Bộ LĐ-TB&XH vừa lựa chọn tỉnh Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế và TP.HCM làm nơi thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Thời gian bắt đầu triển khai từ tháng 1 đến tháng 12-2021.
Theo đó, các địa phương trên được yêu cầu xây dựng phương án chi trả. Trong đó, chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH chuyển danh sách người hưởng chính sách trợ giúp xã hội đến tổ chức cung cấp dịch vụ. Đồng thời, lập ủy nhiệm chi gửi kho bạc huyện để chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của tổ chức cung cấp dịch vụ.
Người dân nhận lương hưu bằng tiền mặt. Ảnh: VIẾT LONG
Sau đó, tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm thực hiện chi trả vào tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ngân hàng số cho các đối tượng hưởng. Trường hợp đối tượng không thể giao dịch bằng phương thức thanh toán qua ngân hàng... thì thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho đối tượng.
Theo ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng.
Hiện cả nước cũng có khoảng 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 1 triệu người tham gia bảo hiểm tự nguyện, khoảng 13,1 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 85 triệu người tham gia BHYT.
“Như vậy, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng với mức trợ giúp ngày càng cao hơn. Vì thế đòi hỏi cần phải có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng tốt hơn” - ông Dũng cho hay.
Được biết sau một năm triển khai các địa phương trên, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đánh giá, tổng kết và triển khai trên cả nước.
Thanh toán điện tử sẽ tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn. |