Ngày 27-1, UBND TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM, Hiệp hội Du lịch TP.HCM tổ chức tổng kết ngành du lịch năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2020 là năm đầy biến động của ngành du lịch toàn cầu cũng như du lịch Việt Nam. Năm 2020 thành phố chỉ đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế, giảm đến 84% so với năm 2019. Đối với khách nội địa, thành phố thu hút hơn 15 triệu lượt, giảm hơn 40% so với năm 2019.
Tuy nhiên, nhờ sự năng động sáng tạo của các đơn vị kinh doanh du lịch, doanh thu của ngành du lịch thành phố sụt giảm ít hơn, đạt 84.500 tỉ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ.
Theo bà Hoa, với kinh nghiệm ứng phó với các dịch SARS nên khi xảy ra dịch COVID-19 ngành du lịch thành phố có kịch bản với từng tình huống cụ thể.
Do đó, ngành du lịch không ngủ đông, vẫn chuẩn bị các sản phẩm, giải pháp để khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành thực hiện kích cầu, truyền thông điểm đến an toàn, quảng bá thu hút khách trở lại...
Du lịch thành phố không ngủ đông mà chuẩn bị các giải pháp thu hút khách trở lại.
Ở góc độ DN lữ hành, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho biết, năm 2020 ảnh hưởng dịch COVID-19 doanh thu giảm 75% so với năm 2019. Tuy nhiên, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua như chỉ duy trì những đơn vị chủ lực tại các địa phương lớn, thị trường nguồn khách chủ đạo...; rà soát lại toàn bộ sản phẩm dịch vụ cung ứng trong nước. Trong đó, tập trung chính vào việc chọn những sản phẩm dịch vụ đặc trưng nhất từng địa phương để tạo nên chuỗi sản phẩm mới hấp dẫn để thu hút khách hơn.
“Chúng tôi đặc biệt bám sát các tiêu chí đặt ra về an toàn trong du lịch, các quy định an toàn phòng dịch của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện tour du lịch” - ông Duy nói.
Theo ông Duy, để có thể phục hồi trong năm 2021, ngành du lịch thành phố cần tổ chức cụ thể chương trình liên kết giữa hàng không, đường sắt và vận tải đường bộ; các đơn vị cung ứng dịch vụ, các đơn vị lữ hành và khách sạn, các điểm mua sắm… để triển khai gói kích cầu quy mô lớn phạm vi cả nước với các sản phẩm, dịch vụ có chính sách giá tốt thu hút du khách.
TP cần đầu tư nâng cấp và làm mới các điểm đến nội ô, ngoại thành tạo điều kiện cho người dân thành phố du lịch tại chỗ với những dịch vụ mới như du lịch sinh thái Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, du lịch đường sông Sài Gòn… Song song đó, cần triển khai thêm các liên kết mới như TP.HCM-Tây Nguyên, TP.HCM-Bắc Trung bộ để hình thành thêm sản phẩm tour đa dạng, đảm bảo các tiêu chí an toàn thu hút khách đến và đi từ TP.HCM.
Trong năm 2020 TP.HCM liên kết với 41 tỉnh thành trên cả nước đã tạo thế và lực cho du lịch nội địa.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Phan Thị Thắng đánh giá cao nỗ lực của Sở Du lịch với các kết quả đạt được dù trong bối cảnh dịch COVID-19 nhiều khó khăn.
Theo bà Thắng, để tiếp tục góp phần tích cực vào sự phát triển cũng như khẳng định vai trò của ngành du lịch, lãnh đạo thành phố đề nghị ngành du lịch tập trung nâng cao chất lượng tham mưu quản lý nhà nước về du lịch; Thực hiện tốt công tác hỗ trợ DN du lịch, tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND tháo gỡ khó khăn cho DN du lịch sau dịch COVID-19. Ngành du lịch cần nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại, tích cực xây dựng sản phẩm du lịch mới theo hướng đa dạng hóa, khai thác lợi thế tiềm năng của thành phố, kết nối với các tỉnh thành trong liên kết vùng như du lịch y tế, du lịch đường thủy, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực…
“Ngành du lịch triển khai hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh trong năm 2019, 2020; tham mưu việc liên kết phát triển du lịch với một số vùng khu vực tiềm năng du lịch khác trên cả nước; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch thông minh” - bà Thắng đề nghị.