Các doanh nghiệp, nhà vườn kỳ vọng thời điểm cuối năm sẽ bán được nhiều hàng, đạt doanh thu cao nhờ tiêu dùng bùng nổ trong dịp tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến thời điểm hiện tại, đơn hàng đặt cho mùa tết chưa sôi động như mọi năm.
Đặc sản xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) rục rịch ra chợ tết. Ảnh: TÚ UYÊN
Tung mứt mới ra thị trường
Ông Nguyễn Quang Huy, chủ cơ sở bánh chưng Quang Huy, chuyên cung cấp cho các siêu thị, cho biết nhiều loại nguyên liệu làm bánh chưng tăng giá khá mạnh. Ví dụ, gạo nếp 28.000 đồng/kg, tăng hơn năm ngoái 1.500 đồng/kg; thịt heo 140.000 đồng/kg, tăng khoảng 60.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nhiều chi phí tăng nhưng giá bán lẻ chỉ tăng nhẹ 2.000 đồng/bánh chưng loại 1 kg.
Đáng lo nhất là cận tết nhưng các đơn hàng từ siêu thị còn ít. Thậm chí có siêu thị chỉ đặt năm cái bánh chưng loại 1 kg. “Tết năm ngoái cơ sở của tôi bán được khoảng 10.000 cái bánh chưng các loại, vậy mà thời điểm này đơn hàng chưa đến 1.300 cái. Dự kiến mùa tết này cơ sở chỉ bán được khoảng 3.000-4.000 cái, tức chỉ bằng khoảng 1/3 so với mùa tết năm trước” - ông Huy cho hay.
Không chỉ bánh chưng, bánh tét mà tình hình tiêu thụ một số sản phẩm chế biến cũng chưa khả quan. Bà Nguyễn Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Sản xuất mứt Trí Đức, đánh giá người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe và mặt hàng mới nên công ty tập trung sản xuất mứt trái cây sấy dẻo các loại phục vụ cho mùa tết. Những sản phẩm này chủ yếu sử dụng nguyên liệu truyền thống của Việt Nam như cóc, ổi, thanh long, gừng, bưởi, tắc... Đặc biệt, tết năm nay công ty tung ra thị trường hai sản phẩm mới là mứt trái cóc sấy dẻo và mứt cóc chua cay.
Từ tháng 11-2020, công ty bắt đầu nhận được đơn hàng và tháng 12 bắt đầu cung ứng cho các đơn vị bán ra thị trường. Lượng mứt phục vụ thị trường tết năm nay của công ty khoảng 20 tấn. Tuy vậy, sức mua thị trường giảm khoảng 20% so với năm ngoái. “Giá nguyên liệu làm mứt trái cây nhìn chung không tăng nên chúng tôi cũng không tăng giá sản phẩm này” - bà Ái thông tin thêm.
Đặc sản trái cây tết dồi dào
Ông Huỳnh Văn Sang, Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), cho hay mùa tết năm nay sản lượng xoài ít hơn năm trước 30%-40%. Nguyên nhân, do thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng xoài sụt giảm. Các xã viên của hợp tác xã dự kiến sẽ cung ứng khoảng 100 tấn xoài phục vụ tết. Hiện giá xoài tại vườn là 120.000-150.000 đồng/kg, cao hơn so với năm trước.
“Dù sản lượng giảm nhưng dự báo đặc sản xoài cát Hòa Lộc không khan hiếm trong dịp tết. Nguyên nhân, do khách đặt mua phục vụ thị trường tết còn trầm lắng chứ chưa sôi động” - ông Sang phân tích.
Đại diện Công ty TNHH Green Powers chuyên cung cấp nông sản tỉnh Bến Tre dự báo từ ngày 25 âm lịch, thị trường trái cây mùa tết sẽ sôi động hơn khi phong tục mỗi nhà đều trưng cúng trái cây. Ở thời điểm này, giá bưởi da xanh tại vườn khá thấp, khoảng 20.000 đồng/kg.
“Dự báo giá bưởi da xanh tết năm nay sẽ không cao, khoảng 40.000 đồng/kg. Thời điểm này, nhiều nhà vườn đang neo lại để bán vào những ngày cuối năm với hy vọng bán được giá” - đại diện Công ty Green Powers cho hay.
Hỗ trợ tiêu thụ hàng tết
Hiện nay, nhiều cơ quan chức năng đang nỗ lực hỗ trợ nhà vườn và doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản trong dịp tết.
Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho hay sản lượng đặc sản quýt hồng Lai Vung cung ứng cho thị trường tết đạt khoảng 3.000-4.000 tấn. Hiện một số bà con chốt giá bán cho thương lái vào dịp tết 70.000-80.000 đồng/kg. Đặc sản trái quýt hồng Lai Vung được ưa chuộng trong ngày tết, vì vậy chỉ lo thiếu hàng để cung ứng chứ không lo không có đầu ra hay rớt giá.
Đối với mặt hàng hoa, mùa tết này tỉnh Đồng Tháp phục vụ 400.000 giỏ hoa các loại. Hiện một số loại hoa đang gặp khó khăn về đầu ra, nhất là cúc mâm xôi. Trước tình hình này, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đang kết nối với Sở Công Thương các tỉnh, thành cũng như với doanh nghiệp lớn để đẩy mạnh tiêu dùng hoa vào trang trí đường hoa tết. Qua đó hỗ trợ đầu ra cho bà con. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng vừa thành lập Trung tâm thương mại hoa kiểng Đồng Tháp để giúp bà con kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Để kích cầu và hỗ trợ nhà kinh doanh, từ nay đến tết Nguyên đán, Sở Công Thương TP.HCM cũng tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động trên toàn địa bàn, khu vực vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp... Qua đó tạo điều kiện cho khách hàng mua được các mặt hàng chất lượng với giá cả hợp lý và đa dạng kênh phân phối nhằm mở rộng đầu ra cho hàng Việt.
Người tiêu dùng sẽ ăn tết đơn giản hơn Bà Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc marketing Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, nhận định: Dù Việt Nam khống chế dịch COVID-19 tốt nhưng nhìn chung tình hình dịch bệnh phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý chi tiêu của người Việt. Do đó, năm nay người Việt sẽ ăn một cái tết đơn giản hơn, tiết kiệm hơn những năm trước. Tuy nhiên, những mặt hàng như bánh, mứt, bia, nước ngọt… dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực mùa tết. Những ngành hàng liên quan đến sức khỏe, tốt cho sức khỏe như sữa, sữa chua, trái cây sấy khô, bánh, mứt… có nguồn gốc tự nhiên hoặc thành phần tốt cho sức khỏe cũng có thể tăng trưởng tốt. “Những mặt hàng mang tính tiện lợi khi sử dụng và lưu trữ cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng trong mùa tết này. Đơn cử như các loại sốt ăn liền, xúc xích, đồ hộp, các loại bánh mì tiện lợi. Tương tự, các sản phẩm tẩy rửa nhà cửa và chăm sóc, làm đẹp cá nhân cũng được tiêu thụ mạnh trong dịp tết” - bà Ngọc nhận định. Trung Quốc tiếp tục siết hàng nhập khẩu Hiện nay Trung Quốc (TQ) đang áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 lây lan qua hàng hóa nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến xuất khẩu hàng Việt sang nước này trong dịp tết. Đại diện Công ty TNHH Green Powers thông tin: Mặt hàng bưởi da xanh Bến Tre lâu nay được thị trường TQ ưa chuộng. Có điều, do ảnh hưởng dịch COVID-19 cộng với thời điểm này TQ đang có tuyết rơi nên tiêu thụ tại thị trường này giảm. Cùng thời gian này năm trước, trung bình cứ hai ngày công ty đóng hơn 24 tấn bưởi da xanh đi TQ, năm nay giảm đến 80%. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường TQ tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa. Từ đó tránh vi phạm các quy định của TQ về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn. |