CNBC đánh giá, nước Mỹ bắt đầu năm 2022 với rất ít dấu hiệu tăng trưởng. Sự bùng phát của biến chủng Omicron vào cuối 2021 cộng với các biện pháp thắt chặt chính sách tài khoá đã khiến các nhà kinh tế trên phố Wall giảm dự báo về GDP nước này.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã xoay trục, từ chính sách dễ dãi nhất trong lịch sử thành các biện pháp chống lạm phát mạnh mẽ. Điều này khiến bức tranh kinh tế Mỹ thay đổi một cách đáng kể. Mức tăng GDP quý I đang được dự báo 0,1% theo chi nhánh Fed tại Atlanta.
Joseph LaVorgna, kinh tế trưởng về châu Mỹ tại Natixis và là cựu kinh tế trưởng Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Trump nhận xét: "Kinh tế đang giảm tốc và đi xuống. Điều này không phải là một cuộc suy thoái, tuy nhiên, nó sẽ xảy ra nếu Fed quá mạnh tay".
GDP Mỹ đã tăng trưởng ấn tượng với mức 6,9% trong quý IV/2021. Trong đó, chỉ số của tất cả hàng hoá, dịch vụ sản xuất tại Mỹ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, các chỉ số này đã suy giảm 3,4% vì đại dịch năm 2020, thời điểm chứng kiến cuộc suy thoái mạnh nhất nhưng ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nhưng con đường phía trước ít chắc chắn hơn. Phần lớn mức tăng trưởng cuối năm ngoái có được nhờ tái thiết hàng tồn kho với mức đóng góp 4,9 điểm phần trăm, tương đương 71% tổng số. Hàng tồn kho "gánh vác" gần như toàn bộ trong mức tăng GDP 2,3% của quý III.
Song song với đó, cuộc khảo sát ISM Manufacturing hôm 1/2 cho thấy tốc độ của các đơn đặt hàng mới cơ bản có dấu hiệu chậm lại dù vẫn tăng. Như vậy, nhìn chung, đây không phải là một công thức để kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững.
Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết, hàng tồn kho gần như đã trở lại đúng vị trí. "Sau đó, bạn gặp những trở ngại ngày càng tăng từ chính sách tài chính, tiền tệ. Vì vậy, tăng trưởng từ đầu năm nay sẽ rất hạn chế".
Các nhà kinh tế Phố Wall đã nhanh chóng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế. Goldman Sachs đã giảm triển vọng GDP quý I xuống 0,5% từ mức 2% trước đó. Ngân hàng này cũng giảm dự báo triển vọng cả năm xuống 3,2%, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm của mức hiện tại.
Nhà kinh tế Ronnie Walker của Goldman cho biết, tăng trưởng có thể sẽ chậm lại đột ngột vào 2022 khi gói hỗ trợ tài chính mất dần và trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sự lây lan của Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu dịch vụ và kéo dài gián đoạn chuỗi cung ứng.
"Tăng trưởng quý I có thể sẽ đặc biệt yếu vì lực cản tài khóa sẽ đi kèm với tác động từ Omicron", đại diện Goldman nói.
Tương tự, Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ quý I năm nay xuống 1% từ mức 4% trước đó. GDP cả năm cũng giảm từ 4% xuống 3,6%.
Ethan Harris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Bank of America đã đưa ra 4 lý do dẫn đến triển vọng kém lạc quan gồm: Omicron, việc giảm lượng hàng tồn kho, ít hỗ trợ tài chính và sự thắt chặt của Fed.
"Giờ đây, chúng tôi kỳ vọng một gói tài chính có quy mô bằng một nửa kế hoạch Build back better act - Xây dựng lại tốt hơn, với kích thích tài khoá ít hơn. Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 chỉ 15-20 điểm cơ bản, so với ước tính trước đó là 50", ông nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng rủi ro tăng trưởng âm trong quý I/2022 là đáng kể.
Giới phân tích cũng nhận xét Fed cần thận trọng để không đi quá xa trong cuộc chiến chống lạm phát vốn đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm.
"Họ có nguy cơ đi quá xa và làm quá mức", ông Mark Zandi nhận xét. Kỳ vọng của thị trường là 5 lần tăng lãi suất, lần thứ sáu đang được thảo luận. Điều này theo ông tạo cảm giác số lần tăng lãi suất đang nhiều hơn mức cần thiết 1-2 lần trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Đức Minh (Theo CNBC)