Xe điện đang trở thành một xu thế tất yếu và cũng đang tạo nên một cuộc chạy đua khốc liệt giữa các nhà sản xuất ô tô và các hãng công nghệ. Thế nhưng, thực tế thì xe điện không phải một loại hình phương tiện mới, nó đã hình thành từ thế kỷ thứ 19 và đã có hơn 100 năm lịch sử.
CHIẾC XE Ô TÔ ĐIỆN ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI
Năm 1859, Gaston Planté, nhà vật lý người Pháp bắt đầu phát minh ra pin sạc và các vật dụng dùng để lưu trữ điện trên xe. Đến năm 1880, nhà phát minh Gustave Trouvé đã tiến hành cải tiến một động cơ điện nhỏ và được hãng công nghệ Siemens phát triển cùng với pin sạc để gắn vào chiếc xe 3 bánh của James Starley, một nhà sáng chế người Anh. Chiếc xe 3 bành này là phương tiện giao thông chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, nếu xác định khái niệm ô tô điện phải đến năm 1884, chiếc ô tô điện đầu tiên mới chính thức ra đời do nhà phát minh Thomas Parker chế tạo tại Wolverhampton, Anh. Ở châu Âu, Pháp và Anh là hai quốc gia đầu tiên ủng hộ loại hình xe điện cho giao thông.
Tại Mỹ, khoảng năm 1890 – 1891, nhà phát minh William Morrison đã chế tạo một mẫu ô tô điện 6 chỗ ngồi. Chiếc xe này có thể đạt tốc độ 23 km/h.
Nhưng phải chừng 5 năm sau đó, người Mỹ mới bắt đầu quan tâm đến xe điện khi nhà thiết kế A.L. Ryker giới thiệu chiếc xe điện 3 bánh của mình. Trong khi đó, từ 15 năm trước, người châu Âu đã thường xuyên sử dụng xe điện trong cuộc sống thường ngày.
Giai đoạn này, ô tô điện đã liên tiếp lập nên những kỷ lục về tốc độ và khoảng cách di chuyển. Đáng chú ý nhất là chiếc xe điện có thiết kế hình tên lửa Jamais Contente đã đạt tốc độ đến 105,88 kmh. Kỷ lục tốc độ này được thực hiện bởi tay đua Camille Jenatzy vào ngày 29/4/1899.
BÙNG NỔ VÀ THOÁI TRÀO
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xe điện đã tạo nên một trào lưu mới trong giao thông bởi những lợi thế của mình. Khi ấy, các loại phương tiện chạy bằng hơi nước và xăng thường ồn ào và tốc độ cũng chưa cao. Trong khi đó, xe điện lại êm ái hơn, không rung lắc, không thải khói và mùi xăng. Chưa kể, người dùng xe điện cũng không phải mất công "quay tay" để khởi động động cơ.
Chính vì vậy, vào thập niên 1900, xe điện đã trở thành một trào lưu tại Mỹ. Theo thống kê thì giai đoạn này, tính riêng tại Mỹ có khoảng 40% ô tô chạy bằng hơi nước, 22% xe chạy xăng và có đến 38% là xe chạy điện. Dù đi sau châu Âu nhưng Mỹ đã trở thành quốc gia phổ biến nhiều xe điện nhất thế giới khi có đến gần 34.000 chiếc xe điện được đăng ký lưu hành.
Tuy nhiên, xe điện cũng đã sớm đi vào thoái trào bởi sức ép từ các loại xe chạy xăng và dầu (diesel).
Bước ngoặt diễn ra vào năm 1908 khi tập đoàn ô tô Ford tiến hành sản xuất hàng loạt mẫu xe Model T và đồng thời, nhà phát minh Charles Kettering giới thiệu bộ khởi động mới trên xe ô tô giúp loại bỏ động tác "quay tay" cho việc khởi động máy.
Giá thành là một điểm yếu của xe điện. Theo tính toán thì vào khoảng năm 1910, giá bình quân của một chiếc xe điện rơi vào khoảng 1.750 USD trong khi xe chạy xăng chỉ có giá bình quân 650 USD.
Trên thực tế, ở giai đoạn bùng nổ đầu tiên của xe điện, loại phương tiện này cũng chỉ được tiêu thụ và sử dụng bởi giới quý tốc và nhà giàu.
Từ năm 1920, khi hạ tầng giao thông được cải thiện, ngành công nghiệp khai thác dầu phát triển đã giúp cho giá nhiên liệu rẻ hơn rất nhiều. Chính vì vậy, xe chạy xăng và dầu ngày càng được ưa chuộng bởi nó phù hợp với đa số dân chúng, kể cả ở các vùng nông thông, các trang trại.
Đến năm 1930, xe điện đã gần như hoàn toàn biến mất. Trong khi đó, xe sử dụng động cơ đốt trong lại bắt đầu bùng nổ.
XE ĐIỆN HỒI SINH
Giữa thế kỷ thứ 19, sau khi thế chiến 2 kết thúc, sự tàn phá của chiến tranh đã khiến cho đa số nhiều quốc gia bị cạn kiệt và gặp khó khăn về nhiên liệu.
Năm 1970, giá xăng tăng cao kỷ lục đã khiến Mỹ phải quay trở lại với nhu cầu phát triển xe điện. Các tập đoàn ô tô được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển để đưa xe điện trở lại với giá thành thấp hơn, góp phần giải quyết bài toán năng lượng.
Đến năm 1982, tập đoàn General Motors (GM) chiếc tạo chiếc xe hybrid đầu tiên sử dụng cùng lúc cả xăng và điện.
Năm 1996, GM chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt mẫu xe điện EV1. Mẫu xe này có thể di chuyển quãng đường lên đến 129 km cho một lần sạc pin.
Một năm sau đó, Toyota đã tạo nên một bước ngoặt khi lần đầu tiên giới thiệu mẫu xe hybrid Prius. Cho đến nay, Toyota Prius vẫn là một cái tên đình đám của ngành công nghiệp ô tô thế giới trong loại hình xe lai này. Theo thống kê, đến nay đã có trên 37 triệu chiếc Toyota Prius được bán ra thị trường kể từ lần đầu tiên ra mắt vào năm 1997.
Cùng thời gian Toyota Prius ra mắt, nhiều hãng xe khác cũng bắt đầu sản xuất những mẫu xe điện đầu tiên của mình. Có thể kể đến như Honda với mẫu xe EV Plus, Nissan với Altra EV hay Chevrolet (GM) với S-10 EV…
TELSA ROADSTER VÀ NISSAN LEAF
Dù xe điện và hybrid đã được quan tâm trở lại từ định hướng của chính phủ nhiều nước cho đến bản thân các tập đoàn ô tô lớn song nó vẫn bị gian đoạn vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000.
Năm 2003, Tesla Motors chính thức được thành lập tại bang California (Mỹ) với chiến lược nghiên cứu và phát triển xe điện. Sự ra đời của Tesla khiến nhiều người nghi ngờ bởi khi ấy, xe điện vẫn đang gặp vô vàn trở ngại, trong đó đáng kể nhất vẫn là giá thành.
Bên cạnh đó, một vấn đề gây tranh cãi toàn cầu là xe điện có thực sự bảo vệ môi trường hay không khi mà các giải pháp xử lý pin thải của xe điện chưa hoàn toàn thuyết phục.
Trên thực tế là ngay cùng thời điểm Tesla Motors ra đời, tập đoàn GM (Mỹ) cũng đã rút toàn bộ những chiếc xe điện EV1 ra khỏi thị trường và tiến hành phá huỷ chúng.
Sau khi thành lập, Tesla Motors cũng dường như bị rơi vào quên lãng, khái niệm xe điện cũng gần như không được nhắc tới.
Cho đến năm 2006, Tesla Motors tung ra mẫu xe điện đầu tiên của mình mang tên Roadster. Đây chính là mẫu xe thuần điện đầu tiên trên thế giới có khả năng vận hành trên đường cao tốc. Tuy nhiên, Roadster nói riêng và xe điện nói chung vẫn chưa được người tiêu dùng quan tâm.
Đến năm 2009, Bộ Năng lượng Mỹ đã tiến hành trao khoản vay trị giá 8 tỷ USD cho một số hãng xe như Ford, Nissan và cả Tesla. Cũng nhờ khoản vay này, Tesla đã tránh được bờ vực phá sản để một thập niên sau đó trở thành cái tên đình đám trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Đến năm 2010, hai hãng xe Nhật Bản là Nissan và Mitsubishi tung ra mẫu xe điện đầu tiên của mình. Với Nissan là mẫu xe Leaf còn với Mitsubishi là i-MiEV. Bản thân người viết cũng đã may mắn là một trong những người đầu tiên được cầm lái chiếc xe điện Lead ngay trong đường thử tại nhà máy của Nissan (Nhật Bản) vào năm 2009 trước khi mẫu xe này bán ra thị trường.
Năm 2011, Mitsubishi i-MiEV trở thành mẫu xe điện đầu tiên trên thế giới cán mốc sản lượng bán hàng 10.000 chiếc. Đến năm 2014, mẫu xe này chính thức phá ngưỡng sản lượng bán hàng 100.000 chiếc.
XE ĐIỆN LÀ TẤT YẾU
Cần phải thừa nhận một thực tế là không phải GM, Ford, Nissan, Toyota hay Mitsubishi mà chính Tesla mới là hãng xe kích hoạt và khẳng định xu thế tất yếu của xe điện.
Một trong những bước ngoặt do Tesla thực hiện là việc xây dựng mạng lưới trạm sạc ở Bắc Mý. Với hệ thống trạm sạc này, người tiêu dùng sử dụng xe điện của Tesla có thể sạc hoàn toàn miễn phí.
Khi hệ thống hạ tầng phục vụ cho xe điện bắt đầu được giải quyết, xe điện đã có cơ sở để thúc đẩy phát triển. Đến năm 2015, loại hình xe thuần điện đã chính thức cán ngưỡng sản lượng bán hàng 500.000 chiếc trên toàn thế giới.
Một trong những bước ngoặt quan trọng nhất giúp xe điện bùng nổ và khiến cả thế giới quan tâm diễn ra vào năm 2016 khi Tesla tung ra thị trường Model 3. Mẫu xe điện này chỉ có giá bán lẻ 35.000 USD, môt mức giá cực kỳ hợp lý trong bối cảnh giá thành xe điện nói chung vẫn còn đắt đỏ.
Người tiêu dùng cũng đặc biệt quan tâm khi Tesla Model 3 có khả năng tăng tốc lên 96 km/h chỉ trong 2,5 giây, nhanh thứ 3 trong thế giới ô tô.
Sự ra đời của Tesla Model 3 đã kích thích một cuộc chạy đua nghiên cứu và phát triển xe điện trên toàn cầu. Tesla đã thuyết phục được cả các nhà quản lý lẫn người tiêu dùng về những thế mạnh và lợi ích của xe điện trong xu hướng phát triển giao thông hiện đại và văn minh bên cạnh vấn để muôn thủa của loại người là môi trường.
Và cũng chính sự ra đời của Model 3 đã góp phần giúp Elon Musk, nhà sáng lập hãng xe điện Tesla, đã trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới dù đã từng suýt phá sản vào năm 2009. Theo hãng tin Bloomberg, tính đến ngày 7/1/2021, khối tài sản của Elon Musk đã đạt tổng giá trị trên 188,5 tỷ USD, nhiều hơn 1,5 tỷ USD so với khối tài sản của Jeff Bezos, ông chủ Amazon.
Giới chuyên gia đánh giá xe điện chính là một xu thế tất yếu của công nghệ di chuyển toàn cầu. Dự báo đến khoảng năm 2040, xe điện sẽ chiếm khoảng 35% tổng lượng ô tô bán ra trên toàn cầu.
Cũng chính bởi xu thế thế đó, ngay tại Việt Nam, hãng xe nội địa VinFast mới đây đã công bố nghiên cứu và sản xuất thành công 3 mẫu xe điện có khả năng tự hành cấp độ 2-3. Các mẫu xe này sẽ bắt đầu nhận đặt hàng và giao xe ngay từ cuối năm 2021.
Xem thêm: mth.4862121172101202-neid-ot-o-auc-neirt-tahp-man-001-us-hcil/nv.ymonocenv