Số phận đường trên cao ở TP.HCM hiện ít được quan tâm bởi vì trong Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030 vừa được duyệt, hai đường trên cao cũng xếp sau dự án khác về mức độ ưu tiên đầu tư. Trong động thái mới nhất, TP cũng đã loại ba tuyến đường trên cao khỏi danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Sơ đồ tuyến đường trên cao số 5. Đồ họa: VÕ NGUYÊN
Đường trên cao không hút nhà đầu tư
“Hiện nay tiêu chí ưu tiên dự án đầu tư đã có trong Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, riêng đường trên cao thì phải rà soát lại toàn bộ để xem còn vướng chỗ nào vì quy hoạch cũng lâu” - ông Vương Quang Hưng, Trưởng Phòng quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, trao đổi với phóng viên hôm 20-1.
Theo ông Hưng, việc xem xét, rà soát các dự án đường trên cao rất cần thiết và phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Ngoài ra, trong các hình thức đầu tư thì có thể ưu tiên theo hình thức BOT.
Câu chuyện về đường trên cao ở TP.HCM nhiều năm nay luôn được nhắc đến nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được hình thành. Cách đây hơn 13 năm, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt (năm 2007) thì chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng năm tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km.
Tuy nhiên, không những chưa có dự án nào được hình thành mà việc kêu gọi đầu tư cũng rất khó khăn. Ngày 11-1 vừa qua, UBND TP có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó có đề cập đến ba dự án đường trên cao bị “ế”.
Cụ thể, ba dự án đường số 1, 2, 3 dù có trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài từ năm 2014 nhưng đến hết năm 2020 vẫn chưa có nhà đầu tư nào đoái hoài. Chính vì vậy, căn cứ các tiêu chí đề xuất và lựa chọn lĩnh vực/dự án đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, UBND TP đã loại ba dự án này ra khỏi danh mục trong năm năm tới.
Thậm chí, trong Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030 vừa được UBND TP phê duyệt thì hai đường trên cao số 1 và số 5 cũng không nằm trong danh mục các dự án tiên quyết đầu tư.
Bài toán khó và tốn kém
Nói về sự cần thiết của các dự án đường trên cao, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, phân tích: “Đường trên cao về bản chất phục vụ giao thông liên quận, xuyên TP, tránh các điểm xung đột giao thông. Với tính chất đó thì đường trên cao được ưu tiên để giải quyết ùn tắc giao thông”.
Năm 1990, Bangkok (Thái Lan) ùn tắc nghiêm trọng nên họ xây nhiều đường trên cao, có cả đường kết nối vào sân bay… Các đường trên cao ở thủ đô này đã giải quyết bài toán ùn tắc hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Các đô thị lớn như Manila (Philippines) hay Jakarta (Indonesia), Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) đều có đường trên cao.
Về đầu tư, đường trên cao có khả năng thu hồi vốn lớn. “Tôi cũng rất bất ngờ khi trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài những năm tới ở TP.HCM lại không có đường trên cao” - ông Tuấn nói tiếp.
Thông tin thêm, ông Tuấn cho biết trước đây có nhà đầu tư quan tâm đến dự án đường trên cao ở TP.HCM nhưng do các thủ tục vướng mắc nên không được triển khai.
Đường trên cao thường là đường huyết mạch giải quyết giao thông kết nối, sự liên hoàn và đặc biệt giúp tách giao thông xuyên tâm TP khỏi dòng giao thông nội bộ rất hiệu quả. So với Hà Nội, TP.HCM chưa có đường trên cao là một bước đi chậm hơn.
“Theo nghiên cứu thì cứ 1 triệu dân tương ứng với 50 km đường trên cao. Đối chiếu thì thấy TP.HCM với hơn 10 triệu dân đúng ra phải có vài trăm km đường trên cao rồi. Tôi nghĩ TP nên ưu tiên cho các dự án này” - ông Tuấn góp ý.
Nêu quan điểm của mình, TS Dương Như Hùng, Khoa quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng có thể TP đứng trước lựa chọn khó khăn về việc làm đường trên cao do nhiều yếu tố tác động.
“Làm đường trên cao giải quyết kẹt xe nhưng cũng tăng ô nhiễm. Đường trên cao có thì không khuyến khích được người dân đi phương tiện công cộng. Ngoài ra, về mặt thẩm mỹ thì chi chít đường trên cao như ở Bangkok cũng không được đẹp mắt” - ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng đầu tư đường trên cao tốn kém rất nhiều tiền. Do đó, nhà đầu tư trong nước hoặc ngân sách khó đảm đương nổi. Cách tốt nhất là phải kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài hoặc theo hình thức tài trợ dự án.
Ngoài tuyến số 1 và số 5, theo kế hoạch của TP.HCM còn ba tuyến đường trên cao nữa, gồm: Tuyến số 2: Từ nút giao Lăng Cha Cả chạy dọc Công viên Đầm Sen - hương lộ 2 - điểm giao quốc lộ 1 (vành đai 2), dài 11,8 km (qua các quận 3, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân). Tuyến số 3: Giao với đường trên cao số 2 - Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh, dài 8,1 km (qua các quận 1, 3, 4, 5, 8, 10 và huyện Bình Chánh). Tuyến số 4: Từ ngã tư Bình Phước (giao quốc lộ 1 và quốc lộ 13) kết nối vào tuyến đường trên cao số 1 dài khoảng 7,3 km. |
Kỳ vọng vào hai dự án đường trên cao Tháng 10 năm ngoái, Sở GTVT TP đề xuất ưu tiên đầu tư trước hai dự án đường trên cao. Cụ thể, tuyến số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài khoảng 9,5 km sẽ đi qua Trường Chinh - Cộng Hòa, kết nối với tuyến metro số 2. Tuyến này cũng đi qua khu vực Tân Sơn Nhất đến cầu Thủ Thiêm 1, kỳ vọng giảm tải giao thông cho khu vực Tân Sơn Nhất và trung tâm TP. Tuyến trên cao số 5 dài khoảng 21,5 km, xuất phát từ trạm 2 (xa lộ Hà Nội) đi dọc quốc lộ 1 đến An Sương, kết nối thẳng với tuyến giao thông về khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng mức đầu tư cho hai dự án này gần 33.000 tỉ đồng Mới đây, ngày 16-1, Sở GTVT TP tiếp tục có kiến nghị gửi UBND TP về việc trong năm 2021 ưu tiên bố trí vốn để sớm tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (gồm lập đề xuất chủ trương đầu tư, lập đề xuất dự án đối với các dự án kêu gọi đầu tư và lập dự án đầu tư) với 20 dự án trọng điểm, cấp bách. Trong 20 dự án đó có hai đường trên cao số 1 và số 5. |