Việc giảm 2% thuế VAT trở thành khó khăn cho các trạm thu phí đường bộ khi khó đổi tiền lẻ dịp ngân hàng nghỉ Tết - Ảnh: HÀ QUÂN
Doanh nghiệp thu phí phải vào chùa đổi tiền lẻ
Liên quan đến việc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E) trả tiền dư cho xe qua trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bằng kẹo vì thiếu tiền lẻ mệnh giá 1.000 và 2.000, tối 4-2, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC cho biết chiều cùng ngày đã chấm dứt việc này, khi VEC-E đã có nguồn đổi tiền lẻ.
Với các tuyến cao tốc khác do VEC quản lý, khai thác, lãnh đạo VEC cho biết cũng rất bị động về tiền lẻ để trả lại cho khách hàng. Tuy nhiên, một phần do lưu lượng xe ít hơn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các đơn vị quản lý khai thác xoay xở đổi tiền lẻ từ nhiều nguồn, nên các trạm thu phí ở các tuyến cao tốc khác không trả tiền thừa bằng kẹo.
"Gấp quá, nên chúng tôi và các đơn vị thu phí khác đều bị động. Với xe nộp phí tự động (ETC) thì đơn vị cung cấp dịch vụ ETC điều chỉnh, giảm được ngay 2% thuế VAT trong từng giao dịch ngay từ giao thừa, tức 0h ngày 1-2. Nhưng số xe sử dụng ETC chỉ chiếm 50% xe đi qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Những ngày này, làn ETC rất thông thoáng còn làn thu phí tiền mặt lại đông xe, chúng tôi rất vất vả khi tìm tiền lẻ" - ông Phạm Văn Khôi - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - nhà đầu tư cao tốc BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết.
Ông Khôi nói là bị động vì ngày 28-1 Chính phủ ban hành nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, kể từ ngày 1-2 thuế suất VAT sẽ giảm từ 10% xuống còn 8%.
Tuy nhiên, nghị định ban hành ngày ngày 26 tháng chạp và có hiệu lực từ thời khắc giao thừa, trúng dịp ngân hàng nghỉ Tết nên các doanh nghiệp thu phí đường bộ không đổi được tiền lẻ từ ngân hàng.
Theo ông Khôi, ngoài lý do trên, hiện nay Nhà nước in tiền mệnh giá 1.000 - 2.000 - 5.000 - 10.000 đồng rất ít nên tình trạng hiếm tiền lẻ là khó khăn chung cho tất cả đơn vị thu phí.
"Chúng tôi xoay xở mọi cách, thậm chí đến các đền, chùa đổi tiền lẻ và còn mất phí đổi" - ông Khôi cho biết.
Không kiếm ra tiền mệnh giá 2.000 đồng để trả cho tài xế
Theo ông Trần Anh Tú - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI, nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc thu phí theo mức thuế VAT với xe sử dụng ETC không khó khăn vì điều chỉnh trong hệ thống thu phí dễ dàng.
Tuy nhiên, để có tiền lẻ trả lại cho xe trả tiền mặt, VIDIFI đã xoay xở mọi cách khi chưa đổi được tiền lẻ từ ngân hàng, thậm chí giao cho nhân viên trước khi vào ca làm việc phải tìm cách đổi tiền lẻ từ mọi nguồn có thể. Dù vậy, có những thời điểm vẫn không đủ tiền 1.000-2.000 đồng trả cho tài xế.
"Nhiều tài xế thông cảm, không lấy tiền giảm thuế VAT 1.000-2.000 đồng nhưng với những tài xế lấy tiền này mà trạm thu phí không có tiền thì chúng tôi sẽ ghi lại số điện thoại, tài khoản, biển số xe để chuyển khoản cho tài xế" - ông Tú cho biết thêm.
Dù vất vả nhưng ông Tú cho biết do đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng in vé trực tiếp cho từng giao dịch trả phí tiền mặt nên không phải mất công điều chỉnh mệnh giá với vé đã in sẵn như những trạm thu phí lượt.
Từ thực tế thu phí, ông Phạm Văn Khôi cho biết: với những đơn vị, dịch vụ có doanh thu lớn trong một giao dịch thì giảm 2% thuế VAT không khó khăn trong việc hoàn tiền lẻ. Nhưng với dịch vụ thu phí đường bộ, mỗi ngày có hàng chục ngàn giao dịch và phần lớn là giao dịch có giá trị thấp, trả tiền mặt thì rất bị động.
"Chúng tôi thu phí theo nhiều chặng. Nhưng với chặng từ Thường Tín đến Hà Nội mức phí 10.000 đồng mà giảm 2% thuế VAT là giảm 200 đồng thì rất khó kiếm tiền mệnh giá 200 đồng trả lại cho chủ xe. Do không có tiền 200 đồng nên phải trả cho tài xế 1.000 đồng, thành ra giảm 10% thuế VAT chứ không phải 2% theo quy định của Nhà nước.
Nghị định ra mà không đi sát thực thế, chưa vào các ngõ ngách của cuộc sống thì rất khó khăn trong thực hiện. Nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng thực hiện, không làm lại vi phạm, làm thì rất vất vả" - ông Khôi cho biết.
TTO - Từ sáng mùng 4 Tết, dòng người ùn ùn từ các tỉnh miền Trung hướng ra Hà Nội và vào TP.HCM, cùng với việc mất nhiều thời gian đổi tiền lẻ tại các trạm thu phí BOT đã gây nên tình trạng ùn ứ cục bộ.
Xem thêm: mth.64241801240202202-oek-gnab-ud-neit-art-hnac-noc-gnohk-el-neit-coud-iod-ihp-uht-mart/nv.ertiout