vĐồng tin tức tài chính 365

Khủng hoảng nợ xấu ở Trung Quốc bắt nguồn từ các hãng xếp hạng tín dụng nội địa?

2021-01-28 22:25

Khủng hoảng nợ xấu ở Trung Quốc bắt nguồn từ các hãng xếp hạng tín dụng nội địa?

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Phương pháp đánh giá quá nhiều lỗ hổng, xung đột lợi ích và cả nạn đút lót đã làm lung lay ngành đánh giá tín dụng ở Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích lại nói rằng các vấn đề cấu trúc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm sự can thiệp của cơ quan quản lý, mới chính là cốt lõi của căn bệnh trầm kha của nền tài chính Trung Quốc.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc lên đến 25 tỉ đô la trong năm ngoái. Ảnh: Reuters

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trị giá hơn 25.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 3.900 tỉ đô la. Tính đến ngày 31-12-2020, theo Nikkei Asia, các nhà đầu tư định chế nước ngoài chỉ nắm giữ khoảng 445 tỉ đô la trái phiếu, tăng 54% so với năm trước đó.

Phần lớn vốn chảy vào các sản phẩm tài chính bảo đảm của chính phủ và ba ngân hàng chính sách lớn là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc.

Tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp lên đến 25 tỉ đô trong năm ngoái. Các trái chủ trong nước đua nhau bán tháo trái phiếu doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp nhà nước càng khó gọi vốn trong năm 2021. “Chúng tôi cơ bản không tin đánh giá của bất kỳ ai nữa”, một nhà đầu tư trên một sàn môi giới nói với trang Caixin.

“Xô ngã thang tín dụng”

Đầu tháng 11 năm ngoái, tập đoàn than và điện lực quốc doanh Yongcheng tuyên bố mất khả năng trả nợ gốc và lãi suất trái phiếu đúng hạn khoản tiền hơn 1 tỉ nhân dân tệ, gần 160 triệu đô la. Phát súng này đã mở màn cho đợt vỡ nợ hoặc mất khả năng chi trả của hàng loạt doanh nghiệp quốc doanh lẫn tư nhân của Trung Quốc.

Nhưng một tháng trước đó, Yongcheng đã được hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu Trung Quốc là China Chengxin International đánh giá AAA. Bê bối Yongcheng khiến chính phủ Trung Quốc cấm China Chengxin không được hoạt động trong vòng ba tháng kể từ 29-12-2020.

“Xô ngã thang tín dụng” với doanh nghiệp đang trên thang là một hiện tượng mới ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp sẽ bị xuống hạng nhanh chóng, nhưng điều này chỉ xảy ra khi họ đã không thể trả nợ gốc hay lãi suất trái phiếu đúng hạn.

Các nhà đầu tư và các hãng xếp hạng nước ngoài đang rất dè dặt với cách làm việc của các đồng nghiệp Trung Quốc bởi xuống hạng tín dụng phải được đưa ra sớm hơn, như là tín hiệu cảnh báo cho giới đầu tư.

Yongcheng không phải là hãng duy nhất có được thứ hạng tín dụng cao của China Chengxin trước khi vỡ nợ. Một tập đoàn nhà nước lớn, Tsinghua Unigroup, cũng vỡ nợ 1,3 tỉ nhân dân tệ hôm 16-11 sau khi được xếp AAA rồi bị “đá” xuống AA. 

“Trong một chừng mực nào đó, các hãng xếp hạng tín dụng nội địa đã thất bại. Họ sẽ không cho khách tụt hạng cho đến khi vị khách này vỡ nợ hay phá sản”, một nhà đầu tư nói.

China Chengxin đã hào phóng cho hạng AAA, nhưng chưa đầy một tháng sau đã không tiếc đẩy khách hàng “té thang” năm bậc xuống còn B. Trong khi đó, các hãng xếp hạng quốc tế định nghĩa bất cứ thứ hạng dưới mức BBB- là không nên đầu tư hay “đồng nát”.

Dường như, ngành xếp hạng Trung Quốc sử dụng một thước đo có chuẩn mực rất khác và không định nghĩa khả năng hay mức độ có đáng đầu tư hay không.

Một trường hợp khác đáng nhắc đến là hai hãng xếp hạng tín dụng Dagon Global và Golden. Cả hai hãng này đã giảm điểm tín dụng của tập đoàn xe hơi Brilliance Auto Group Holdings ba lần trong một tháng sau khi hãng chế tạo xe quốc doanh không thể trả nợ và lãi suất vào tháng 10-2020.

Lỗi từ cơ chế và cấu trúc

Cơ quan quản lý can thiệp quá nhiều vào thị trường trái phiếu. Các quan chức chính phủ rất e dè khi các hãng đánh giá cho tuột hạng bất cứ doanh nghiệp quốc doanh nào. Họ luôn lo sợ việc rớt hạng có thể làm tăng nguy cơ với hệ thống tài chính quốc gia.

Năm 2018, một số hãng xếp hạng tín dụng đã phát hiện nhiều nguy cơ của một số sản phẩm chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản (ABS) và báo cáo với Sở Giao dịch chứng khoán.

Nhưng cơ quan quản lý đã lờ đi và không cho phép họ hạ chuẩn tín dụng của các sản phẩm này bởi lo ngại “tâm lý tiêu cực trên thị trường”.

Nhiều doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc cứ phát hành trái phiếu mới để trả cho các món nợ cũ – một quan chức nói. Nếu hãng xếp hạng cho mức dưới AA-, nhiều doanh nghiệp quốc doanh và các cơ quan tài chính của chính quyền địa phương có nguy cơ vỡ nợ.

“Các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước sẽ không có cách nào tái tài chính, nếu bong bóng ngành đánh giá tín dụng bị vỡ”, vị này phát biểu.

Trái phiếu doanh nghiệp một thời là sản phẩm đầu tư được các nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng. Nếu doanh nghiệp không thế chi trả một trong các loại trái phiếu này, nhà đầu tư lại gặp khó khăn trong các khoản chi tiêu cá nhân.

Và tác nhân này có thể lan rộng và trở thành nguy cơ hệ thống cho thị trường tài chính Trung Quốc. “Chúng tôi phải trao đổi với cơ quan quản lý trước khi có thể hạ tín nhiệm. Hoặc là họ sẽ phê bình chúng tôi vì đã tạo ra các nguy cơ hệ thống”, một hãng xếp hạng nói.

Bên cạnh sự can thiệp của nhà nước, cấu trúc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc cũng góp phần tạo nên vấn đề cho các hãng xếp hạng.

Trung Quốc có hai thị trường trái phiếu chính: Đầu tiên là thị trường trái phiếu liên ngân hàng do Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa quản lý. Kế đến là thị trường trái phiếu do Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) giám sát và hai sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến điều hành. Các thị trường này cạnh tranh với nhau trong việc đưa ra thị trường càng nhiều càng tốt các sản phẩm có thể thu hút nhà đầu tư.

Hồi tháng 12, cựu bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vỹ đã phê phán sự phân quyền hay chuyên biệt kiểu này. “Tình trạng này có thể khiến cả ba thị trường nới lỏng các tiêu chuẩn, quy định để giành thị phần lớn hơn trong phát hành trái phiếu”, Caixin trích dẫn.

Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc cấm các nhà đầu tư không chuyên nghiệp mua trái phiếu của các doanh nghiệp xếp hạng dưới mức AAA. Điều này vô tình tạo áp lức với hãng đánh giá khi không dám “xuống tay” phê hạng thấp cho chủ phát hành. “Bởi làm vậy là triệt đường tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Dường như chỉ cơ quan quản lý là cần hãng xếp hạng, còn thị trường thì không cần biết đến sự tồn tại của chúng tôi”, một hãng xếp hạng nói.

Viễn cảnh khủng hoảng nợ xấu trong năm 2021 khiến các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán và tài chính Thượng Hải lo lắng. Ảnh: Reuters

Quản trị doanh nghiệp kém

Các hãng xếp hạng đang phải cạnh tranh giành khách hàng. Họ phải làm khách hài lòng, phải nói “lời hay ý đẹp” tức mức xếp hạng cao. Trong quí 3-2020, 136 doanh nghiệp phát hành đã đổi công ty xếp hạng – theo báo cáo Hiệp hội các định chế đầu tư tài chính quốc gia (NAFMII), cơ quan quản lý thị trường liên ngân hàng do ngân hàng trung ương hỗ trợ. Trong số này, 17 doanh nghiệp đã có mức xếp hạng cao hơn từ hãng đánh giá mới. NAFMII đã cảnh báo các hãng xếp hạng phải tránh “các hoạt động cạnh tranh không đúng đắn”.

Cơ quan quản lý đã từng phê phán các phương pháp đánh giá và hệ thống kiểm soát chất lượng của các hãng xếp hạng. NAFMII đã cáo buộc rằng China Chengxin đã không điều tra hiện trường tại nhà máy của Yongcheng.

Vì thế, China Chengxin đã không thể phát hiện những điều bất thường, chẳng hạn như Yongcheng thường trả trễ lương nhân viên và công nhân

Đến cuối quí 3-2020, có 14 hãng xếp hạng nội địa đăng ký với chính phủ Trung Quốc. Trong số này, bốn hãng kiếm tiền bằng cách bán các đánh giá tín nhiệm cho giới đầu tư. Mười công ty còn lại nhận tiền thù lao của doanh nghiệp cho các đánh giá tín nhiệm mà công ty cung cấp.

Các hãng xếp hạng China Chengxin, Shanghai Brilliance Credit Rating & Investors Service, và China Lianhe đã đánh giá hầu hết các đợt trái phiếu phát hành trong quí 3.

Tham nhũng cũng làm danh tiếng hãng xếp hạng bị hạ thấp. Cuối tháng 12, hai quan chức cấp cao của hãng xếp hạng thuộc sở hữu nhà nước Golden Credit Rating Internation đã bị sa thải vì nhận hối lộ vì đã nâng hạng tín dụng cho một số công ty.

Năm 2018, Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã cáo buộc hãng Dagong Global có “mâu thuẫn lợi ích” khi đánh giá tín nhiệm cho doanh nghiệp. Ủy ban này nói 13 khách hàng của Dagong Global đã mua các sản phẩm tài chính hoặc dịch vụ của hãng. Và trong vài trường hợp, Dagong Global đã nâng hạng cho khách. Hệ quả là hãng bị ủy ban trừng phạt và cấm hoạt động trong một năm.

“Điều này khá là bất thường. Các mâu thuẫn lợi ích này khó tồn tại ở một công ty quốc tế có hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Kiểm soát nội bộ của họ có vấn đề và đã hoàn toàn thất bại”, nhà tư vấn kỳ cựu Liao Qiang đã làm việc nhiều năm ở hãng xếp hạng tín dụng quốc tế S&P Global.

Liao là nhân vật duy nhất được trích dẫn tên cụ thể, trong khi các đồng nghiệp và nhà quản lý Trung Quốc đều ẩn danh khi trao đổi với Caixin. Điều này cũng đồng nghĩa là đến lúc cần có sự thay máu. Thị trường xếp hạng tín dụng ở Trung Quốc cần có sự xuất hiện các tay chơi quốc tế, như hãng kiểm toán hay hãng đánh giá tín dụng toàn cầu.

Xem thêm: lmth.aid-ion-gnud-nit-gnah-pex-gnah-cac-ut-nougn-tab-couq-gnurt-o-uax-on-gnaoh-gnuhk/762313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Khủng hoảng nợ xấu ở Trung Quốc bắt nguồn từ các hãng xếp hạng tín dụng nội địa?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools