Đài ABS-CBN ngày 22-1 dẫn lời ông Carlito Galvez - người đứng đầu Nhóm đặc trách chống đại dịch của Philippines – cho biết ông sẽ không “thỏa hiệp lợi ích quốc gia” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông)”, bất kể việc Philippines nhận vaccine COVID-19 từ Bắc Kinh.
Phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 22-1, ông Galvez cho biết: "Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, lợi ích cũng như sự chung tay toàn cầu thực sự chính là việc cứu lấy nhân loại, vì vậy tất cả các quốc gia đã hợp lực vì điều này".
"Đó chính là bối cảnh chúng tôi đang xem xét — mọi quốc gia đều muốn giúp đỡ để giúp Philippines vượt qua cơn đại dịch này. Những sự khác biệt ở Biển Đông nên được đặt sang một bên trong bối cảnh đại dịch" - ông Galvez nói thêm.
Ông Carlito Galvez - người đứng đầu Nhóm đặc trách chống đại dịch của Philippines. Ảnh: INQUIRER
Trước phát biểu của ông Galvez, Thượng nghị sĩ Akbaya Risa Hontiveros đã chất vấn: "Ông Galvez nói rằng chúng ta nên đặt sự khác biệt tại Biển Đông sang một bên trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, nhưng mọi quốc gia đều có lợi ích riêng, bất kể nỗ lực nào trong việc giúp đỡ lẫn nhau vượt qua đại dịch”.
"Tôi chỉ đơn giản yêu cầu một sự tái khẳng định rằng chúng ta sẽ không lùi bước trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia ở Biển Đông vì điều này" - bà Hontiveros nói với ông Galvez.
Trả lời chất vấn của bà Hontiveros, ông Galvez nhấn mạnh: "Tôi muốn làm rõ: chúng ta sẽ không thỏa hiệp lợi ích quốc gia. Việc lựa chọn vaccine của chúng tôi dựa trên cơ sở khoa học".
Theo ABS-CBN, Philippines đã đồng ý mua 25 triệu liều vaccine CoronaVac của công ty Trung Quốc Sinovac. Lô 50.000 liều đầu tiên dự kiến được bàn giao vào tháng Hai.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Manila mới đây đã cam kết tặng 500.000 liều vaccine COVID-19 cho Philippines, song không nói rõ là loại nào.
"Là một người bạn của Philippines và là nước láng giềng gần gũi nhất của các bạn, chúng tôi sẽ kiên quyết sát cánh cùng người dân Philippines cho đến khi đánh bại được loại virus này" - ông Vương nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin tại Manila hôm 16-1.
Theo Đại sứ Philippinesg tại Trung Quốc Chito Sta. Romana, việc Bắc Kinh cung cấp vaccine cho các nước "là một phần trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm nâng cao vị thế của nước này trên thế giới và thu phục sự cảm tình của người dân”.
“Tuy nhiên, liệu họ có biến nó thành một điều kiện địa chính trị hay không vẫn chưa được thảo luận” – ông Sta. Romana nói thêm.
Hai nhà nghiên cứu Ardhitya Eduard Yeremia và Klaus Heinrich Raditio tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) đã bình luận rằng chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc “không phải là vô điều kiện”.
“Bắc Kinh có thể sử dụng việc tài trợ vaccine của mình để thúc đẩy chương trình nghị sự trong khu vực, đặc biệt là về các vấn đề nhạy cảm như tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông” – hai nhà nghiên cứu lưu ý.
Tòa trọng tài Quốc tế The La Hague năm 2016 đã bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc với các nguồn tài nguyên ở hầu hết Biển Đông. Phán quyết nêu rõ Trung Quốc vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines khi can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá và khai thác tài nguyên dầu khí của Manila trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố không tham gia vụ kiện, không chấp nhận và tuân thủ phán quyết này.