“Khi ra biển lớn mình càng phải học” đó là đúc kết của doanh nhân Phan Minh Thông - ông chủ của doanh nghiệp lớn chuyên xuất nhập khẩu nông sản. Và anh nói về những cú lừa “kinh điển” mà anh từng trải qua, về tinh chế nông sản, những cuốn sách, thú sưu tập tranh và... phụ nữ.
Thưa anh, xin bắt đầu câu chuyện bằng cuốn sách mới xuất bản của anh: “Vượt lên, những con đường kinh doanh”. Doanh nhân nói về kinh doanh thì đúng rồi, nhưng trong sách của anh còn có phụ nữ và những câu chuyện, chiêm nghiệm vừa rất thơ, vừa cay đắng từ cuộc sống?
- Doanh nhân Phan Minh Thông: Tôi có vài người bạn là phụ nữ, đọc sách, họ nói rằng: “Mỗi cậu mới dám viết thẳng toẹt như vậy”. Viết về phụ nữ, quan điểm của tôi là nói ra để biết đàn ông cần phải nỗ lực như thế nào. Phụ nữ Việt Nam quá giỏi và họ phải làm quá nhiều.
Với tôi, viết phải dễ đọc. Và tôi tìm cách viết các cuộc hội thoại. Viết đơn giản, giản dị nhất có thể.
Giản dị cũng là một trong những quan điểm sống của tôi. Trong 20 năm qua, có những năm tôi rất thành công, kiếm rất nhiều tiền nhưng có những năm vô cùng vất vả bởi mình chủ quan, càng trẻ thì càng chủ quan. Khi làm ăn, mất tiền là xộc đến não ngay. Mình nên khiêm tốn và giản dị. Và tất cả câu chuyện này đều cần mình diễn đạt thật giản dị. Văn là người, khi người ta đọc văn của mình người ta sẽ hiểu mình như thế nào!
Có đợt 2 năm tôi không viết được gì dù những điều trong sách là những câu chuyện tôi được chứng kiến, là sự thật. Tôi nghĩ có sự thật thì người đọc mới thích, ngay cả những chiêm nghiệm cá nhân, niềm tin, sự lừa dối... Tôi nghĩ thế.
Tôi ấn tượng 1 câu anh từng nói: “Tranh hay là Louis Vuitton”. Nhiều người chọn hàng hiệu, xe đẹp, biệt thự sang; anh lại chọn chơi tranh - thú vui mà nhiều người có tiền họ không sẵn sàng đón nhận?
- Khi tôi rời Hải Phòng lên Hà Nội học, sau đó vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi luôn chiến đấu cho cái yêu thích cá nhân. Tôi không muốn làm với sự o ép, chỉ muốn tự do. Chơi tranh cũng như thế. Tôi bắt gặp 1 vẻ đẹp, rung động...
Tôi có 1 căn nhà, 1 mảng tường trống, sau đó khi mua bức tranh về treo, tôi cảm cái sinh khí, cảm xúc khác lạ vô cùng khi ngắm tranh. Tôi bắt đầu mua tranh, có tác giả mua hàng chục bức. Tranh là niềm đam mê lớn.
Nhiều người sẵn sàng mua một chiếc điện thoại xịn, siêu xe... nhưng với một bức tranh đẹp thì họ không sẵn sàng xa xỉ đến vậy. Tranh hay là Louis Vuitton, tôi chọn tranh.
Là ông chủ của doanh nghiệp về xuất nhập khẩu hồ tiêu và là một trong những doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê lớn nhất nước, để có được vị thế như hôm nay, hẳn sau hoa hồng là rất nhiều chông gai, nước mắt?
- Năm 2007, khi tôi mới khởi nghiệp chưa được bao lâu, một đơn hàng “trong mơ” trị giá hơn 3,25 triệu USD xuất hiện. 14 năm trước, đơn hàng này đúng là có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ.
Khách đặt hàng khi gặp tôi tại hội chợ ở Kohn (Đức), giới thiệu đến từ Bulgaria. Đơn hàng là 50 container hạt tiêu. “Ôi, sao lớn quá vậy!”, tôi sung sướng nghĩ.
Rời hội chợ, tôi về Việt Nam và bắt tay ngay vào khâu thu gom hàng cho đủ số lượng theo yêu cầu đối tác. “Giao ngay” là yêu cầu của họ. Giao ngay 50 container hồ tiêu không hề đơn giản! Tôi mặc cả giá, mặc cả số lượng giao 30 container... Khách nhấn nhá: “Cần số lượng lớn theo đơn hàng của Liên Hợp Quốc”... Sau 5 ngày, tôi gom được 37 container tiêu với giá 6.400 USD/tấn, “đối tác” kỳ kèo và chốt giá 6.300 USD/tấn.
Tôi yêu cầu thanh toán trước khi giao hàng vì đơn hàng quá lớn. “Đối tác” khẳng định chỉ thanh toán nhờ thu qua ngân hàng. Ngay cả khi chúng tôi yêu cầu thanh toán 10% họ cũng lần khần... Rồi hàng loạt yêu cầu khác phát sinh: Mua tiêu về Bulgaria nhưng thanh toán về Thổ Nhĩ Kỳ; đòi số vận đơn, chứng từ... Khách hàng hối thúc liên tục khiến tôi nghi ngờ.
Tôi họp khẩn và yêu cầu nhân viên không được tiết lộ số vận đơn cho khách. Chỉ hôm sau, chúng tôi có thông tin từ ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, “công ty” chúng tôi đang giao dịch không phải khách hàng của họ. 37 container tiêu đã nằm ở cảng Varna - Bulgaria. Chúng tôi lại phải làm đủ mọi cách để chuyển số hàng này ra khỏi cảng...
Tôi tự trấn an mình phải thật tỉnh táo. Tôi tìm đến hãng logistics rất lớn của Châu Âu khi đó là Damco. Samuel - Trưởng đại diện của Damco - yêu cầu tôi ủy quyền toàn bộ lô hàng để họ giải quyết. Tôi lại thêm 1 pha cân não. Trừ phần đặt cọc, hơn 2,9 triệu USD nằm ở lô hàng đó. Tôi quyết định trao niềm tin cho Damco.
Chỉ một ngày sau, chúng tôi nhận được bản chào giá. Sau năm ngày, tàu rời Varna đi Hamburg (Đức). Khi Damco làm thủ tục, Samuel thông báo bên mua cũ đi cùng luật sư, đưa chứng cứ đã chuyển 10% giá trị đơn hàng và muốn giữ hàng lại... Sau đó, nhờ sự khéo léo của Damco, hàng rời khỏi cảng. Trong khi tàu lênh đênh, chúng tôi phải tìm khách mới cho lô hàng này...
Trong kinh doanh, đặc biệt làm ngoại thương, nhiều cạm bẫy. Chúng tôi có “danh sách đen” các cảng biển có nguy cơ bị lừa cao. Chúng tôi tính toán kỹ và cơ bản thoát nạn.
Chỉ câu chuyện suýt mất mấy triệu USD này, tôi vẫn không thể hình dung nổi tại sao mình đi vào “hang cọp” và bên kia dàn xếp tài tình đến vậy. Nếu vụ đó tôi sập bẫy, kể cả lãnh sự, công an đều không giúp được gì.
Lần khác, khách nợ tiền lâu, tôi thức đêm triền miên vì “khách hàng” bên kia bán cầu. Tiếng Anh chưa giỏi, phải dùng Google mà dịch. Cứ căn giờ họ rảnh, tôi dịch tin và đòi nợ. Tôi nói lời mềm mại để khách đồng cảm với mình. Dần dần họ trả, mỗi hôm trả một ít, rồi trả hết. Có lẽ tôi cũng may mắn. Nói chung, làm ăn quốc tế cần hết sức cẩn thận.
Tôi muốn nói thêm rằng, muốn có kiến thức thì phải học và trả tiền. Khi ra biển lớn, mình càng phải học. Thực tế kinh doanh không ngọt ngào như cách mà mọi người nói chuyện.
Sau này, anh có nghĩ đến chuyện viết sách chuyên nghiệp không, hoặc đơn giản kể tiếp những câu chuyện, bài học trong kinh doanh?
- Tôi nghĩ mình rất may vì người ta thích những gì mình viết. Sau mỗi cuốn có sự trưởng thành hơn nhưng ngay lúc này, tôi không nghĩ rằng có thể viết hay hơn hiện tại.
Viết về chuyện kinh doanh mỗi năm mỗi khác và không ai có thể chủ quan được. Chủ quan là... “lên đường”! Chuyện kinh doanh luôn cuốn hút vì luôn dồn người ta vào chỗ phải biết đối phó... Với viết lách, tôi phải đầu tư nhiều hơn.
Xem thêm: odl.606899-tam-coun-av-iag-gnohc-ueihn-tar-al-gnoh-aoh-uas/et-hnik/nv.gnodoal