Trước làn sóng thứ 3 của dịch bệnh COVID-19, cần chính sách hỗ trợ mạnh tay của Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp nhóm "yếu thế".
Tăng trưởng của tháng 1 tạo đà cho tăng trưởng mới
Mới đây, thông tin về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội tháng đầu tiên của năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết: Trong tháng 1.2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có nhiều khởi sắc, tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động.
Cụ thể, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 1.2021 là 395,1 nghìn tỉ đồng, tăng 10,5% so với tháng 1.2020.
Chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi khi năm nay Chính phủ có mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất là 6,5% cùng nhiều biện pháp để đạt được mức tăng trưởng đó.
Tuy nhiên, từ ngày 28.1 dịch bệnh COVID-19 bùng phát và có nguy cơ lan rộng thành làn sóng thứ 3, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn trong những ngày tới, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ làm điểm tựa để vượt qua.
Chính sách kinh doanh "sống chung" với COVID-19
Căn cứ trên các thông tin của cơ quan y tế về tốc độ lây lan cũng như những biến thể của virus corona, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá tình hình dịch bệnh có thể nghiêm trọng trong năm nay và các doanh nghiệp không thể "đóng băng" để đợi dịch bệnh qua đi mới bắt tay vào sản xuất.
Ngược lại, doanh nghiệp cần tìm hướng đi phù hợp với nhiều phương án linh hoạt để không chỉ tồn lại, mà còn phát triển. Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp non trẻ vừa được thành lập, Chính phủ cần đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả và mạnh tay hơn, trong đó giải pháp thành lập một tổ hợp tín dụng với hình thức cho vay ưu đãi, linh hoạt được coi là cần thiết và cấp bách lúc này.
“Chính phủ cần có biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. Một trong những đề xuất của tôi là Ngân hàng Nhà nước cần đứng ra để thành lập một Tổ hợp tín dụng với quy mô khoảng 300.000 tỉ đồng, trong đó tất cả các ngân hàng phải tham gia tổ hợp này theo quy mô của từng ngân hàng: Ngân hàng lớn tham gia với tỉ lệ lớn, ngân hàng nhỏ tham gia với tỉ lệ nhỏ để tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn theo PGS TS Nguyễn Thường Lạng – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một mặt phải “tự thân vận động”, song doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Do đó, Chính phủ cần tạo ra một môi trường kinh doanh sòng phẳng, cải cách theo hướng tăng minh bạch, giảm “chi phí ngầm”.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền mạnh đổi mới sáng tạo để tạo áp lực và động lực chuyển đổi số, phát triển kinh doanh số và hướng tới hệ sinh thái kinh doanh số hoàn chỉnh nhằm tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp.
Các dịch vụ công cần nhanh chóng số hóa để chi phí hành chính và tuân thủ ở mức thấp nhất. Cần kiến tạo môi trường văn hóa số thân thiện và công bằng.
PGS TS Nguyễn Thường Lạng cũng nêu ý kiến về việc cần xúc tiến mở cửa các tuyến du lịch, dịch vụ an toàn và quy mô lớn trong bối cảnh mới để kích cầu khi dịch bệnh kiểm soát. Cần có thông điệp mới trong năm mới nhằm hiệu triệu doanh nghiệp và doanh nhân có chiến lược thông minh và khôn khéo trong đại dịch và vận dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được năm trước.