Trao đổi với Infonet, anh N.V.T, nhân viên thu nợ thuộc một công ty tài chính lớn chia sẻ: “Nhiều khi muốn nhẹ nhàng với con nợ cũng không được nếu đối tượng cho thấy rõ biểu hiện không muốn trả nợ. Thậm chí, có những trường hợp khách hàng chơi trò ú tim khiến chúng tôi phải mật phục rồi truy tìm như phim hành động”.
Còn anh N.M.K, cán bộ tín dụng tại một ngân hàng thuộc nhóm “big 4” chia sẻ, để đòi được nợ xấu ngân hàng thì phải chấp nhận chi ra một số tiền không nhỏ gọi là “chi phí khác”.
Chẳng hạn, để có được thông tin về khách hàng hiện có mặt tại nơi cư trú hay không, đang có hoạt động kinh doanh như thế nào,… ngân hàng phải chấp nhận phí “bôi trơn” cho bên cung cấp thông tin.
“Để đòi được 100 triệu đồng thì những chi phí kiểu này cũng ngốn đến 30-40 triệu đồng. Đã là nợ ngoại bảng thì xác định cố gắng vớt vát được đồng nào hay đồng ấy nên dù tốn kém cũng phải chi”, anh N.M.K nói.
Tuy nhiên, trước những rủi ro quá lớn, ngân hàng thường xác định việc đòi được nợ liệu có khả quan không rồi mới đi đến quyết định có chấp nhận chi “phí bôi trơn” hay không.
“Trường hợp con nợ không còn khả năng trả nợ mà ngân hàng vẫn chi tiền cho việc đi đòi nợ sẽ khiến chi phí xử lý nợ của ngân hàng càng lớn”, anh N.M.K cho hay.
Tại một ngân hàng thuộc top 3 ngân hàng lớn nhất khối TMCP tư nhân, anh T.N.H, một cán bộ tín dụng cho biết, cho dù có bộ phận thu nợ nhưng các nhân viên tín dụng vẫn phải có trách nhiệm bám sát khách hàng đã vay để nhắc nợ.
Do vậy mà mỗi ngày làm việc của những nhân viên tín dụng, dù có chạy “bạc mặt” ngoài đường để xử lý hồ sơ vay vốn cho khách hàng, nhưng lịch cố định của họ là 15h hằng ngày phải trở về văn phòng thực hiện công việc nhắc nợ cho từng khách hàng. Công việc này được thực hiện đến 19-20h hằng ngày là chuyện bình thường.
“Vì thiếu người nên mỗi nhân viên ở đây có trách nhiệm nhắc nợ cho khoảng 500 khách hàng. Cũng vì áp lực quá lớn nên nhiều người không trụ nổi quá 3 tháng, điều này dẫn đến việc thiếu hụt nhân sự trầm trọng và áp lực đè áp lực”, anh T.N.H nói.
Nợ xấu ngân hàng được hiểu là những khoản tín dụng vay mượn từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng, tới thời hạn trả nhưng người vay chưa trả hoặc không trả.
Việc thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng để ghi nợ các khoản tiêu dùng hằng ngày nhưng lại không kiểm soát và chi tiêu có kế hoạch dẫn đến mất khả năng thanh toán đúng thời hạn cho ngân hàng cũng là một trong những nguyên nhân gây nợ xấu.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân thường gặp đó là sử dụng dịch vụ mua hàng trả góp thông qua công ty tài chính nhưng không trả đầy đủ hoặc không trả đúng hạn.
Tính đến cuối quý 3/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của các ngân hàng niêm yết tăng từ 1,5% cuối năm 2019 lên 1,8% trong khi tỉ lệ này của toàn hệ thống là 2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của các ngân hàng niêm yết là 86%. Chi phí dự phòng tăng 15% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng tăng nhẹ lên 1,5%. Nợ tái cơ cấu chiếm 3,7% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 144 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 6 - 9/2020.
Tính đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng lớn đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ với xu hướng giảm tỷ lệ nợ xấu đáng kể.
Như tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank đã giảm xuống 0,6% từ mức 1% trong quý 3/2020.
Vietinbank cũng công bố tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1%, từ 1,9% vào cuối tháng 9. Nợ xấu tại TPBank cũng giảm từ 1,8% xuống 1,1% sau quý 4. Tương tự, nợ xấu tại MB cũng giảm từ 1,5% xuống 1,1%.
Chi phí tín dụng hiện tại của các ngân hàng quốc doanh (1,5%) dự kiến sẽ đủ để bao phủ 50% nợ tái cơ cấu bị chuyển nhóm thành nợ xấu (tương đương 1% tổng dư nợ) và nợ xấu mới hình thành (1% tổng dư nợ) trong hai năm, giả định là không có sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ nợ xấu mới hình thành hoặc nợ tái cơ cấu.
Ngân Giang
Infonet