Vào năm 2017, cư dân mạng Trung Quốc lan truyền những mẩu tin về 1 ngôi làng chuyên đi mang thai hộ ở nước này. Không lâu sau, phóng viên ở chuyên mục Điều Tra của Đài truyền hình Sơn Đông đã làm 1 phóng sự thâm nhập "ngành công nghiệp" đẻ mướn bất hợp pháp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Trong 2 tháng gần đây, họ tiếp tục cử phóng viên đi nằm vùng ở tỉnh Hồ Bắc, Quảng Đông và thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Những chứng cứ chân thật thu về khiến họ bất ngờ khi dịch vụ mang thai hộ vẫn âm thầm diễn ra và ngày càng phức tạp. Đến ngày 19/1/2021, vì vụ việc nữ diễn viên Trịnh Sảng và drama mang thai hộ mà chủ đề "đẻ mướn" thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận, cũng kéo theo sự việc năm 2017 lại được dịp lên hot search xứ Trung.
Khái niệm "làng đẻ mướn"
Qua điều tra sơ bộ, phóng viên đã "shock tận óc" khi được dân làng tiết lộ rằng: "Tất cả phụ nữ trong làng chúng tôi đều ‘làm nghề’ đẻ thuê và kiếm tiền từ hình thức này được 10 năm rồi. Mỗi lần giao dịch kiếm từ 200-250 nghìn tệ (tương đương 714-893 triệu đồng), còn ở Thượng Hải sẽ ‘nhỉnh’ hơn đôi chút."
Cụ thể, vào cuối tháng 3/2017, phóng viên đã đến điều tra tại 1 số thôn làng ở tỉnh Hồ Bắc. Qua nói chuyện được biết, phụ nữ ở các ngôi làng tại đây đều đã từng mang thai hộ, con gái lẫn con dâu đều được "xuất xưởng" hàng loạt, chỉ có những ai sức khỏe quá kém hoặc không thể mang thai được nữa mới ở lại.
Một phụ nữ ở làng Điền Hồ nói với phóng viên: "Chỗ chúng tôi có rất nhiều người sinh đôi, thậm chí sinh ba và thường bắt đầu lên thành phố sau khi hết Tết Nguyên Đán."
Còn người dân ở làng Thất Lý cho biết, họ không chú trọng thời gian, chỉ cần có "mối" thì cho dù Tết cũng không về.
Người phụ nữ ở làng Thất Lý, tỉnh Hồ Bắc cho biết con dâu và con gái mình vẫn đang ở thành phố Vũ Hán để mang thai hộ
"Thù lao cũng kha khá, sinh 1 đứa được 150 nghìn tệ (tương đương 535,5 triệu đồng), cao hơn kiếm chừng 250 nghìn tệ (tương đương 893 triệu đồng), còn sinh đôi thì sẽ được thưởng thêm. Làng của chúng tôi phụ nữ sinh khéo, tỷ lệ sinh đôi khá cao nên ‘rất bận’." - Một dân làng Thất Lý kể với phóng viên.
Người này cũng chia sẻ thêm, ở làng cứ 10 phụ nữ thì có đến 9 người đi đẻ thuê, kể cả các cô gái trẻ.
Được biết, những ngôi làng như vậy đã tồn tại được 10 năm, có nhiều phụ nữ mang thai hộ 3-4 đứa thì không sinh được nữa đành trở về làng. Gần đây, scandal nữ diễn viên Trịnh Sảng thuê người mang thai hộ rồi bỏ con đã vô tình đánh động "ngành công nghiệp" đã và đang "ăn nên làm ra" này.
"Gần đây muốn đi cũng khó, còn bị kiểm tra này nọ rất phiền." - Một phụ nữ có kinh nghiệm đẻ thuê ở làng Thất Lý cho biết.
Rủi ro luôn song hành
"Hai bên mông sưng vù vì tiêm, mỗi ngày tiêm 1 lần và phải tiêm liên tục 75 mũi những ngày sau đó." - Cô Luyện, người từng làm việc cho cơ sở mang thai hộ tại thành phố Vũ Hán nói với phóng viên.
Theo lời kể của người phụ nữ trên thì cô đã "giải nghệ" do mắc bệnh cao huyết áp, còn con gái và con dâu hiện vẫn đang ở Vũ Hán để sinh con cho người ta. Được biết, con dâu cô Luyện năm nay đã 45 tuổi, nhưng do gia cảnh nghèo khó nên "chỉ còn cách" đi đẻ thuê. Con gái cô Luyện cũng sinh được 2 đứa và đều hoàn tất giao dịch tại Vũ Hán, sau đó về nhà nghỉ ngơi dưỡng sức, 4 tháng sau lại tiếp tục đi kiếm mối.
Thất Lý từ 1 ngôi làng nghèo đói, hoang sơ nay đã dần được xây mới đẹp đẽ, dân làng ở đây cho biết những ngôi nhà mới đều được xây từ tiền kiếm nhờ việc sinh hộ, đẻ mướn.
Cô Luyện sau nhiều lần đẻ mướn cũng phải than thở: "Mang thai hộ không đơn giản chút nào và biết đây là vi phạm pháp luật, nhưng vì quá nghèo nên đành chấp nhận đánh đổi."
"Hồi còn ở thành phố Vũ Hán, chúng tôi rất ít khi được ra ngoài. Có lần 1 phụ nữ làm việc như chúng tôi đến bệnh viện để khám thai nhưng bị phát hiện và bị phạt. Cái nghề này cũng rủi ro lắm, nhiều trường hợp phải cắt bỏ tử cung do mang thai hộ nhiều lần, thậm chí còn tử vong." - Cô Luyện thở dài nói.
Theo phóng viên ghi nhận, trường hợp xấu nhất xảy đến với những người phụ nữ đi đẻ thuê không ít. Trong đó có ca tử vong của 1 phụ nữ ngoài 30 tuổi do cô Luyện tiết lộ: "Cô ấy cách nhà tôi mấy bước chân, đã sinh được 1 bé, sau đó 1 năm lại sinh thêm, nhưng do vết mổ lần trước bị rách khiến máu trào ngược dẫn đến tử vong."
Vậy, làm thế nào những người phụ nữ này tìm được các cơ sở mang thai hộ?
Theo tìm hiểu, họ được bạn bè, người thân giới thiệu hoặc thông qua trung gian. Trong đó, cách đơn giản nhất là liên lạc với "má mì" dắt mối đẻ mướn chuyên nghiệp.
"Cô ấy trung bình 1 năm giới thiệu được hơn 20 người. Phí dắt mối cũng được vài trăm nghìn tệ (dao động trong khoảng vài trăm triệu đồng). Tôi cũng giới thiệu được 2 người cho bên trung gian và nhận được 10 nghìn tệ (tương đương 35 triệu đồng) tiền hoa hồng." - Một người dân trong làng tiết lộ.
Những người mẹ không nhận con
Cô Lý chia sẻ về lý do chọn mang thai hộ trong khi bản thân có công việc ổn định: "Tất cả cũng chỉ vì tiền, nếu không nhân lúc trẻ khỏe sau này muốn kiếm cũng khó."
Phóng viên của Đài truyền hình Sơn Đông đã đến gặp cô Lý, người đã từng 2 lần mang thai hộ. Cô gái ăn vận lịch sự và có ngoại hình khá ưa nhìn, thật khó để đoán được lý do vì sao lại chọn rẽ ngang sang nghề này?
Thông qua phỏng vấn, được biết cô Lý là nhân viên của 1 công ty, năm nay 34 tuổi, kết hôn được hơn 10 năm và đã có 2 con nhỏ. Cách đây không lâu, cô đã hạ sinh thành công 1 bé trai cho 1 gia đình ở tỉnh Giang Tô nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Cô Lý cho biết, mỗi lần làm thụ tinh ống nghiệm đều phải uống progesterone (là hormone sinh dục nữ, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng sau khi rụng trứng) hơn 70 ngày để tránh thai, khiến cho ngày nào cũng bị "khó ở". Sau chuỗi ngày dài chịu đựng, cuối cùng cô Lý cũng sinh được con cho khách hàng.
Khi được phóng viên hỏi: "Liệu sau này cô có muốn đòi lại con hay không?", cô Lý liền đáp ngay: "Đây chỉ là 1 cuộc giao dịch, tôi sinh con cho họ và đáng nhận được thù lao tương ứng. Những người muốn đi đẻ mướn cần chuẩn bị sẵn tinh thần vì đây là con của người ta. Tôi chỉ lo cho gia đình mình yên ấm, còn những chuyện khác không quan trọng."
Bé trai được cô Lý sinh nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm hiện đang sống với bố mẹ ruột. Cô nói chỉ cần biết tình hình đứa bé khỏe mạnh là được chứ không có ý định đòi con về
"Ngoài vùng phủ sóng" của pháp luật
Quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Trung Quốc nêu rõ, người mang thai hộ phải là người thân của vợ hoặc chồng. Quy định này nhằm kiểm soát việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, 1 số bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã bỏ qua quy định pháp lý trên. Những cơ sở này không được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Từ đây, dịch vụ đẻ thuê - đẻ mướn được hình thành.
Không những vậy, trên thực tế, thị trường này đang ngày càng sôi động ngoài sự kiểm soát của pháp luật. Hàng loạt đường dây mang thai hộ âm thầm hoạt động. Chỉ cần ở đâu có nhu cầu, các đối tượng môi giới sẽ bằng cách nào đó luôn luôn sẵn sàng cung cấp.
Sau những thỏa thuận ban đầu, đối tượng môi giới sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ cho người muốn mang thai hộ với các gia đình. Chính xác hơn, đây giống như cuộc lựa chọn - xem mặt, xem tính cách, kiểm tra sức khỏe rồi quyết định. Tất cả cùng mong muốn giữ bí mật mọi thông tin cá nhân và quá trình mang thai. Những phụ nữ đang cần tiền, hoặc đã ly hôn được đối tượng môi giới hướng tới để dụ dỗ, lôi kéo.
Theo chia sẻ từ chính những người phụ nữ đồng ý mang thai hộ, 1 trong những nguyên nhân khiến họ quyết định tham gia hoạt động này là bởi muốn có tiền, có cơ hội thay đổi cuộc sống hiện tại của bản thân, hoặc nuôi gia đình, dù biết rằng việc mang thai hộ có thể mang tới cho bản thân cũng như đứa trẻ nhiều nguy hiểm.
Nguồn: QQ
Nguyên Dũng TT
Tri thức trẻ