Hãng tin Reuters hôm 24-1 đưa tin Điện Kremlin cáo buộc phía Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ khi Đại sứ quán tại Mỹ tại Nga phát cảnh báo đề nghị công dân tránh xa các cuộc biểu tình liên quan đến vụ bắt giữ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.
Người biểu tình yêu cầu Nga thả ông Navalny. Ảnh: Maxim Shemetov/REUTERS
“Cáo buộc can thiệp nội bộ”
Cụ thể, vào hôm 23-1, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình yêu cầu nhà chức trách Nga thả tự do cho ông Navalny. Lực lượng cảnh sát được triển khai để giải tán cuộc biểu tình và có hơn 3.000 người bị cảnh sát bắt giữ.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Moscow đã đưa ra "Cảnh báo biểu tình", kêu gọi công dân Mỹ tránh xa và công bố các tuyến đường trong cuộc biểu tình ở Nga, nơi người biểu tình dự định tụ tập.
“Dĩ nhiên những thông báo này là không phù hợp. Và dĩ nhiên, họ đã can thiệp vào công việc nội bộ của Nga một cách gián tiếp. Đây là sự ủng hộ trực tiếp cho hành vi vi phạm luật của Liên bang Nga” - ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết.
Đồng thời, ông Peskov cho rằng số người tham gia biểu tình ít hơn số người ủng hộ Tổng thống Putin, nhấn mạnh đến việc người dân Nga vào năm ngoái đã ủng hộ việc sửa Hiến pháp, cho phép ông Putin nắm quyền đến năm 2036.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ cho rằng những cảnh báo như vậy là một "thông lệ phổ biến" của các cơ quan ngoại giao ở nhiều nước.
"Các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên khắp thế giới thường xuyên đưa ra các thông điệp về an toàn và an ninh cho công dân của chúng tôi” - Đại sứ quán này cho biết.
“Tìm tiếng nói thiện chí”
Cảnh sát Nga bắt giữ ông Navalny. Ảnh: Sergei Ilnitsky/EPA
Ông Navalny đã bị cảnh sát bắt giữ hôm 17-1 ngay sau khi ông này cùng vợ là bà Yulia Navalny từ Đức bay về Nga sau quãng thời gian nằm viện điều trị vì trúng chất độc thần kinh.
Vụ bắt giữ nhân vật đối lập này đã dấy lên những tiếng nói phản đối trong và ngoài nước, khiến cho hàng ngàn người đổ xuống đường biểu tình yêu cầu thả ông Navalny.
Washington cùng với Liên minh châu Âu và Anh đã lên án việc lực lượng cảnh sát Nga trấn áp các cuộc biểu tình, trong khi Ý và Pháp bày tỏ ủng hộ đối với các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.
Ngay cả trước vấn đề của ông Navalny, mối quan hệ Nga - Mỹ đã ở mức thấp nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Hai bên đã từng mâu thuẫn với nhau về vấn đề Ukraine, những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, bất đồng về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Mới (New START),...
Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn với hãng tin TASS (Nga), ông Peskov nói rằng Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng thiết lập một cuộc đối thoại với chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Đây sẽ là cuộc đối thoại mà những sự khác biệt sẽ được nêu ra ở mức độ sâu rộng hơn, đồng thời sẽ là một khả năng để tìm ra những vấn đề cốt lõi hợp lý nhằm tăng cường mối quan hệ hai bên” - ông Peskov nói.