- Sẵn sàng các phương án bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đảng lần thứ XIII
- Bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương dự Đại hội Đảng lần thứ XIII
Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra khi đất nước đang bước vào một mùa xuân mới - xuân Tân Sửu với những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khóa XII và nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới. Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng xây dựng chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ. Đón chào xuân mới, phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới có cuộc trò chuyện với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
PV: Thưa ông! Trong nhiều bài phát biểu, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Vậy, Đại hội XIII này so với các kỳ đại hội trước có khác nhau nhiều không?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi đã được học Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960. Khi đó tôi là học sinh phổ thông trung học. Nói vậy để bạn biết là tôi đã được chứng kiến, được biết đến nhiều đại hội. Tôi được dự Đại hội VI, đến Đại hội VII thì được bầu vào Trung ương Đảng. Đại hội VIII, IX được dự với tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng. Sau Đại hội X thì tôi nghỉ hưu. Với thời gian tôi được trưởng thành, được chứng kiến quá trình phát triển của Đảng và thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước tiếp tục đi lên nhưng cũng có nhiều vấn đề khó khăn hơn.
Khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi nghĩ rằng đất nước đã thống nhất, thắng lợi rồi, hòa bình rồi thì chỉ cần ăn rau cũng thấy sung sướng. Và thật đáng mừng, đất nước ta ngày càng phát triển, Nhân dân có đời sống tốt hơn. Tôi tán thành câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay”. Đặc biệt, những lúc khó khăn nhất đã thể hiện được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước năng động, sự hưởng ứng của Nhân dân. Qua đại dịch COVID-19 và thiên tai gần đây thể hiện rõ điều đó, cả nước đã đi lên vững chắc.
Đất nước phát triển dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất. Bởi vậy tôi nghĩ đại hội tới đây có ý nghĩa lịch sử rất to lớn. Đất nước đã trải qua giai đoạn xây dựng sau đổi mới hơn 30 năm rồi. Nhưng, đại hội tới đây, bên cạnh những thuận lợi (hay thời cơ) thì vẫn có nhiều khó khăn và thách thức. Trách nhiệm của Đảng là đưa đất nước phát triển, đi lên, không để sai lầm, khuyết điểm nào cản trở sự phát triển của đất nước. Lãnh đạo phải toàn diện, nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực mới, đặc biệt là vấn đề kiến thiết, xây dựng đất nước.
Đại hội XIII với nhiệm vụ, có thể gọi là sứ mệnh đặc biệt là ngoài việc xây dựng định hướng cho 5 năm tới như các đại hội khác thì sẽ xây dựng định hướng tới năm 2030 và 2045 (năm kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước). Cách đặt vấn đề, tư duy như thế cũng là tư duy mới, tức là nhìn xa trông rộng để từ đó thấy con đường đi phải thế nào. Đấy cũng là điểm mới. Thế nhưng, quan trọng nhất là tổ chức thực hiện.
PV: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Đảng ta cũng xác định rõ điều này. Theo ông, trong công tác cán bộ hiện nay còn tồn tại vấn đề gì cần khắc phục?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi thấy trong các nghị quyết của Đảng, nhất là đồng chí Tổng Bí thư nhắc nhiều đến công tác cán bộ, công tác nhân sự. Nhưng, làm thế nào để chọn được cán bộ có đức có tài lại là cả một vấn đề. Vừa rồi đại hội các cấp đã có tổng kết, cho thấy những thành tựu đạt được qua kỳ đại hội này là đáng mừng, tuy nhiên còn nhiều vấn đề tồn tại mà đáng sợ nhất là chủ nghĩa cá nhân. Trong nhiều bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều nhấn mạnh cần phải loại trừ chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm... Chủ nghĩa cá nhân có muôn hình vạn trạng, nhiều người vụ lợi, muốn giành chức và quyền, kéo bè kéo cánh, mất cả lý tưởng. Nên, vừa rồi, các văn bản của Đảng và những bài phát biểu của Tổng Bí thư đều kêu gọi sự thức tỉnh của những đảng viên, những cán bộ bấy lâu nay say sưa với thành tích, chạy chọt.
Chúng ta có thể nhận diện những khuyết điểm của cán bộ đảng viên qua 27 biểu hiện đã được Trung ương Đảng chỉ ra trong Nghị quyết 4 Khóa XII, nó như một cuốn cẩm nang. Tôi không có điều kiện để dự những cuộc kiểm điểm hay kiểm tra xem trong những kiểm điểm vừa rồi, các cá nhân, những lãnh đạo các cấp đã tự giác, tự nguyện, thành thật đối chiếu, dám chỉ ra và tự nhận thấy những vấn đề mà mình có liên quan đến 27 biểu hiện hay không. Có dám chỉ ra những người đồng chí của mình, người thân của mình có biểu hiện gì cần lưu ý mà Đảng chỉ ra. Qua phương tiện thông tin đại chúng và dư luận, tôi thấy tự phê bình và phê bình nơi này nơi khác còn mang tính hình thức, chưa được như Đảng yêu cầu, nên chưa sàng lọc được. Thực tế trong dư luận thấy nhiều nơi chưa đi sâu vào nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.
PV: Nhìn từ công tác xử lý cán bộ vừa qua thấy rằng, trong lựa chọn cán bộ, có thể lúc đầu được coi là lựa chọn đúng nhưng sau đó lại thành sai? Vậy là lỗi do tự bản thân cán bộ đảng viên đó hay do công tác kiểm tra, giám sát, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Trong công tác cán bộ có mấy loại thế này. Loại thứ nhất là chọn đã sai rồi. Đó là chọn những phần tử cơ hội, chạy chọt, vị trí không tương xứng với người đó, tức là chọn nhầm hoặc để những kẻ đó lọt lưới. Loại này cương quyết phải loại bỏ. Loại thứ hai là có những người khi chọn cũng đủ tiêu chí, tiêu chuẩn nhưng khi ở cương vị mới, quá trình tiếp xúc với quyền lực và tiền thì bắt đầu tha hóa dần. Lỗi cũng có phần do chọn cán bộ nhưng cũng có phần do cuộc sống tạo nên, vì những người này chưa có bản lĩnh. Còn những người được tôi luyện, có bản lĩnh thì dù thế nào cũng không sợ, không thay đổi, dù gian khó cũng không bị mua chuộc.
Thế nên không phải ngẫu nhiên mà trong Hội nghị tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kì 2020-2025, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói của nhân vật Pavel Korsaghin trong cuốn sách gối đầu giường của thanh niên thế hệ chống Mỹ - “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Ostrovsky: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”. Hay đồng chí cũng nói đến bản lĩnh, dũng khí để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nói như Pavel “Không hề biết sợ”, “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống...” mà thế hệ thanh niên thời Đặng Thùy Trâm đã sống, chiến đấu với lí tưởng đó.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao đổi cùng phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới. |
PV: Chúng ta đã đặt vấn đề về xây dựng Đảng từ rất lâu rồi. Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) Khóa VIII năm 1999, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình, xuất phát từ một số yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, lãng phí... Tiếp theo, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII cũng chỉ rõ hơn nữa. Thế nhưng, trong nhiệm kì XII có tới 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỉ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Vậy ông đánh giá thế nào về hiện tượng trên?
Ông Vũ Quốc Hùng: Thời gian qua nhiều đại án được đưa ra xét xử, trong đó có cán bộ cấp cao, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng. Nhưng, đây cũng là điều đau xót mà không thể không nói đến nguyên nhân từ việc chọn nhầm cán bộ, đặt họ vào vị trí không tương xứng. Danh dự của họ đã đau đớn rồi nhưng danh dự của Đảng còn đau đớn hơn. Tại sao chỉ trong một nhiệm kỳ có nhiều cán bộ cao cấp bị kỉ luật đến thế? Họ công tác ở nhiều lĩnh vực, thậm chí ở các ngành như Công an, Quân đội, những vùng thiêng liêng, những vùng phải giữ cho thật trong sáng, trong sạch vì đó là những lực lượng chiến đấu, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân. Đấy là hậu quả của sự lãnh đạo quản lý, sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy không tốt chứ không chỉ đơn thuần là của ủy ban kiểm tra các cấp.
Nhiều văn bản, chỉ đạo của Đảng về trách nhiệm nêu gương, tự soi, tự sửa, xử lý đảng viên vi phạm... khi đưa vào cuộc sống thì lại nằm trong tủ, nhiều người không nghiên cứu kĩ. Các đồng chí thử xem một đảng viên một năm mấy lần đọc Điều lệ Đảng? Đó là thực tế ít được nhắc đến nhưng rất quan trọng. Đảng viên phải dành thời gian đọc Điều lệ Đảng và nhiều văn bản quan trọng khác. Đọc xong phải suy ngẫm, phải tự soi vào mình, nhất là người đứng đầu, bí thư chi bộ, bí thư đảng ủy, rồi truyền lại cho chi ủy viên, đảng ủy viên...
Tuy nhiên, tôi cũng phải nhắc lại, việc xử lý cán bộ trong nhiệm kì qua chính là thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng. Đây là một trong những tiền đề thuận lợi cho công tác tổ chức đại hội.
PV: Câu hỏi cuối cùng, ông gửi gắm điều gì với Đại hội XIII của Đảng?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi mong Đại hội sáng suốt bầu ra Ban Chấp hành Trung ương là những đồng chí tinh hoa, ưu tú của Đảng, của Nhân dân. Có vậy thì đảng viên, Nhân dân mới yên tâm, tin tưởng.
PV: Xin cảm ơn ông và chúc ông cùng gia đình năm mới sức khỏe, hạnh phúc!
Việt Hà (thực hiện)Xem thêm: /538726-nohc-aul-tous-gnas-gnaD-gnom-ioT/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna