Tiếp nối 2 bài đầu về "Dự án Trung Quốc" ở Campuchia , mời độc giả tiếp tục đọc phần 3 của loạt bài này:
Lừa đảo tại Campuchia
Vào tháng 9/2021, chính quyền tỉnh Sihanoukville cam kết sẽ có biện pháp trừng phạt mạnh mẽ trước tình trạng các khách sạn và sòng bạc sử dụng lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, các công ty lừa đảo có mánh khóe rất tinh vi để khiến nạn nhân bị ràng buộc nợ - vốn là hành vi bất hợp pháp theo luật pháp Campuchia và là hình thức nô lệ phổ biến nhất thời hiện đại.
Mặc dù không được luật pháp quốc tế xác định, nhưng theo Liên Hợp Quốc, chế độ nô lệ hiện đại bao gồm buôn bán người, lao động cưỡng bức và bóc lột nạn nhân lún sâu vào nợ nần. Liên Hợp Quốc mô tả đây là "các trường hợp bóc lột mà một người không thể từ chối hoặc trốn thoát vì bị đe dọa, bị tấn công bằng bạo lực, bị ép buộc, bị lừa dối và/hoặc bị lạm dụng".
Thống đốc tỉnh Kouch Chamroeun đã chỉ ra vào tháng 12/2021 rằng người lao động nước ngoài phải chi hàng ngàn USD để đến Campuchia - số tiền này họ phải vay từ người sử dụng lao động.
Các nhà quan sát cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm vấn nạn buôn người và nô lệ trên không gian mạng. Khi Campuchia đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, lao động trở nên khan hiếm và các vụ lừa đảo ngày càng trở nên tàn nhẫn - theo Chen Baorong, một doanh nhân Trung Quốc tham gia giúp đỡ các nạn nhân trốn khỏi nhóm buôn người.
Chen nói: "Rất nhiều người bị đối xử như một món hàng. Sau khi đánh đập các nạn nhân, những kẻ bắt giữ đòi tiền chuộc từ gia đình họ và sau đó họ bị bán cho công ty tiếp theo".
Cái giá của sự tự do cũng đã tăng lên. Trước khi xảy ra đại dịch, những người thân của người bị bắt cóc phải trả trung bình 3.000 USD để chuộc nạn nhân về. Hiện tại, giá đã tăng lên ít nhất 10.000 USD.
Là một cư dân lâu năm ở Campuchia và là thành viên của đội tình nguyện Trung Quốc, ông Chen đã trở nên nổi tiếng trong cộng đồng những người bị mắc kẹt trong các hoạt động lừa đảo và đánh bạc trực tuyến.
Vỡ mộng "Dự án Trung Quốc" ở Campuchia: "Mật ngọt chết ruồi" khiến nạn nhân sa chân vào địa ngục
Chen cho biết ông đã giảm 10kg do căng thẳng kể từ khi tham gia vào nhóm tình nguyện hồi năm ngoái.
Ông nhận được tới hàng chục tin nhắn từ những người đồng hương bị lừa đảo hàng ngày và đã giúp giải thoát cho hơn 200 cá nhân đang làm việc trong điều kiện nô lệ thời hiện đại.
"Tôi thường hút hai bao thuốc mỗi ngày, kể cả buổi tối. Đến 1h sáng, tôi phải cố gắng đi ngủ. Nếu không ngủ được thì tôi uống thuốc", Chen nói.
"Tôi bị trầm cảm một thời gian sau khi biết những câu chuyện này. Tôi cảm thấy có gánh nặng trong lòng".
Những nạn nhân Trung Quốc mà ông giúp đỡ thường bị buôn sang Campuchia, qua đường bộ, vượt biên qua các quốc gia khác hoặc bằng đường biển, và không có giấy tờ hoặc bị bọn buôn người tịch thu hộ chiếu - ông nói.
Công dân các nước khác, bao gồm Philippines, Bangladesh và Uganda, cũng được cho là đã bị lừa làm việc cho các nhóm lừa đảo do Trung Quốc điều hành sau khi mất việc làm tại Campuchia do đại dịch.
Hầu hết đều bị mắc kẹt trong các khách sạn, sòng bạc và các khu phức hợp trên khắp đất nước.
(Phần sau: Hé lộ hình thức lừa đảo tình ái, hay còn gọi là "mổ lợn" do những người bị cưỡng ép lừa đảo thực hiện tại "Dự án Trung Quốc" ở Campuchia).
https://soha.vn/lua-dao-tan-nhan-trong-du-an-trung-quoc-o-campuchia-muon-tu-do-phai-tra-gia-dat-cat-co-20220131194611855.htm