Dịp Tết nguyên đán năm nay, tỉnh Lâm Đồng dự báo nhu cầu tiêu thụ 2 mặt hàng rau, hoa tăng từ 5% đến 20%, tùy chủng loại. Trong đó, TP HCM tiêu thụ khoảng 70% sản lượng.
Sản lượng rau, củ tăng mạnh
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của TP HCM về tình hình sản xuất, cung ứng mặt hàng rau củ quả, hoa tươi cho dịp Tết Tân Sửu 2021 vào sáng 22-1, ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết sản lượng rau củ quả của tỉnh phục vụ thị trường Tết năm nay ước khoảng 780.000 tấn, tăng khoảng 5% so với Tết 2020.
Các địa bàn chuyên canh cây rau của tỉnh Lâm Đồng (gồm TP Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và một phần huyện Lâm Hà) đã gieo trồng hơn 24.000 ha rau các loại. Trong đó, nhiều loại rau củ tăng mạnh cả về diện tích và sản lượng, như cải thảo tăng 19%, hành tây tăng 16%, khoai tây tăng gần 13%, xà lách tăng trên 10%, cà chua và bắp cải tăng trên 5%; củ cải, cải dưa, hành lá tăng gần 13%...
Đối với hoa, hoa cát tường tăng 10% diện tích và sản lượng; hoa hồng tăng trên 3%; hồ điệp, vũ nữ tăng 0,67% diện tích và 10,11% sản lượng. Một số giống rau, hoa dài ngày như lily, cúc, cát tường, cà chua, cà rốt, hành tây…, nông dân đã xuống giống hết và đang tập trung cho việc chăm sóc để thu hoạch vào dịp Tết nguyên đán, đồng thời tiếp tục chuẩn bị đất trồng một số loại rau ngắn ngày như xà lách, cải thảo, bó xôi… đối với những diện tích đã thu hoạch.
Về chất lượng nông sản, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho hay do diện tích trồng trọt tăng nhẹ, gặp thời tiết thuận lợi cộng với việc các doanh nghiệp (DN), nông dân tăng diện tích sản xuất rau theo công nghệ cao và tiêu chuẩn an toàn nên sản lượng tăng, chất lượng cải thiện hơn. Cơ quan quản lý nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên giám sát, lấy mẫu kiểm tra hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác.
Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh có 165 chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm từ sản xuất đến thu gom, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 ha chứng nhận VietGAP, ngoài ra có chứng nhận hữu cơ, chứng nhận sản xuất bền vững…
"Diện tích còn lại chưa được chứng nhận không có nghĩa là chất lượng không bảo đảm bởi thực tế, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm và đòi hỏi tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn. Nhà sản xuất muốn bán được hàng buộc phải thực hành sản xuất sạch" - đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng giải thích.
Lo sức tiêu thụ không cao
Tại buổi làm việc, các sở - ngành lẫn DN, HTX trồng hoa, rau của tỉnh Lâm Đồng cho hay trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua hầu hết các mặt hàng bị sụt giảm nên các DN, HTX khá dè dặt trong việc tăng sản lượng cung ứng cho thị trường Tết. Nhiều khả năng giá hoa, rau dịp Tết này sẽ tăng nhẹ vì tại một số địa phương ở Lâm Đồng, một phần diện tích cây trồng kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng hoa. Bên cạnh đó, sản lượng rau, hoa đưa ra miền Trung cũng tăng do diện tích canh tác nông nghiệp ở những địa phương này chịu tổn thất nặng nề trong bão lũ vừa qua, không kịp khôi phục sản xuất cho vụ Tết.
Đoàn công tác của TP HCM cũng đã đến khảo sát trực tiếp tại các DN, HTX rau củ ở Lâm Đồng đang cung ứng số lượng lớn rau củ quả bình ổn cho thị trường TP. Tại xưởng sơ chế, đóng gói của Công ty TNHH Nông sản Phong Thúy (xã Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), khoảng 100 công nhân đang tất bật làm việc để kịp đóng hàng đưa về TP HCM và một số địa phương khác tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Phong Thúy, cho biết DN ông đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên điện tích 130 ha, sản lượng 10.000 - 12.000 tấn/năm, chủ yếu cung ứng cho các hệ thống siêu thị của TP HCM và bán cho những DN sản xuất hàng xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản. Dự kiến, Tết này, công ty cung ứng cho TP HCM khoảng 600 tấn rau củ quả các loại, 60% trong đó là hàng bình ổn thị trường như bắp cải, cà chua, cà rốt...
"Các siêu thị thông báo sẽ "khóa" giá một số mặt hàng rau củ quả từ 20 ngày trước Tết nên giá nhóm hàng này trong siêu thị chắc chắn không có biến động nhưng bên ngoài có thể tăng nhẹ do hầu hết cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng. Mặt hàng cà chua giá có thể nhích lên do thời tiết không ổn định làm trái chậm chín. Chúng tôi đang trữ hàng vào kho mát để điều chỉnh số lượng nhằm kéo giảm áp lực tăng giá cho thị trường Tết" - đại diện DN này thông tin.
Công ty Phong Thúy sơ chế, đóng gói nông sản chuẩn bị đưa về TP HCM tiêu thụ dịp Tết
Công ty Xuân Thái Thịnh cũng đã chuẩn bị 200-300 tấn rau củ quả cho thị trường TP HCM trong 20 ngày sát Tết. Tuy nhiên, ông Bùi Trung Kiên, giám đốc công ty, bày tỏ lo ngại vì sản lượng nông sản năm nay có chiều hướng tăng trong khi đến thời điểm này, sức mua vẫn còn chậm hơn cùng kỳ tới 15%-20%.
"Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình sức mua thị trường để có thể phối hợp với các nhà phân phối tăng khuyến mãi, giảm giá bán để đẩy nhanh lượng rau củ quả ra thị trường" - ông Kiên cho biết.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho hay dự báo Tết này có khoảng 70% công nhân, người lao động ở TP sẽ không về quê. Do đó, sở đề nghị các DN, HTX cung ứng rau củ quả, hoa tươi của Lâm Đồng tính toán lại nguồn hàng cũng như phương án tiêu thụ để tránh tình trạng hàng hóa đưa về các địa phương khác dư thừa, trong khi sản lượng cung cấp cho TP HCM không đủ, dẫn đến tăng giá.
Xem thêm: mth.12580602222101202-tet-nab-mch-pt-ev-od-gnod-mal-nas-gnon/et-hnik/nv.moc.dln