Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Hay tin giữa đường gia đình chú rể phải quay xe về, nhà gái phối hợp kịp thời nên họ trao sính lễ… ở trạm thu phí. Những bức hình trong trang phục cưới đẹp đẽ, được chụp ở nơi chốn ngoài dự kiến ấy vẫn rạng ngời.
Dẫu vội vàng, hoặc có thể kèm chút hụt hẫng cho "đôi trẻ", nhưng hạnh phúc muôn đời vẫn thế. Không hẳn nằm ở hình thức rình rang, mà vững bền bởi cách người ta nắm tay nhau vượt qua nhiều biến cố ở đời. Mà lắm khi đó chính là một "cô nàng khó ở" tên "Vi" mà ai ai cũng ngán sợ!
Đây chẳng phải lần đầu, những đám cưới xin đã mời hàng mấy trăm khách phải tạm dừng vì dịch bệnh. Các lễ nghi, tiệc tùng cũng đành giản tiện, thậm chí hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Trong thời gian vừa qua đã có nhiều cặp đôi hoàn cảnh, không riêng gì ở nước ta, mà trên thế giới, đã hoãn cưới, cưới online, cưới… chạy Covid, "để mai cưới", thậm chí là hôm nay đã tính thế này, ngày kia chưa biết ra sao, là thường...
Bởi đó, tâm thế quan trọng. Tình yêu mới là quan trọng. Hạnh phúc của hôn nhân ở thì xa hơn, dài lâu hơn, được bắt đầu bởi sự cảm thông, thấu hiểu, văn minh. Mình vì cộng đồng. Cộng đồng vì mình mà chúc phúc, trân trọng.
Như đúng cái ngày COVID trở lại trong cộng đồng, tôi có thiệp mời đám cưới người thân diễn ra vào buổi tối hôm đó. Nhà hàng đã đặt, tiền bạc đến hôm nay đã thanh toán gần hết. Mọi thứ đều sẵn sàng. Và dù TP.HCM chưa có tin xấu nhất nhưng công sở xôn xao, đường phố xao xác, hàng quán chợt vắng vẻ.
Cha mẹ học trò lo ngay ngáy. Chủ doanh nghiệp thở dài, lắc đầu bảo lắm khi còn mất tết... Thế nhưng, ngồi trên lửa nhất có lẽ chính là các cặp "tân lang - tân giai nhân" đang phấp phỏng chẳng biết thế nào.
Chỉ vài giờ nữa thôi là đến giờ G, liệu có "biến" gì chăng? Bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng có dám đến chung vui? Dù chẳng muốn, nhưng chắc váng vất đâu đó đã có những phương án B dự phòng. Lỡ như cuối cùng điều không mong chờ bất ngờ ập tới, ta phải làm sao vun vén cho vẹn toàn?
Thương nhất chính là cô dâu. Cảm giác quan trọng "đời người chỉ một lần", vốn đã hồi hộp, nay càng thêm nơm nớp thắc thỏm. Đan xen vào chút bối rối tủi thân, hẳn rồi… Thương lắm đám cưới thời COVID ngập ngời nỗi lo âu. Liệu có thở phào êm xuôi được hết! Liệu có lệnh "phong tỏa" hay "giãn cách", "cách ly" gì đột ngột!
Liệu có ai trong những khách khứa, người làm dịch vụ cưới hỏi hôm nay vừa về từ vùng dịch, hoặc trốn khai báo y tế này nọ… Bao điều trăn trở, nhưng quan trọng nhất chính là làm sao để người bạn đời tương lai (gần lắm!) có thể cảm thông, đồng hành cùng nhau trong hành trình cưới xin, và cả sẻ chia, mai này.
Ngày vợ chồng về với nhau, bình thường đã nhiều lo toan, cắc củm dành dụm, thời dịch bệnh lại đầy khó khăn trắc trở. Chuẩn bị tâm lý "ứng phó" là điều mỗi cặp đôi nhất định cần phải có. Cũng nên cân nhắc, chủ động dự trù một hai phương án thay đổi. Khách khứa sẽ hiểu thôi, ít ai trách cứ. Sẵn sàng gói gọn, tiết chế được thì hay quá.
Quan trọng nhất, đừng nên quá nặng nề, câu nệ. Cứ để ngày vui lứa đôi đến tự nhiên, vừa thuận theo chữ duyên, vừa văn minh, hợp pháp, bảo vệ chính mình và cộng đồng. Tiệc cưới đôi khi cũng chỉ là một hình thức cần, nhất là trong thời đại bây giờ. Thành tâm một lễ gia tiên là cũng có thể gọi tên chữ "đủ" rồi…
Thử lạc quan chút xem, cái sự kiện trọng đại lỡ như chưa kịp tròn trịa ấy cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình hôn nhân, đúng không nào? Biết đâu vì thế mà ta thấy nhau trưởng thành, bao dung, biết chấp nhận, nâng niu hạnh phúc nhiều hơn?
Mai này, cô dâu chú rể có kỷ niệm để tếu táo kể với con cháu rằng: Vào năm COVID ấy, ông bà về với nhau trong một dịp đặc biệt tới khó tin. Chuyện như thế này này…
TTO - Dịch COVID-19 bùng phát tại Hải Dương và Quảng Ninh khiến nhiều gia đình phải tạm hoãn tổ chức đám cưới theo lịch đã xếp trước đó, có trường hợp đi đón dâu nhưng bất thành và phải quay trở về, dù đã đến sát nhà cô dâu.
Xem thêm: mth.39271440113101202-divoc-aum-uahn-iov-ev-at/nv.ertiout