Giải quyết tranh chấp trực tuyến vẫn tiềm ẩn rủi ro
Luật sư Nguyễn Trung Nam (*)
(TBKTSG Online) - Xét ở bình diện quốc tế, việc giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution-ODR), ít nhất trong thời gian mà sự đi lại đã bị giới hạn tối đa hoặc thậm chí ngăn cấm hoàn toàn vì dịch Covid-19, đã trở thành lựa chọn duy nhất. Trong bối cảnh như vậy, đâu là những thuận lợi cho việc phát triển giải quyết tranh chấp trực tuyến, và đâu là những giới hạn và hạn chế cần được khắc phục cho hình thức này?
Thực tiễn áp dụng ODR trên thế giới
Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về ODR. Có ý kiến cho rằng, ODR được hiểu là việc áp dụng công nghệ thông tin trọng việc giải quyết tranh chấp thương mại.
Tùy thuộc vào mức độ mà công nghệ thông tin được sử dụng trong phương thức này, việc áp dụng công nghệ thông tin trong ODR được phân thành hai loại: (a) giải quyết tranh chấp được công nghệ hỗ trợ, theo đó công nghệ thông tin chỉ được áp dụng là một phương tiện thông tin truyền thông và trao đổi thông tin; (b) ODR với nền tảng công nghệ, theo đó công nghệ thông tin được áp dụng toàn diện đầy đủ trong quá trình giải quyết tranh chấp. |
Như vậy, giải quyết tranh chấp trực tuyến được công nghệ hỗ trợ chỉ giải quyết một số khâu trong trao đổi thông tin trực tuyến, mà không xử lý tận gốc những vấn đề thiết yếu của ODR là sử dụng nền tảng công nghệ để tạo ra cả một chu trình khép kín giải quyết tranh chấp giảm thiểu chi phí và sự bất tiện của tiêu tốn vật chất và hậu cần như đi lại, ăn ở, in ấn, giao nhận, ký và tra cứu các tài liệu gốc (1). Bên cạnh đó, có ý kiến khác cho rằng ODR chỉ diễn ra hoàn toàn bằng việc sử dụng Internet và công nghệ điện tử (2).
Bài viết này áp dụng cách hiểu ODR là việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc hòa giải với sự hỗ trợ của công nghệ internet, bao gồm một loạt các bước trong quy trình giải quyết tranh chấp thay thế được thực hiện qua cơ chế trực tuyến như internet hoặc một số hình thức công nghệ cho phép thực hiện các kết nối mà không đòi hỏi các bên phải liên hệ trực tiếp trong một không gian vật chất nhất định (3).
Trọng tài hay hòa giải trực tuyến?
Giải quyết tranh chấp trực tuyến xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996 thông qua các đề xuất của các tổ chức và các trung tâm nghiên cứu chuyên về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử ở Hoa Kỳ (4). Cho đến trước đại dịch Covid-19, phần lớn các vụ việc mà được giải quyết thông qua hình thức giải quyết tranh chấp trực tuyến đều được giải quyết bằng phương thức hòa giải.
Điều này có thể được lý giải là do trung bình chi phí trọng tài cao hơn đáng kể so với số tiền trung bình tham gia vào các tranh chấp thương mại điện tử, khiến cho phương án hòa giải trở thành lựa chọn giải quyết tranh chấp ưa thích của các bên. Trong thập kỷ 90s hầu hết các quốc gia phát triển đều lần lượt thành lập các trung tâm hòa giải trực tuyến nhằm giải quyết các tranh chấp giá trị nhỏ (5).
Vào ngày 15-2-2016, Ủy ban Châu Âu đã thành lập cổng thông tin ODR để người tiêu dùng ở Liên minh Châu Âu (EU) sử dụng giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án. Nền tảng này là một công cụ trực tuyến cho phép người tiêu dùng khiếu nại đối với thương nhân nơi hàng hóa hoặc dịch vụ đã được mua trực tuyến.
Khiếu nại do người tiêu dùng gửi sẽ được giải quyết bởi một nhà cung cấp dịch vụ Giải quyết Tranh chấp Thay thế (ADR) đã được EU phê duyệt. Danh sách các nhà cung cấp ADR này phần lớn là các tổ chức hòa giải tại các nước thành viên EU. Điều này phản ánh rõ nét việc ODR phù hợp nhất cho hòa giải với các tranh chấp giá trị nhỏ, các tranh chấp thương mại điện tử, và tranh chấp giữa thương nhân với người tiêu dùng, nếu xét từ góc độ kinh tế.
Tuy nhiên khi mà việc hòa giải không thành công, hoặc trong những trường hợp mà hòa giải không phải là phương thức thích hợp (ví dụ đòi nợ khi con nợ có khả năng bị phá sản) thì trọng tài trực tuyến có thể là lựa chọn khả thi duy nhất trong những trường hợp mà giá trị thấp của giao dịch là rào cản đối với mong muốn nhận được sự bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng, hoặc một hay các bên (bao gồm cả trọng tài viên) gặp khó khăn trong việc di chuyển để tiến hành tham gia giải quyết tranh chấp.
Trên thế giới, giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài trực tuyến đã và đang được xây dựng, áp dụng bởi các tổ chức như Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới (World Intellectual Property Organization - WIPO), Phòng Thương Mại Quốc Tế (International Chamber Of Commerce - ICC) và Ủy ban Trọng tài Quảng Châu (Guangzhou Arbitration Commission - GZAC). |
Trong khoảng thời gian Covid-19 hoành hành, hầu hết các trung tâm trọng tài lớn trên thế giới đã phát triển và tích hợp hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến hoặc xét xử trực tuyến vào quy trình tố tụng trọng tài của mình, và ban hành các hướng dẫn về việc xét xử trực tuyến (6).
Tuy vậy, quá trình này không hòan toàn giống nhau. Một số trung tâm trọng tài như LCIA (7) đã thực hiện toàn bộ quá trình đăng ký và quản trị vụ kiện trên website của mình. Một số khác như SIAC hay HKIAC vẫn tiến hanh nhận đăng ký qua email và bản hardcopy, và chỉ thực hiện hoặc thay thế một số công đoạn có sự hỗ trợ của công nghệ trực tuyến.
Cơ hội và rủi ro khi áp dụng ODR
Thuận lợi lớn nhất của việc phát triển ODR là trong thời gian qua đã có rất nhiều đầu tư được thực hiện vào linh vực công nghệ và trải nghiệm trực tuyến, giúp cải thiện đáng kể trải nghiệm trực tuyến của người dùng và khiến cho việc giải quyến tranh chấp trực tuyến trở nên thuận lợi và chi phí hợp lý hơn bao giờ hết.
eBay và PayPal xử lý hơn 60 triệu vụ tranh chấp mỗi năm trực tuyến bằng cách sử dụng Squaretrade, một hệ thống ODR ngang hàng được xây dựng vào năm 1999 bởi một nhóm mà sau này đã phát triển hệ thống ODR của Modria, một trong những phần mềm phổ biến nhất thế giới về ODR. Hơn 80% các tranh chấp trên eBay và PayPal được giải quyết bằng phần mềm này.
Một sự phát triển đáng lưu ý khác là sự bùng nổ của các phần mềm và hạ tầng video conferencing với chi phí rẻ và trải nghiệm người dùng cải tiến cực kỳ nhanh chóng. Sự ra đời của ứng dụng Zoom và đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp dịch vụ này như Zoom, Skype, Microsoft Teams, Google Hangout ...và các phần mềm chuyên dụng khác như ADRg Express của ADR Group, AAA, CaseXplorer của DecisionQuest, eQuibbly, GoADR của Youlaw. Nhờ sự phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn này, dịch vụ hòa giải, trọng tài trực tuyến trở nên dễ dàng, tiện dụng và rẻ tiền hơn bao giờ hết.
Một thuận lợi khác là chính hạn chế đi lại gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy, buộc mọi người dùng trong các mắt xích của giải quyết tranh chấp (các bên, luật sư và trọng tài/hòa giải viên) phải làm quen và sử dụng thanh thục các công cụ giao tiếp văn phòng trực tuyến. Chính điều này đã giúp việc áp dụng công nghệ số và trực tuyến không còn gặp cản trở về thói quen và văn hóa như trước.
Có thể nói sự phát triển các kỹ thuật công nghệ ODR trong giai đoạn mới đã và đang đem lại những cơ hội to lớn để cải thiện hoạt động giải quyết tranh chấp, đem lại công lý với chi phí hợp lý và tốc độ nhanh gọn. Nó là cơ hội để (i) phân loại, xử lý các tranh chấp có giá trị nhỏ và không phức tạp thông qua quy trình hoàn toàn tự động và giảm thiểu chi phí, thời gian đi lại và chuẩn bị tài liệu của con người; (ii) quản lý vụ kiện (case management) hiệu quả và minh bạch thông qua các công cụ quản lý trực tuyến (trên nền tảng IoT); (iii) sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm thay các công việc lọc tài liệu chứng cứ, soạn thảo văn bản, thậm chí dự đoán kết quả xét xử (8).
Việc xác lập một thỏa thuận trọng tài có yêu cầu, đòi hỏi ngặt nghèo hơn về hình thức và pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký điện tử của Việt Nam còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Trong nhiều trường hợp giao dịch điện tử (ví dụ hình thức browse-wrap hoặc click-wrap), thỏa thuận trọng tài có thể bị tuyên vô hiệu và vì vậy phán quyết trọng tài tạo ra bởi ODR sẽ không thể thi hành. Mặt khác, giá trị của chứng cứ điện tử cũng thường xuyên bị đặt câu hỏi, đặc biệt khi có nghi vấn một bên làm giả chứng cứ.
Ngoài thỏa thuận trọng tài, việc thực thi thỏa thuận hòa giải thành (nếu áp dụng hình
Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đối với toan bộ quá trình này là sự lạc hậu và chậm thay đổi của quy định pháp luật, khiến ODR bị đặt vào hoàn cảnh rủi ro của việc thực thi. Ví dụ rõ nhất của rủi ro này là quy định của pháp luật Việt Nam. Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong khi đó, căn cứ Điều 16.2 Luật Trọng tài thương mại 2010, thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Hay nói cách khác, cách thức xác lập thỏa thuận trọng tài không hoàn toàn tương đồng với cách thức xác lập giao dịch dân sự thông thường. |
thức hòa giải trực tuyến) cũng sẽ vướng phải cản trở tương tự, dẫn đến nguy cơ không thể thi hành trên thực tế.
Ngoài rủi ro về pháp luật, ODR cũng gặp phải một số thách thức về kỹ thuật, một số nền tảng dịch vụ phục vụ ODR (ví dụ như dịch vụ chuyển âm thành chữ trực tuyến, dịch trực tuyến, dịch vụ lưu trữ tài liệu trực tuyến) vẫn còn đắt đỏ và hầu như độc quyền nhóm một vài nhà cung cấp trên thế giới.
Về an ninh, tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng đồng nghĩa với việc mở ra những lỗ hổng lớn về an ninh và có nguy cơ xâm phạm đến quyền riêng tư và bảo mật của các bên có liên quan và cả thông tin mật của chính phủ (xem ví dụ về Panama record - Wikileaks và vụ lộ dữ liệu khách hàng của Facebook). Chi phí để che chắn những lỗ hổng an ninh này là rất lớn.
Cuối cùng, đối với dịch vụ hòa giải trực tuyến, ODR vẫn chưa thể giải quyết được những chỉ trích chủ yếu về việc nó hạn chế khá lớn khả năng lắng nghe, thấu hiểu các bên do thiếu sự tiếp xúc trực tiếp của hòa giải viên với các bên tranh chấp, và giữa các bên tranh chấp với nhau. Vì vậy, với những tranh chấp phức tạp và giá trị lớn, nhiều tầng nội dung và lợi ích, ODR chưa thực sự được coi là phù hợp.
Định hướng cho ODR tại Việt Nam
“Nơi ODR hữu ích nhất là nơi bắt đầu tranh chấp trực tuyến, ví dụ: mua hoặc bán hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến. Điều tự nhiên nhất là giải quyết tranh chấp trực tuyến nếu có một diễn đàn thích hợp để làm điều đó” (9)
Công nghệ 4.0 đã và đang tạo ra gương mặt mới cho toàn bộ nền kinh tế sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ và tài chính toàn cầu cũng như mối quan hệ giữa các chủ thể của nó. Đây là xu hướng không thể đảo ngược và qua khủng hoảng đại dịch Covid-19, nó càng được chứng minh là lựa chọn duy nhất của các thành phần tham gia trong chuỗi vận động này.
Với ODR, dù bất kể ở vị trí nào, các tổ chức tham gia vào giải quyết tranh chấp thương mại cũng không thể quay lưng, mà phải tìm hiểu, nghiên cứu và sử dụng các nguồn lực mà mình có để tận dụng tối đa những lợi thế, cơ hội mà ODR mang lại, cũng như hạn chế những rủi ro và thách thức mà nó có thể đem đến.
Tại Việt Nam, hiện đã có ít nhất hai tổ chức giới thiệu về hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến, đó là Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC, và trung tâm trọng tài quốc tế Hà Nội (HIAC).
Từ kinh nghiệm quốc tế như trên đã phân tích, các hệ thống giải quyết tranh chấp nói trên muốn thành công cần được thiết kế nhằm đáp ứng và thúc đẩy trước hết là nhu cầu giải quyết các tranh chấp giữa thương nhân với người tiêu dùng (B2C, bao gồm các tranh chấp tín dụng, bảo hiểm, các tranh chấp thông qua sàn thương mại điện tử) thông qua hình thức hòa giải trực tuyến.
Đối với hình thức trọng tài, trọng tâm nên tập trung vào việc số hóa quản trị vụ kiện, số hóa từng phần các công đoạn tố tụng, và triển khai xét xử trực tuyến. Ngoài ra, việc phát triển ODR cần được tiến hành song song với việc phát triển, cập nhật hành lang pháp lý để thừa nhận kết quả giải quyết tranh chấp bằng ODR và giảm thiểu rủi ro thi hành các kết quả giải quyết tranh chấp này.
(*) Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), Luật sư sáng lập EP Legal
(1) Xem ví dụ Jie Zheng, ‘The recent development of online arbitration rules in China’ (2017) Information & Communications Technology Law, Vol.26, No.2, 135-145.
(2) Amy J. Schmitz, ‘Drive-Thru’ Arbitration in the Digital Age: Empowering Consumers through Binding’ (2010) ODR, 62 BAYLOR L. REv. 178, 182.
(3) Ethan M. Katsh and Janet Rifldn, ‘Online Dispute Resolution: Resolving Conflicts in Cyberspace’ (2001): Jossey-Bass., p.2-3
(4) Ethan Katsh & Leah Wing, Ten Years of Online Dispute Resolution (ODR): Looking at the Pastand Constructingthe Future, (2006) 38 U. TOL. L. REv. 19, 20
(5) Ví dụ tại Anh có các trung tâm hòa giải trực tuyến như ADRg
(6) Xem ví dụ Hướng dẫn của SIAC tại
(7) Xem tại https://onlinefiling.lcia.org/ truy cập ngày 29/12/2020.
(8) Xem Báo cáo “Artificial Intelligence: From HAL, to Watson, and Beyond - What Every Lawyer Should Know” tại hội thảo Nextlaw Referral Network 2019.
(9) Xem trang 10 báo cáo ‘Tác động của công nghệ ODR về Giải quyết Tranh chấp ở Vương quốc Anh’ (Thomson Reuters, 2016) truy cập tại
Xem thêm: lmth.or-iur-na-meit-nav-neyut-curt-pahc-hnart-teyuq-iaig/150313/nv.semitnogiaseht.www