Giám đốc sáng tạo Dzũng Yoko và nàng thơ Tăng Thanh Hà, hình ảnh trong sách ảnh Nhị Nguyên - Ảnh: NVCC
Dzũng Yoko theo đuổi những nét đẹp lạ, quái và không hoàn hảo. Mặc dù vậy, nàng thơ lâu năm của anh, diễn viên Tăng Thanh Hà, lại được coi là hình mẫu của nhan sắc hoàn hảo. Trong mắt Dzũng Yoko, Tăng Thanh Hà đặc biệt vì cô đẹp tự nhiên, không chỉnh sửa và có thần thái.
"Khi cười có nếp nhăn, cô ấy nói: Anh hãy cứ để nguyên nếp nhăn này đừng chỉnh sửa ảnh, có nốt ruồi cũng giữ nguyên nốt ruồi và chỉnh da em tự nhiên nhé. Cô ấy thích những gì đến từ tự nhiên trong con người mình. Trong khi đó, ở Việt Nam, mọi người thường sợ xấu" - Dzũng Yoko nói với Tuổi Trẻ Online.
Nếp nhăn đẹp mà, sao lại che giấu nó?
Và không hề hoàn hảo, bàn tay của Tăng Thanh Hà không đẹp. Cô lý giải với Dzũng Yoko: "Không sao đâu anh. Em làm việc nhà mà, em nấu ăn cho con em. Tay em xấu em thấy bình thường".
Và trong con mắt nghệ thuật, sự không hoàn hảo đó cũng là vẻ đẹp của người chăm sóc gia đình. Những người mẹ, người cha có thể có bàn tay nhiều nếp nhăn, khô khốc vì rửa chén, nấu ăn, quét nhà... nhưng đó là bàn tay của tình yêu thương.
Tăng Thanh Hà thể hiện ý tưởng bóng tối và ánh sáng trong sách ảnh Nhị Nguyên của Dzũng Yoko - Ảnh: NVCC
Qua những bức ảnh của Dzũng Yoko, những vẻ đẹp khác của người Việt Nam hiện đại cũng được khắc họa. Không chỉ là vẻ dễ thương, tròn đầy, phúc hậu... như chúng ta vẫn thường tự gán, mà là xương hàm góc cạnh, của đôi mắt lồi có chiều sâu, của sống mũi dài đến kỳ quái, của hai hố mắt cách xa nhau không hề chuẩn mực. Nhưng những đường nét đó để lại ấn tượng lâu dài, khó quên.
Hơn 10 năm hợp tác với các tạp chí nước ngoài tại Việt Nam, bài học thấm thía mà Dzũng Yoko học được từ các giám đốc sáng tạo người Pháp là hãy biết khai thác vẻ đẹp tự nhiên.
Anh kể: "Họ nói 'chúng tôi rất thích khai thác nét đẹp tự nhiên'. Người già thì phải có nếp nhăn, không thể nào không nhăn được. Đồi mồi, nốt ruồi cũng đều rất đẹp vì đó là vết hằn của năm tháng, của tuổi già, của sự trải nghiệm. Những thứ đó đâu thể nào mua được?
Ngày xưa, khi không biết điều này, tôi thường can thiệp photoshop 'tan nát'. Đó là một quan điểm sai về thẩm mỹ. Hiện nay, nhiếp ảnh quốc tế chụp rất 'raw' (thô, nguyên bản), hầu như công đoạn chỉnh sửa ảnh chỉ dọn 'rác' trong ảnh và làm đều màu nước da, còn những vết hằn, tì vết họ để nguyên hết".
Những đường nét tự nhiên của người mẫu cần được trân trọng và khai thác trong nhiếp ảnh nghệ thuật - Ảnh: NVCC
Anh tâm đắc với quan điểm đó vì nó khẳng định không ai đẹp hoàn hảo. Người đẹp không tì vết chỉ có qua photoshop hoặc các ứng dụng chụp ảnh. Theo anh, việc theo đuổi vẻ đẹp hoàn hảo đang khiến con người tìm đến những biện pháp làm đẹp, trẻ hóa thiếu tự nhiên.
Nếu mải miết chạy theo sự hoàn hảo một cách sai lệch, con người sẽ không còn tự tin nữa.
Tâm hồn con người luôn có sáng và tối
Và không chỉ vẻ bề ngoài, Dzũng Yoko mong muốn khắc họa được nội tâm của người mẫu và chính anh thông qua những bức ảnh. Với anh, người mẫu là cộng sự, là bè bạn. Anh tâm sự với họ để hiểu những đấu tranh tâm lý bên trong mỗi người, cảm giác mà họ gánh chịu hàng ngày và hình ảnh hóa thứ cảm giác đó thông qua ảnh nghệ thuật.
Cảm giác nghẹt thở, đè nén, chịu nhiều áp lực trong cuộc sống được anh khắc họa bằng bức ảnh người mẫu đầu quấn túi ni lông, bị côn trùng bò lên mặt, bị bao vây bởi dây thép gai, bị tảng đá đè nặng lên người, phía trên là những bông hoa khô héo.
Người mẫu Nhật Trường làm mẫu trong loạt ảnh Tàn xuân của sách ảnh Nhị Nguyên - Ảnh: NVCC
Dzũng Yoko tin rằng bên trong mỗi người, bóng tối và ánh sáng luôn song hành. Do đó, artbook Nhị Nguyên được chia thành hai nửa - Bóng tối và Ánh sáng - nhưng song hành trong một bản thể.
Trước đây, vì suy nghĩ quá rạch ròi giữa sáng tối, đen trắng, đúng sai, anh cảm thấy bản thân khổ sở vì chẳng có gì hoàn hảo. Giờ đây, anh tin "tâm hồn con người như một vầng trăng, có lúc sáng và tối, nhưng trăng vẫn là trăng".
Chẳng hạn với Tăng Thanh Hà, anh cảm nhận cô là một vẻ đẹp "vừa dễ gần lại vừa khó gần", rất lạ lẫm, đầy nghệ thuật. Thân thiết với nhau nhiều năm, cô vẫn chưa ngừng truyền cảm hứng cho anh sáng tạo.
Sách ảnh Nhị Nguyên được giới thiệu tại triển lãm cùng tên tại S+ Studio, quận 4, TP.HCM từ 22 đến 24-1.
Hình ảnh trong artbook Nhị Nguyên của Dzũng Yoko:
Bức ảnh trong loạt Tri kỷ với ý tưởng "Tri kỷ là tấm gương soi chiếu cả phần sáng lẫn phần tối trong tâm hồn nhau" - Ảnh: NVCC
Dzũng Yoko nói anh may mắn tìm được vài tri kỷ trong đời, mỗi người lại hiểu anh từ một khía cạnh khác nhau - Ảnh: NVCC
Vẻ đẹp Tăng Thanh Hà "vừa dễ gần lại vừa khó gần", do đó Dzũng Yoko chụp cô với hai tâm trạng khác nhau: vào ban đêm và giữa không gian đầy nắng - Ảnh: NVCC
Cả hai là những người bạn gắn bó suốt mấy năm qua - Ảnh: NVCC
TTO - Dự án 'Human Distancing' của Dzũng Yoko khiến chúng ta nhận ra mọi người xung quanh và cả chính chúng ta đã trở thành một "thế hệ cúi đầu" như thế nào.
Xem thêm: mth.46765139042101202-uax-os-gnouht-iougn-iom-man-teiv-o-okoy-gnuzd/nv.ertiout