Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến những người nghèo nhất thế giới mất hơn một thập kỷ để hồi phục - Ảnh: AFP
Trong báo cáo có tiêu đề "Virus bất bình đẳng", tổ chức Oxfam ngày 25-1 cảnh báo đại dịch cho thấy sự bất bình đẳng đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia gần như cùng lúc, theo Hãng tin AFP.
"1.000 người giàu nhất trên hành tinh này đã bù lại những thiệt hại vì COVID-19 của họ chỉ trong vòng 9 tháng, nhưng những người nghèo nhất có thể phải mất hơn một thập kỷ để hồi phục" - báo cáo của Oxfam nêu rõ.
Oxfam cũng nhấn mạnh thực tế tác động của COVID-19 cũng không đồng đều, với các cộng đồng thiểu số tại một số nước nhất định có tỉ lệ tử vong cao hơn, và phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch.
Báo cáo của Oxfam đưa ra cùng thời điểm bắt đầu hội nghị trực tuyến Davos của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Trong sự kiện này, giới lãnh đạo sẽ có một tuần để thảo luận và chọn ra các giải pháp sáng tạo và táo bạo nhằm ngăn chặn đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm tới.
Oxfam lập luận các nền kinh tế công bằng hơn là chìa khóa quan trọng cho sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế trước các tác động của COVID-19.
"Bất bình đẳng ở mức cực đoan không phải không thể tránh khỏi, mà đó là một lựa chọn chính sách", giám đốc điều hành Oxfam Gabriela Bucher nhìn nhận.
Theo bà Bucher, "cuộc chiến chống bất bình đẳng phải là trọng tâm trong các nỗ lực giải cứu và phục hồi nền kinh tế" với các khoản đầu tư vào các dịch vụ công được tài trợ bằng hệ thống thuế nơi các tập đoàn và cá nhân giàu nhất trả phần thuế công bằng của họ.
TTO - 'Cho đến lúc vắc xin được tìm ra thì lương thực chính là thứ vắc xin hữu hiệu nhất để chống lại sự rối loạn', đây là lý do chính mà các thành viên trong Ủy ban Nobel quyết định trao giải Nobel hòa bình cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP)