François-Henri Pinault (sinh năm 1962) là một doanh nhân người Pháp, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kering từ năm 2005. Dưới sự lãnh đạo của ông, tập đoàn bán lẻ PPR được chuyển đổi thành tập đoàn thời trang cao cấp Kering.
Nhắc đến cái tên Pinault, người ta hay nghĩ tới cha của ông, François Pinault, nhà sáng lập PPR. Ngay cả Salma Hayek - vợ của François-Henri, cũng mắc sai lầm đó trước buổi hẹn hò đầu tiên của họ vào năm 2006.
Mimma Viglezio - cựu giám đốc điều hành của Gucci, người có công mai mối cho đôi vợ chồng, kể lại: "Cô ấy từng thảng thốt và hỏi: 'Ý chị là gì? Tôi sẽ không hẹn hò với một ông già 70 tuổi nào đó đâu'. Ban đầu, Salma Hayek nghĩ rằng cô ấy sẽ đi hẹn hò với cha của François-Henri".
Từ chỗ chỉ được biết tới như "một trong ba người con của nhà sáng lập PPR", François-Henri từng bước định nghĩa lại tên gọi của chính mình khi được cha giao cho sứ mệnh cải tổ tập đoàn bán lẻ già nua. Năm 1999, hai ông lớn trong ngành là PPR của François Pinault và LVMH của Bernard Arnault tranh giành quyền kiểm soát thương hiệu Italy lẫy lừng - Gucci. Cha ông là người giành chiến thắng nhưng kéo theo đó là nợ nần chồng chất.
Bốn năm sau, khi một số thương hiệu xa xỉ mới của PPR rơi vào cảnh túng quẫn, François Pinault mời con trai đến ăn tối tại L'Ami Louis - một nhà hàng ở Paris nổi tiếng với món gà quay Rabelaisian. Trước đó, François-Henri từng kinh qua nhiều công việc từ lập trình viên máy tính, quân nhân đến nhân viên bán thiết bị dược ở châu Phi cho tập đoàn của cha. Suốt thời gian dài ấy, không ai thực sự biết ông là ai.
Tại bữa ăn tối hôm đó, cha ông thông báo với François-Henri rằng ông ấy đã từ chức và con trai sẽ tiếp quản PPR. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức khi hai người rời khỏi nhà hàng.
"Điều đó thật hài hước, có phần kịch tính và thậm chí siêu thực. Tôi biết đến một lúc nào đó mình sẽ tiếp quản PPR, nhưng không bao giờ nghĩ nó xảy ra nhanh như vậy. Tôi vẫn chỉ mới 40 tuổi, còn bố tôi 66 tuổi và đang rất sung sức, có đầy đủ dự định cho PPR. Với tôi, ông ấy là một người cha toàn năng. Tôi nghĩ đây cũng là quyết định rất khó cho ông", François-Henri chia sẻ với The New York Times lúc bấy giờ.
Thế rồi chỉ trong 10 năm, François-Henri đã định hình lại "đế chế hỗn độn" của cha mình. Tỷ phú Pháp ít khi xuất hiện trước truyền thông, ông chỉ chú tâm thực hiện công việc rút gọn kinh doanh và để thời gian cất lên câu trả lời cho mọi thắc mắc. The New York Times gọi cung cách làm việc lặng tiếng của ông là một sự "không phô trương".
Ở vị trí lãnh đạo, François-Henri nhìn ra mấu chốt vấn đề rằng PPR đang quá dựa dẫm vào thị trường châu Âu và tập hợp nhiều doanh nghiệp không thật sự liên quan với nhau. Tìm kiếm các phân khúc tăng trưởng cao, ông định hướng tập đoàn dồn lực hẳn cho ngành thời trang và xa xỉ phẩm. Để gọt giũa PPR, ông đã từ bỏ các doanh nghiệp kinh doanh gỗ và phân phối điện, bán phần lớn các mảng bán lẻ đã xuống dốc. Đến tháng 6/2013, ông đổi tên PPR thành Kering. Tên mới liên quan đến nguồn gốc từ tiếng dân tộc Breton của ông, "Ker" có nghĩa là "nhà" và nghe giống từ "chăm sóc" trong tiếng Anh (care).
Hiện tại, Kering đang là tập đoàn chủ quản của hàng loạt thương hiệu thời trang xa xỉ. Ngoài Gucci, danh mục của tập đoàn này còn có Yves Saint Laurent, Bottega Veneta, Balenciaga, Boucheron, Alexander McQueen, Stella McCartney... Kering cũng nhảy vào mảng đồ thể thao với việc mua lại Puma nhưng đã bán bớt cổ phần từ năm 2018 để dồn tổng lực cho Gucci và phân khúc thời trang cao cấp.
Giống các công ty trong ngành xa xỉ phẩm khác, Kering từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính những năm cuối thập niên 2000. Tuy nhiên, từ năm 2011, doanh thu của các thương hiệu cao cấp đã tăng 22%, lên khoảng 5 tỷ euro. Lợi nhuận tăng 34% lên 1,3 tỷ euro. Thomas Chauvet, nhà phân tích hàng xa xỉ tại Citigroup nhận xét: "François-Henri Pinault không phải được tặng một món đồ để chơi (mà là một doanh nghiệp). Ông ấy là người đã tái cơ cấu thành công cho tập đoàn".
Có thể gọi François-Henri Pinault là một nghệ nhân xuất chúng trong kinh doanh khi một tay gọt giũa Kering từ "đế chế hỗn độn" thành tập đoàn hàng đầu trong ngành thời trang với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Từ năm 2003 đến năm 2014, doanh số bán hàng của tập đoàn tuy giảm hơn một nửa (phần nhiều do thu hẹp hoạt động kinh doanh), nhưng lợi nhuận lại tăng 40%. Từ năm 2005 đến năm 2017, doanh thu từ xa xỉ phẩm của tập đoàn đã tăng từ 3 lên 10 tỷ euro. Trong 5 năm gần đây, giá cổ phiếu của Kering đã tăng 352%.
Kering ngày càng phát triển đưa giá trị tài sản ròng của François-Henri gần như tăng liên tục. Theo thống kê của Forbes tính đến tháng 4 năm ngoái, ông sở hữu 42,3 tỷ USD và là người đàn ông giàu thứ 32 trên thế giới. Ông được xem là tỷ phú giàu thứ nhì nước Pháp, chỉ sau Bernard Arnault.
François-Henri được đánh giá cao không chỉ vì lèo lái Kering đúng hướng mà còn ở cách làm việc khéo léo nhưng cương trực. Nhận xét về François-Henri, Tomas Maier - giám đốc sáng tạo của Bottega Veneta, cho biết: "Ông ấy luôn để cho những nhà sáng tạo rất nhiều quyền tự chủ - miễn là bạn mang lại kết quả".
Nhiều người đều đồng ý rằng, người đàn ông 60 tuổi này luôn tiếp nhận mọi ý tưởng mà không phán xét, không bình luận. Thay vào đó, ông thường đặt câu hỏi.
Phóng viên Joshua Levine của tờ The New York Times có dịp theo chân François-Henri và Paul Deneve - lúc bấy giờ đang là giám đốc điều hành Saint Laurent, đến khảo sát một cửa hàng mới tân trang tại Paris hồi năm 2013. Hedi Slimane - quản lý cấp cao về nghệ thuật đối với thương hiệu, đã thiết kế lại cửa hàng theo phong cách Deco - chuộng những đường thẳng, góc sắc nét, gương phản chiếu có vân đá cẩm thạch đen và trắng.
François-Henri quan sát một hồi, rồi lần lượt đặt câu hỏi: Sàn đá cẩm thạch cần được rửa bao nhiêu lần một ngày? Lớp hoàn thiện mờ của đá cẩm thạch có yêu cầu bảo dưỡng nhiều hơn so với lớp hoàn thiện sáng bóng không?...
Sau đó, ông ghé xem phòng thay đồ. Tại đây Slimane đã yêu cầu lắp những tấm gương từ trần đến sàn bao quanh và ánh đèn trắng sáng. François-Henri đưa ra câu hỏi: Liệu ánh sáng có quá gắt không? Chúng ta có nên nhờ một nghệ sĩ trang điểm hoặc một người có kinh nghiệm làm phim đến để đảm bảo rằng, ánh đèn lắp tại đây có làm cho khách hàng trông đẹp hơn không?... Cuối cùng, Deneve ngượng ngùng thừa nhận rằng: "Rõ ràng là chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm".
Thành công trong kinh doanh là thế nhưng thật sự, François-Henri chỉ được nhiều người ngoài ngành thời trang biết tới sau đám cưới với Salma Hayek - minh tinh Hollywood. The New York Times nhận xét, François-Henri rõ ràng là một người "phát cuồng" vì vợ mình. Đây là một cặp đôi bù trừ và cân bằng về tính cách khi chồng khá điềm tĩnh, vợ lại hơi phá cách. Hai người từng cắt đứt hôn ước vào năm 2008 nhưng đã quay lại với nhau vài tháng sau đó. Trước đó, François-Henri đinh ninh rằng không bao giờ có thể kết hôn với một người phụ nữ không phải người Pháp, nhưng ông đã vui như phát điên khi Hayek mang thai đứa con đầu lòng hồi năm 2009.
Với Hayek, François-Henri là người chồng rất tâm lý. Business Insider thuật lại chuyện, trước khi kết hôn, minh tinh Hollywood luôn đau đầu vì nếu muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp, bà phải xa chồng. Nhưng khi chia sẻ với François-Henri, bà như được giải toả khi nghe ông nói: "Em phải lao động. Chúng ta sẽ không chấp nhận một người phụ nữ lười biếng chỉ biết ngồi yên trong nhà. Phụ nữ như thế không phải là người mà anh đã chọn để kết hôn". Tỷ phú Pháp khẳng định rằng, ông không muốn bản thân hay người nào khác cản đường Salma Hayek phát triển sự nghiệp.
Gần đây, nữ diễn viên người Mexico tuyên bố sẽ tự độc lập về tài chính - tách bạch nguồn tiền với chồng. Người đàn ông 60 tuổi này ủng hộ hết mực và thủ thỉ rằng: "Đó là lý do tại sao anh muốn cưới em". Với bà, cuộc hôn nhân kéo dài hơn một thập kỷ phần nhiều nhờ vào người chồng luôn tôn trọng và thấu hiểu tâm lý vợ.
Tất Đạt