Khi đó, tạp chí đang mở cuộc thi Thơ và Truyện ngắn 1983-1984. Truyện ngắn đã giới thiệu nhiều nhưng chưa tìm được tác phẩm xuất sắc. May sao, lúc cuộc thi gần kết thúc, bỗng “Thời gian” của Cao Duy Thảo xuất hiện. Đã có “đỉnh” để trao. Nhưng khi bỏ phiếu, tác phẩm này chỉ về nhì. Nhiều người lý giải, nếu truyện ngắn đó có nhân vật chính là anh bộ đội sẽ được Giải Nhất.
Nhưng trong Thời gian, nhân vật chính là người mẹ - một người mẹ trên hành trình tìm kiếm sự thật về người con trai duy nhất của mình - song mới chỉ nhận được nửa đáp số thì qua đời. Cũng dễ thông cảm cho cách giải thích đó. Vì tiêu chí của cuộc thi là phát hiện vẻ đẹp của Anh Bộ đội Cụ Hồ.
Nhà văn Cao Duy Thảo. |
Nhưng, từ xưa đến nay, không phải kết quả cuộc thi nào cũng chính xác, nhất là những cuộc thi văn chương, nghệ thuật. Chỉ biết rằng, truyện ngắn “Thời gian” của Cao Duy Thảo luôn xác định chỗ đứng vững vàng trong trái tim bạn đọc.
Câu chuyện kể về một bà mẹ, sau giải phóng, bị ám ảnh về tin đồn, đứa con trai độc nhất của mình, đã chiêu hồi. Bà đau ốm triền miên. Bỗng một hôm, bà nhận được tin, người ta tìm thấy hài cốt một người lính. Trong số những di vật, có chiếc đồng hồ Seiko. Bà nhận ra, đó là chiếc đồng hồ mà bà mua tặng con trai. Và khi bà cầm chiếc đồng hồ lên, kỳ lạ thay, chiếc đồng hồ vẫn chạy. Chỉ riêng chi tiết này, chứng tỏ nhà văn Cao Duy Thảo là người rất giỏi sử dụng chi tiết. Khi xem phim “Đàn sếu bay”, có cảnh, bom Đức ném xuống những ngôi nhà Moskva. Trong đống đổ nát, chiếc đồng hồ treo tường vẫn chạy. Thầy giáo Nga của tôi dạy môn phân tích phim, bình một câu đích đáng: “Chiến tranh có thể phá hủy mọi thứ, nhưng không bao giờ tàn phá được thời gian”.
Trở lại chuyện bà mẹ, nghĩa là con bà hy sinh chứ không chiêu hồi, không phản bội. Bà lặng lẽ qua đời với niềm tin như thế.
Đó là một cách để phản ánh “chủ nghĩa nhân đạo” trong chiến tranh. Nếu một bà mẹ đang ốm, đồng đội về báo tin, con trai bà hy sinh anh dũng, có thể làm bà mẹ đau lòng. Nhưng bà tự hào con mình làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc. Nhưng nếu nói sự thật, con trai bà hy sinh vì một lý do nào đó, như sốt rét, hoặc chết đuối… thì bà mẹ lòng đau như cắt.
Nhưng nhà văn Cao Duy Thảo không dễ dãi kết thúc tác phẩm của mình như vậy. Ông đẩy câu chuyện đi xa hơn. Còn một bước ngoặt mới. Trong cái đêm hành quân đó, đứa con trai của bà, đã đưa chiếc đồng hồ đó cho người chỉ huy. Và anh này đi đầu. Đoàn quân lọt vào ổ phục kích của địch. Cả đoàn hy sinh. Nhưng có hai người mất tích. Đó là con trai bà và một người khác. Không ai biết họ đi đâu.
Nhà văn Cao Duy Thảo (thứ 4 từ trái sang) cùng các bạn viết tại chiến trường Khu V. |
Cái tầng sâu của câu chuyện nằm ở đây. Đi tìm sự thật chiến tranh hay sự thật về con người là cuộc hành trình không bao giờ kết thúc. Các nhà văn, dù trong hay sau cuộc chiến, không bao giờ có thể đi đến tận cùng của vẻ đẹp này. Đó là cuộc tìm kiếm vô tận. Kể câu chuyện này chỉ để nhấn một điều: nhà văn Cao Duy Thảo là người lao động nghệ thuật nghiêm túc. Ông yêu câu chuyện, yêu nhân vật, xây dựng cấu trúc truyện có chiều sâu. Ông khác nhiều người viết cùng thế hệ. Họ viết nhanh, viết nhiều nhưng ít để lại ấn tượng như mong muốn.
Nhà văn Cao Duy Thảo đúng là người “một chốn bốn quê”. Tuổi thơ ở Phù Cát, Bình Định. Năm 12 tuổi, xuống tàu, tập kết ra Bắc như ai. Dù xuống tàu chỉ có một thân một mình. Ra Bắc, học trường nội trú học sinh miền Nam. Hơn mười năm lớn lên trên đất Bắc, mơ ước thành nhà văn. Năm 1966, ngoài 20 tuổi, chàng trai Cao Duy Thảo vừa tốt nghiệp Trường Điện ảnh Việt Nam, ngành Biên kịch, xin về Nam. Ông trưởng thành ở chiến trường khu V, hoạt động chủ yếu ở Quảng Nam. Rồi mười năm ở chiến trường cũng trôi qua. Khi miền Nam giải phóng, ông định cư tại Nha Trang.
Nhìn vào tiểu sử không gian của nhà văn, có thể nhận thấy, quê hương sáng tác của ông chính là những năm tháng ở chiến trường miền Trung. Nhưng con người, những bối cảnh ở miền núi, đồng bằng, vùng biển hay cao nguyên miền Trung, liên tục trở đi trở lại trên những trang viết của ông. Ông như cái cây, bén rễ sâu nơi này. Hương vị của đất đai miền Trung Trung bộ, vẻ đẹp chất phác của con người “Nam-Ngãi -Bình - Phú - Khánh Hòa” luôn mặn mòi trong các truyện và ký của ông.
Có một chuyện nhỏ. Hồi chuẩn bị đi Nam, Cao Duy Thảo cùng nhiều người được lệnh tập trung tại một đơn vị. Ngày thì đeo ba lô đầy gạch, đi bộ qua các phố, luyện vượt Trường Sơn. Đêm thì xem toàn phim Trung Quốc. Chàng trai Cao Duy Thảo học điện ảnh nên sớm nhận ra những sự tuyên truyền quá mức trong phim, nên cùng vài người nữa “hưởng ứng” bằng tràng vỗ tay trêu chọc. Kết thúc đợt tập trung, trong danh sách đi chiến trường, không có tên anh. Người Cao Duy Thảo bừng bừng như lửa. Vừa tức vừa xấu hổ. Khi đó, không được đi chiến trường, khác nào kẻ đào ngũ. Về đơn vị cũ, không dám. Ai cũng nghi ngờ, cho mình yếu tinh thần hoặc hèn nhát.
Không chịu chấp nhận số phận, chàng thanh niên quyết định đi bộ, xông thẳng đến nhà vị cán bộ phụ trách việc đưa cán bộ đi Nam. Anh phân tích cho vị cán bộ kỳ cựu: đi chiến trường, đánh nhau, địch chết nhiều, dễ như trong phim, thì cả nước kéo nhau đi hết từ lâu rồi! Vị cán bộ nhận ra, đây là một con người, ngoài trái tim đầy nhiệt tình cách mạng, còn có một cái đầu trĩu nặng suy tư. Có lẽ, cái tên Duy Thảo cũng trùng hợp với câu nói của Pascan: “Tôi là một cây sậy, nhưng cây sậy biết suy nghĩ”. “Duy” có nghĩa “suy nghĩ”; “Thảo” có nghĩa cây cỏ. Vị cán bộ tìm cách làm dịu nhiệt huyết của chàng trai bằng cách, sắp xếp để anh đi đợt sau. Và trong đợt này có bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người anh hùng sau này.
Thực tế hơn chục năm ở chiến trường của Cao Duy Thảo là một khối vàng nguyên chất. Khối vàng này lại đặt trong mỏ vàng lớn là miền Trung với bao địa danh nổi tiếng, bao con người với tính cách sắc nét như khảm vào đá. Có một quê hương sáng tác như vậy là một hạnh phúc không dễ ai có, không gì sánh nổi đối với ông. Nhìn vào đâu hay đi đâu, quanh nhà văn đều có những câu chuyện, những con người đáng viết. Nhiều người nói, thực tế như vậy, nhà văn đâu cần tưởng tượng, cứ thế viết. Nhưng đối với Cao Duy Thảo, sự việc chỉ mang tính truyền thông. Để câu chuyện có chiều sâu, ông khai thác bối cảnh câu chuyện, tình huống diễn ra và đặc biệt, đào sâu những ý nghĩ, tâm tư của nhân vật. Vì vậy, khi đọc truyện hay ký của ông, người đọc vẫn được thưởng thức những vẻ đẹp nhân văn của câu chuyện, của nhân vật.
Cao Duy Thảo là người nói không nhiều, nhưng khi nói, ông luôn đưa ra những lời chắc chắn. Gốc Bình Định, ông không nói nhanh và nghĩ nhanh như nhiều người xứ Quảng. Nhưng bù lại, ông luôn có sự suy nghĩ sâu sắc. Gương mặt ông luôn hồn hậu. Từ đó tỏa ra ánh sáng của lòng tin. Gương mặt đó luôn tươi sáng, tỏa vẻ đẹp của sự suy tư, chiêm nghiệm. Giọng nói ông chậm nhưng rõ ràng, khúc chiết. Con người ấy sống tự lập từ nhỏ nên luôn nuôi dưỡng trong lòng nghị lực tự vươn lên. Như cái cây luôn đứng thẳng, đón lấy những gì đẹp nhất của cuộc sống.
Là người sống kỹ và sống chậm, Cao Duy Thảo luôn nặng lòng với ơn nghĩa cuộc đời. Ông biết ơn Trần Tiến (Chu Cẩm Phong) dạy ông làm nương trong những năm gian khổ; ông cảm phục, thương tiếc nữ diễn viên múa Thảo Phương ngã xuống chiến trường; ông đau xót khi Dương Thị Xuân Quý hy sinh, để lại đứa con còn nhỏ đã mất mẹ… Tôi rất thích câu chuyện ông kể về cái Tết ở quê Bình Định. Dẫu xót xa, đắng đót, nhưng bao trùm lên vẫn là tình cảm. Và trái tim ông cảm nhận sức bền của quê hương, sức bền của thời gian, mãi mãi, vẫn là sự chịu thương chịu khó của đất đai và cây cỏ - những người phụ nữ thương yêu. Mời các bạn thưởng thức đoạn văn rất đẹp của nhà văn Cao Duy Thảo trong bút ký “Chuyện quê”:
“… Đã tới giờ đứa cháu gái đứng lên mang con trao cho bà ngoại rồi lặng lẽ quay ra hãm lửa chuẩn bị vớt bánh. Âm thầm như chiếc bóng, cháu gái tôi suốt ngày luôn tay luôn chân với công việc, chẳng mấy khi chịu mở miệng với ai. Ai cũng bảo số phận cháu tôi kém may mắn: Lớn lên trong cảnh không cha lại ít học, ngay từ nhỏ đã quen gánh vác việc nhà. Có dạo cháu được xã cho lên huyện học lớp bổ túc văn hóa tập trung theo tiêu chuẩn con liệt sĩ, tưởng đâu lần ấy sẽ được đổi đời, học xong có thể học thêm lên nữa hoặc tìm được việc làm giữa nơi thị thành. Nhưng có trời biết chuyện gì xảy ra: Mãn khóa, người ta thấy cháu lù lù quay về làng rồi vướng vào chuyện tình với một anh chàng mỏng mép góa vợ có con riêng. Phải lấy nhau khi sự việc đã tới hồi không thể dừng lại. Ít lâu sau cháu gái tôi sinh con đầu lòng, lúc vượt cạn chỉ có mẹ đẻ ở bên cạnh. Từ khi có người lo toan việc nhà, thằng con rể của chị Hai đi biền biệt, nghe nói hắn bị ma dẫn lối sa vào các chiếu bạc, thỉnh thoảng có đảo về cũng chỉ để vòi tiền hoặc đã say mèm. Thế là tất cả gánh nặng của nhà chồng cứ nhè đôi vai người mẹ trẻ trút xuống. Không thở than, không giận hờn, cháu tôi lúc cực quá chỉ còn biết chạy về nhà mẹ đẻ ngồi một đỗi lấy hơi, ráo mồ hôi lại đứng lên làm tiếp những việc bỏ dở...
Bánh đã vớt ra nia, bốc hơi nghi ngút. Mùi bánh chưng, bánh tét lan tỏa khắp mảnh vườn. Tôi xuống võng, bước lại chỗ đứa cháu gái, nói nhỏ:
- Giờ này cháu nên về qua nhà một chút. Bánh trái để lại đó cho chú!
Một tiếng “dạ” như gió thoảng. Trước ông chú nghiêm trang, tôi thấy cháu tôi hơi cúi mặt xuống giấu một nét cười. Hẳn cháu chưa bao giờ nghe ai nói với mình một câu như vậy? Qua đứa cháu trong dòng họ, tôi chừng như nhận ra cái phần chung nhất của những phụ nữ quê tôi. Họ chính là những gì khiến ta thương cảm và khâm phục, phẩm hạnh của họ thể hiện ở sự chịu đựng, tận tâm cứu vãn và hy sinh...
Theo tục xưa tôi cẩn thận ngồi xuống cời những hòn than đỏ vùi lại trong tro để giữ lửa.
Mà giao thừa cũng đã đến rồi!...”.
Đoàn TuấnXem thêm: /161726-naig-ioht-gneit-gnaL-oahT-yuD-oaC-nav-ahN/tav-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna