Vào hôm 28-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Theo tờ Kommersant, ông Macron là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên nghe phản ứng của Điện Kremlin trước các động thái của Mỹ và NATO đối với các đề xuất an ninh mà Moscow yêu cầu gần đây.
Điện Kremlin không vội đưa ra phản ứng "quân sự - kỹ thuật"
Theo Kommersant, ông Putin đã chỉ ra rằng Washington và NATO đã “không cân nhắc đến các mối quan ngại về an ninh của Nga”. Tuy nhiên, có vẻ như Điện Kremlin không vội đưa ra phản ứng "quân sự - kỹ thuật" đã nói. Thay vào đó, Moscow rõ ràng có kế hoạch ngăn chặn phương Tây bằng các thư từ và đề nghị ngoại giao.
Hai vị tổng thống đã tổ chức một cuộc điện đàm mở rộng, tập trung vào vấn đề cung cấp cho Nga những đảm bảo an ninh lâu dài và ràng buộc về mặt pháp lý. Ông Putin nói với nhà lãnh đạo Pháp rằng “phía Nga sẽ nghiên cứu kỹ các văn bản trả lời đối với dự thảo thỏa thuận về đảm bảo an ninh mà Mỹ và NATO đã gửi vào ngày 26-1, sau đó sẽ quyết định hành động tiếp theo”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Theo Kommersant, ông Putin đã thông báo với người đồng cấp Pháp rằng “các phản ứng của Mỹ và NATO không giải quyết các mối quan tâm cơ bản của Nga”, bao gồm việc ngăn chặn sự mở rộng của NATO, không triển khai vũ khí tấn công gần biên giới của Nga và đưa năng lực quân sự và cơ sở hạ tầng của NATO ở châu Âu trở lại như cũ tương tự như hồi năm 1997, khi Đạo luật Sáng lập NATO-Nga được ký kết.
Những yêu cầu nêu trên, cùng một số yêu cầu khác, đã được trình bày trong hai dự thảo hiệp ước mà Nga đã gửi cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và NATO hồi tháng 12-2021. Đồng thời, vị lãnh đạo Nga nhắc lại lời đe dọa của Nga về việc sẽ thực hiện "các biện pháp quân sự - kỹ thuật" nếu NATO và Mỹ tiếp tục bỏ qua các mối quan tâm hàng đầu của quốc gia.
Tuy nhiên, Moscow cũng đã nói rõ rằng họ tiếp tục đặt niềm tin vào một giải pháp ngoại giao. Là một phần trong các nỗ lực ngoại giao của Điện Kremlin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ gửi một bức thư tới 57 quốc gia thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), bao gồm cả Mỹ, yêu cầu làm rõ quan điểm của họ về nguyên tắc “không thể chia cắt” đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương, như được mô tả trong Tuyên bố Istanbul năm 1999 và Tuyên bố Astana năm 2010.
Nguyên tắc an ninh “không thể chia cắt”
Phát biểu trước báo giới ngày 27-11, Ngoại trưởng Lavrov cho biết: “Nguyên tắc này đã được xây dựng rất rõ ràng. Nó bao gồm hai cách tiếp cận được kết nối với nhau. Đầu tiên là quyền tự do của các quốc gia trong việc lựa chọn liên minh quân sự. Thứ hai là nghĩa vụ không tăng cường an ninh cho một quốc gia để gây bất lợi cho an ninh của các quốc gia khác.”
Theo Ngoại trưởng Lavrov, NATO đang cố gắng xoay chuyển vấn đề bằng cách nhấn mạnh vào cách tiếp cận đầu tiên khi nói rằng Ukraine được tự do tham gia liên minh dù Nga phản đối, trong khi đó Washington giữ im lặng về cách tiếp cận thứ hai.
Ngày 28-1, Đại sứ Mỹ tại Nga John J. Sullivan cho biết: “Nguyên tắc quan trọng nhất mà các tài liệu đó đề cập chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền được quyết định an ninh của chính mình và quyền lựa chọn các liên minh an ninh.”
Theo Đại sứ Sullivan, việc sử dụng khái niệm “an ninh không thể chia cắt” để chiếm ưu thế về quyền quyết định con đường bảo vệ an ninh của mình trước các quốc gia khác là không thể chấp nhận được.
“Mỗi quốc gia thành viên OSCE đều có quyền bình đẳng về an ninh. Chúng tôi tái khẳng định rằng mỗi và mọi quốc gia thành viên đều có quyền tự do lựa chọn hoặc thay đổi các thỏa thuận an ninh của mình, bao gồm cả các hiệp ước liên minh, khi họ phát triển. Mỗi quốc gia cũng có quyền trung lập. Mỗi quốc gia thành viên sẽ phải tôn trọng quyền của tất cả những quốc gia khác về những vấn đề này. Họ sẽ không củng cố an ninh của mình bằng cách gây bất lợi cho an ninh của các quốc gia khác. Trong OSCE, không quốc gia, nhóm quốc gia hoặc tổ chức nào có giữ vai trò ‘nổi trội’ trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực OSCE hoặc coi bất kỳ phần nào của khu vực là phạm vi ảnh hưởng của mình” - trích Tài liệu Istanbul năm 1999.
Trong mọi trường hợp, Moscow đã nói rõ rằng họ muốn duy trì đối thoại và tránh đối đầu với phương Tây. Điều này có thể liên quan đến sự sẵn lòng của Mỹ và NATO trong việc giúp gây áp lực buộc giới lãnh đạo Ukraine tuân thủ các thỏa thuận Minsk như một lộ trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Donbass.
Vào ngày 26-1, các đặc phái viên Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Paris trong khuôn khổ cuộc đàm phán theo thể thức Normandy. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra trong thời gian hai tuần tại Berlin, Đức.
Trong một loạt cuộc phỏng vấn gần đây với bốn đài phát thanh lớn của Nga, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng nếu Washington có thể “buộc Kiev” thực hiện các thỏa thuận Minsk, thì kết quả này “sẽ phù hợp” với nguyện vọng của Moscow. Theo ông, không ai khác ngoài Mỹ có thể làm điều này, song ông cho biết viễn cảnh này “khó có thể xảy ra”.
Moscow cũng yên tâm khi Mỹ và NATO có sự phản hồi đối với các đề xuất an ninh của mình, mặc dù đó chỉ là "các vấn đề thứ yếu" chứ không phải là mối quan tâm chính của Nga. Chúng bao gồm cam kết đối thoại với Nga về hạn chế hoạt động quân sự của Mỹ và NATO ở châu Âu, chẳng hạn như áp dụng các cơ chế kiểm soát hạt nhân và vũ khí thông thường, minh bạch, tránh các cuộc đụng độ quân sự và khôi phục kênh thông tin liên lạc.
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng mặc dù tất cả các biện pháp này “khá quan trọng đối với Nga ở một thời điểm nào đó”, NATO trong nhiều năm đã phớt lờ nổ lực của Moscow để thảo luận về chúng. Theo ông, điều quan trọng nhất bây giờ là nên tìm ra các khái niệm trụ cột làm nền tảng cho an ninh châu Âu.
“Đối với các vấn đề có tầm quan trọng thứ yếu, Mỹ và NATO đã bị sốc khi Nga trình bày công khai những tài liệu này. Điều này đã giúp thay đổi thái độ tiêu cực của họ đối với các đề xuất trước đây của chúng tôi, bao gồm các đề xuất liên quan đến tên lửa tầm trung và tầm ngắn, và đưa ra các biện pháp giảm leo thang trong các cuộc tập trận” - ông Lavrov nói thêm.