Trái cây nhập khẩu giảm, hàng nội địa chiếm lĩnh thị trường Tết
Nam Bình
(TBKTSG Online) - Nguồn cung trái cây nhập khẩu bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lượng hàng trên thị trường hiện đang giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng đang đẩy mạnh đưa hàng ra chợ đón mùa kinh doanh Tết Nguyên đán vì gặp khó ở thị trường nước ngoài.
Dù chưa có số liệu chính thức nhưng theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lượng trái cây nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2020 đã giảm mạnh. Nguồn trái cây từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Úc, New Zealand, Nam Phi… đều giảm.
Trước đó, trong 10 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt giá trị gần 241 triệu đô la Mỹ, giảm gần 31,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan cũng giảm đến 87%, chỉ đạt 55,9 triệu đô la.
Trong khi đó, những năm trước đây, thời điểm này, nhiều tiểu thương tại các chợ cũng như các kênh bán lẻ hiện đại đều tăng lượng nhập hàng trái cây ngoại để cung cấp ra thị trường mùa Tết, trong đó, các sản phẩm như nho Mỹ, nho Úc, cherry Úc… được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Thế nhưng năm nay, tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhiều loại trái cây nhập khẩu hiện đang không có hàng như cam Úc, nho Mỹ. Các loại táo của Mỹ và New Zealand... cũng được nhập về với số lượng khiêm tốn.
Mùa Tết Nguyên đán sắp tới, các mặt hàng trái cây nhập khẩu đang bị hụt nguồn cung, tạo cơ hội cho trái cây nội địa chiếm lĩnh thị trường. Ảnh: Nam Bình |
Một số tiểu thương tại chợ đầu mối cho biết, trong khi các loại trái cây trong nước đang có nguồn hàng dồi dào, giá cả cạnh tranh dù đã bước sang giữa tháng Chạp thì ngược lại, nguồn cung trái cây nhập khẩu lại hạn chế.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, cũng cho hay, tới thời điểm hiện tại, thị trường đang thiếu hụt sản phẩm trái cây nhập khẩu cho mùa Tết.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp khẩu trái cây bị hụt nguồn cung từ các nước, việc nhập hàng bị đình trệ do ảnh hưởng Covid-19 cũng như khủng hoảng cước phí tàu biển toàn cầu. Do đó, Tết Nguyên đán 2021, thay vì tập trung xuất khẩu ra nước ngoài, Vina T&T Group sẽ tham gia một số hội chợ Tết để quảng bá sản phẩm và cung cấp trái cây nội địa tới người tiêu dùng trong nước. Doanh nghiệp này kỳ vọng, trái cây nội địa cao cấp sẽ thay thế thị phần trái cây nhập khẩu vốn đang đứt hàng hiện nay.
Vì là hàng cao cấp nên giá các sản phẩm này sẽ cao hơn giá trái cây hạng phổ thông từ 20%. Thay vào đó, sản phẩm được bao gói, đóng hộp đẹp, sang trọng, phục vụ nhu cầu biếu tăng của người tiêu dùng.
“Người Việt có thói quen chuộng hàng ngoại nhưng ngược lại, trái cây Việt Nam rất được ưa chuộng ở nước ngoài. Nếu làm đúng cách, sức mua các loại trái cây nội phân khúc hàng cao cấp vẫn có thể ở mức cao”, ông Tùng nhận định.
Kho hàng tập kết mặt hàng xoài bán Tết tại An Giang. Ảnh: Nam Bình. |
Đại diện Công ty cổ phần Lavifood, một doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ trái cây, cũng thông tin, xuất khẩu đình trệ khiến việc tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ trái cây bị ảnh hưởng nhiều. Doanh nghiệp này do đó tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để thay thế cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo vị này, lượng tiêu thụ sản phẩm trái cây chế biến như nước ép trái cây đóng lon, trái cây đông lạnh, trái cây sấy khô… còn hạn chế do người tiêu dùng chủ yếu có thói quen sử dụng trái cây tươi.
Do đó, để tăng thị phần tại thị trường trong nước, cần phải có thêm thời gian. Và tết là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, tăng doanh số… Ngoài Lavifood, hiện cũng có một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây chế biến quay về phục vụ thị trường nội địa như Nafoods…
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thông tin, trong năm 2020, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa cho trái cây xuất khẩu, ngành nông nghiệp trong nước đã “nhanh chân” kết nối với các đơn vị phân phối, bán lẻ trong nước, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu quay về thị trường nội địa thuận lợi hơn.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ chuyên sản xuất hàng cho xuất khẩu nay đã quay về phục vụ thị trường trong nước. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đã tổ chức 3 hội nghị kết nối các địa phương với gần 60 đơn vị đầu mối trên cả nước tham gia.
Ngoài ra, nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu nông sản đến tay người tiêu dùng, kết nối đưa hàng vào các chuỗi phân phối trên địa bàn các thành phố lớn. Qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản nội địa vốn đang khó khăn trong việc xuất khẩu cũng như tạo thêm lựa chọn cho người tiêu dùng thay thế các mặt hàng nhập khẩu.
Xem thêm: lmth.tet-gnourt-iht-hnil-meihc-aid-ion-gnah-maig-uahk-pahn-yac-iart/541313/nv.semitnogiaseht.www