Quãng năm 1995-1996, chúng tôi nghiên cứu các môn lý luận chính trị ở Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân), các giảng viên thường đặt vấn đề để sinh viên thảo luận: Làm rõ cơ sở lý luận và khoa học trong việc xác định mục tiêu của Việt Nam đến năm 2000 và đến năm 2020. Ngày đó, các văn bản, kế hoạch của Nhà nước chủ yếu xác định mục tiêu đến năm 2000 - dấu mốc bước sang thiên niên kỷ thứ 3 với biết bao dự định, tính toán được cả nhân loại đón chờ.
Với Việt Nam, có nhiều mục tiêu đặt ra đến năm 2000 nhưng một con số được nói đến là thu nhập bình quân đầu người, phấn đấu đạt 400 USD. Chúng tôi nhớ rõ con số này bởi trước đó trong các bài học địa lý, nhất là ôn thi tuyển sinh đại học, mục tiêu này được nói đến rất nhiều, như một chỉ dấu quan trọng thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu của toàn xã hội đến “điểm hẹn 2000”.
Trong khi đó, mốc 2020 dù được đề cập trong văn kiện của Đảng nhưng với sinh viên chúng tôi, nghĩ đến thời điểm đó thực sự rất xa, khó có thể hình dung. Trong khi đó, quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đạt kết quả có tính bước ngoặt: thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngày càng có nhiều công trình khang trang, hiện đại, thể hiện diện mạo mới của đất nước. |
Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”. Mô hình nước công nghiệp được vạch ra là: Lực lượng sản xuất lúc đó đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hóa cơ bản được thực hiện trong cả nước, năng suất lao động xã hội và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với hiện nay.
Ở thời điểm năm 1996, nếu nói về mốc năm 2020 “trở thành nước công nghiệp”, thật khó để định hình bởi với một phần tư thế kỷ, chặng đường ấy là rất dài trong mỗi đời người, với tuổi trẻ lại càng khó nghĩ xa và lâu đến thế. 20 tuổi, thật khó để định hình lúc 45 tuổi sẽ thế nào. Vậy nên, chúng tôi cũng chỉ suy luận và viết vào bài thi với rất nhiều kỳ vọng như: đến lúc đó, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt mức này, mức kia, sẽ vươn lên với những nước “có tiếng” khác trong khu vực và thế giới. Ngay cả những nhà nghiên cứu lý luận, việc đặt mục tiêu nước công nghiệp năm 2020 thì cũng chỉ áng lượng một cách chung nhất chứ chưa thể định hình nội hàm, mục tiêu, diện mạo cụ thể của “nước công nghiệp” có hình dáng, quy mô ra làm sao, có thể sánh với nước nào trong khu vực.
Hôm nay, dấu mốc 2020 ấy đã qua, nghĩa là một phần tư thế kỷ đã kiểm chứng sự nỗ lực của toàn xã hội về con đường trở thành nước công nghiệp. Và thực tiễn cũng đã trả lời việc thực hiện mục tiêu ấy chưa thành hiện thực so mốc thời gian đặt ra, thay vào đó chúng ta đã dùng cụm từ mềm hơn “sớm trở thành nước công nghiệp”. Dẫu vậy, nhìn lại 2 dấu mốc năm 1995 và 2020, chúng ta thấy diện mạo đất nước đã thực sự cải biến sâu sắc, thể hiện rõ rệt bằng mọi thông số, chỉ số.
Năm 1995, Hà Nội ngày đó chưa có các khu cao ốc. Khái niệm “nhà cao tầng” vốn định hình từ những năm bao cấp, nói về những khu nhà chung cư, tập thể cao 4-5 tầng như khu tập thể Thanh Xuân, Kim Liên, Trung Tự, Ngọc Khánh... Thang máy dù đã xuất hiện trên thế giới từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn là khái niệm mới lạ, chỉ có trong một số tòa nhà đặc biệt. Còn lại hầu hết các công sở, khu dân cư, thang máy còn vắng bóng. Không thang máy thì không thể có những tòa chung cư, tòa cao ốc cao hàng chục tầng, không thể có những khu đô thị vút mây xanh, không thể có những công trình kỹ vĩ làm nên diện mạo khang trang, hiện đại cho Thủ đô như bây giờ. Vì thế, có lẽ cần xếp sự hiện diện và cải tiến của chiếc thang máy là điểm nhấn tạo nên cách mạng đô thị, tạo nên những khu dân cư, tòa cao ốc vừa giải quyết chỗ ở cho hàng vạn người, vừa thể hiện tính văn minh, hiện đại của cuộc sống mới.
25 năm, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố khác, kể cả diện mạo nông thôn đều đã thay đổi sắc thái, từ nông nghiệp, từ sự nghèo nàn, lạc hậu sang công nghiệp, hiện đại. Đặc biệt, hệ thống giao thông phát triển rất nhanh, kết nối các vùng miền, chính là động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước. Hôm nay, di chuyển bằng đường bộ từ Hà Nội đến Lào Cai hay từ Hà Nội tới Vinh chỉ còn trên dưới 5 tiếng, trong khi 25 năm trước, thời gian di chuyển gấp ít nhất 3 lần.
Tương tự như vậy, 25 năm trước, thông tin kết nối con người với con người chủ yếu là những lá thư gửi bưu điện, nhà khá giả hơn thì có chiếc điện thoại để bàn, những chiếc vô tuyến với thiết kế to và “nặng như cõng đá”.
Việc phát triển nhanh chóng của hệ thống viễn thông, thông tin khiến ngày nay, thế giới như thu gọn tầm tay, con người mở ra với cuộc sống, với cộng đồng không chỉ thông tin mà còn đa dạng hình ảnh, màu sắc, trực quan sống động... Nếu một người sau 25 năm chưa có dịp về thăm quê hương thì chắc hẳn khi trở lại, họ sẽ ngỡ ngàng trên chính mảnh đất vốn thân thuộc năm xưa.
Như vậy, dù mục tiêu 2020 trở thành nước công nghiệp đã trễ hẹn nhưng những gì đã trải qua, đã làm được thì thực sự đã là một thành quả vô cùng lớn lao mà trước năm 2000, chúng ta khó thể hình dung được. Hôm nay, cụm từ “nước công nghiệp” trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng cũng đã được thay bằng cụm từ mới, hẳn để nhằm phù hợp hơn với xu thế phát triển của thế giới. Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhìn vấn đề trên cho thấy, 2 mốc trăm năm mà chúng ta đặt ra (100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước) không phải là vấn đề bất khả thi. Dự thảo văn kiện nêu mục tiêu 100 năm thành lập nước là “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đây là mục tiêu lớn, thể hiện khát vọng của toàn dân tộc, để Việt Nam vươn mình, sánh vai với bè bạn năm châu.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này được chuẩn bị một cách rất công phu, bài bản, chu đáo; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Các mục tiêu trên được đề ra trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn; kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới.
Đăng TrườngXem thêm: /188826-uas-man-52-ev-ihgn-court-man-52-ial-hnaogN/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna