York Times |
Quyên tặng vaccine hay “tiêm không lời”
Hồi tháng 11-2020, hơn 30 công ty tư nhân của Philippines đã ký kết một thỏa thuận mua ít nhất 2,6 triệu liều vaccine từ AstraZeneca. Các chủ doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch hiến tặng phần lớn số vaccine cho chính phủ và sử dụng phần còn lại để tiêm cho nhân viên của họ.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Joey Concepcion, cố vấn về doanh nghiệp của tổng thống Rodrigo Duterte, cho hay số vaccine này được dự kiến sẽ được giao vào tháng 5 hoặc 6 năm nay và có thể sẽ được tiêm cho 1,5 triệu người.
Ít nhất có hai chuỗi bệnh viện của Thái Lan đã đàm phán mua vaccine và sẵn sàng tiêm cho nhân viên và người dân dù rằng hiện chính phủ Thái Lan chưa chuẩn thuận bất cứ loại vaccine ngừa Covid-19 nào. Chuỗi bệnh viện Vibhavadi xác nhận đã đặt mua 10.000 liều vaccine từ hãng Moderna.
Chủ tịch Tập đoàn y tế Thonburi Boon Vanasin nói rằng đã đàm phán mua 1 triệu liều vaccine của Sinovac. Một nửa trong số này sẽ được phối cho khoảng 40 bệnh viện trong chuỗi và tiêm cho nhân viên. Ông Vanasin nói rằng nếu chỉ trông chờ vào chính phủ thì không biết bao giờ và bao lâu thì nhân viên của Thonburi sẽ được tiêm.
Ông cũng cho biết sẽ mua thêm 9 triệu liều nữa từ Sinovac để tiêm dịch vụ với giá 3.200 baht cho hai liều. Đây là mức giá Thonburi không có lời, nhưng sẵn sàng thực hiện.
Chính quyền địa phương cũng dấn thân
Việc chính quyền địa phương như tỉnh hoặc bang chủ động tìm kiếm các nguồn vaccine mà không trông chờ với chính phủ trung ương hay chính phủ liên bang là khá hiếm. Ý tưởng như thế được các thành phố ở Philippines thực hiện đầu tiên, trong nỗ lực tìm nguồn vaccine riêng cho cư dân.
Thành phố Quezon thuộc khu vực đại đô thị Metro Manila đã dành nguồn quỹ riêng 1 tỉ peso (hơn 20 triệu đô la Mỹ) để đặt mua 750.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca để tiêm miễn phí cho 320.000 cư dân của thành phố. Các thành phố khác như Valenzuela, Calootan và Malapitan ở Metro Manila và nhiều tỉnh có tiền khác cũng noi theo và đặt bút ký các hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca với giá 10 đô la mỗi liều.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo hôm 18-1 đã yêu cầu CEO Pfizer Albert Bourla bán thẳng vaccine cho bang này, mà không thông qua chính phủ liên bang. “Với số ca nhập viện và số tử vong ngày càng tăng vào mùa đông này, chúng tôi đang đi bộ để chạy đua với virus. Và chúng tôi sẽ thua cuộc trừ phi có được lượng vaccine tăng đáng kể dành cho cư dân New York”, Thống đốc Cuomo viết trong thư gửi nhà lãnh đạo hãng dược Pfizer.
Tuy nhiên, ông Cuomo đã không đề cập số lượng vaccine cần mua. Riêng hãng dược Pfizer lại nói rằng những đề nghị tương tự như thư của Thống đốc Cuomo trước tiên cần được Bộ Sức khỏe và dịch vụ nhân sinh Mỹ thông qua.
Trong một thông báo khác, theo Reuters, Pfizer tuyên bố lượng vaccine cung cấp cho châu Âu sẽ giảm đi trong một vài tuần tới khi hãng nâng cấp dây chuyền sản xuất.