Kết thúc năm 2020, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thủy sản có sự phân hóa mạnh. Nhiều đại gia đầu ngành như Vĩnh Hoàn, Kiên Hùng, Nam Việt lao dốc. Thủy sản Mekong và Thủy sản Ngô Quyền vẫn chìm trong lỗ. Trong khi đó, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu cao kỷ lục kể từ khi niêm yết.
VHC, ANV, KHS sụt giảm mạnh
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cho biết do giá bán và sản lượng giảm nên trong quý IV, doanh thu thuần của công ty giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 1.944 tỉ đồng. Lãi sau thuế của VHC giảm 23%, ở mức 153 tỉ đồng.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của VHC giảm 11%, lãi ròng giảm tới 40%, lần lượt đạt 7.037 tỉ đồng và 705 tỉ đồng.
Tại ngày 31.12.2020, VHC có gần 7.792 tỉ đồng tổng tài sản. Nợ phải trả 2.031 tỉ đồng, tăng 17% so với đầu kỳ.
Giống như VHC, quý IV/2020, Công ty Cổ phần Kiên Hùng (HNX:KHS) cũng ghi nhận lãi ròng giảm 40% so với cùng kỳ 2019.
Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sụt giảm theo KHS là do doanh thu của công ty con (AOKI) giảm do dịch COVID-19, giá nguyên liệu tăng cao, sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản giảm, ngư trường cạn kiệt và chính sách quản lý ngư trường của Nhà nước để gỡ thẻ vàng EU…
Tính chung năm 2020, KHS ghi nhận doanh thu 1.184 tỉ đồng nhưng lãi ròng giảm 28%, xuống còn 19 tỉ đồng. So với kế hoạch 2020, doanh nghiệp này thực hiện được 95% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lãi trước thuế.
Trong khi đó, lãi ròng quý IV của Công ty Cổ phần Nam Việt (HOSE:ANV) giảm tới 56%, lợi nhuận ròng cả năm lao dốc tới 71%.
Cụ thể, riêng quý IV, doanh thu thuần và lãi ròng của ANV đạt 936 tỉ đồng và 86 tỉ đồng, lần lượt giảm 32% và 56% so với cùng kỳ.
Theo ANV, lãi ròng quý 4 giảm chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá bán và doanh thu đồng loạt giảm.
Lũy kế cả năm 2020, ANV ghi nhận 3.440 tỉ đồng doanh thu thuần và 202 tỉ lãi sau thuế, lần lượt giảm 23% và 71%.
Tại ngày 31.12.2021, hàng tồn kho của ANV tăng 20% so với đầu kỳ, ở mức hơn 1.900 tỉ đồng. Nợ phải trả tại thời điểm này cũng tăng 43% lên hơn 2.500 tỉ đồng.
AAM và NGC vẫn chìm trong lỗ
Kết thúc năm 2020, bức tranh tài chính của Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (HNX: NGC) vẫn rất u ám. Cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn nằm trong diện kiểm soát do chưa thoát lỗ. Doanh thu của NGC năm 2020 lao dốc tới 86% so với năm 2019, chỉ đạt gần 18 tỉ đồng. Công ty lỗ ròng gần 17 tỉ đồng trong năm 2020.
Mặc dù không bết bát như NGC nhưng Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong (HOSE:AAM) tiếp tục khó khăn khi doanh thu giảm 1 mạch từ hơn 200 tỉ đồng (2019) xuống 121 tỉ đồng (2020).
Năm 2020, AAM kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty có 3 quý lỗ liên tiếp. Cả năm, doanh nghiệp này lỗ ròng gần 12 tỉ đồng trong khi năm 2019 lãi sau thuế 8,3 tỉ đồng. Được biết mục tiêu kinh doanh năm 2020 của AAM là đạt tổng doanh thu 220 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 6 tỉ đồng.
FMC đạt doanh thu cao nhất kể từ khi niêm yết
Trong bức tranh không mấy tươi sáng của ngành, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HOSE:FMC) lội ngược dòng. Tuy lãi ròng của FMC trong năm 2020 đi ngang (226 tỉ) nhưng doanh thu của công ty đã cán mốc hơn 4.400 tỉ đồng - mức cao nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Doanh thu từ bán thủy sản của FMC tăng 21% so với 2019, đạt gần 4.300 tỉ đồng; còn lại là doanh thu từ nông sản hơn 115 tỉ đồng.
Theo FMC, các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia bị tác động nặng nề bởi COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản lượng sụt giảm. Việc Chính phủ Việt Nam phòng chống COVID tốt đã tạo cơ hội cho tôm Việt.
Xem thêm: odl.034378-cohk-iougn-iouc-ek-nas-yuht-aig-iad/et-hnik/nv.gnodoal