Công ty Cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội (mã chứng khoán HEM - UPCOM) là công ty con do CTCP Thiết bị điện Gelex (mã chứng khoán GEX) sở hữu 76,7% vốn.
CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (mã chứng khoán HEM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021.
Ảm đạm kết quả kinh doanh
Theo đó, quý IV/2021 HEM đạt doanh thu hợp nhất 168,5 tỉ đồng, giảm 3% so với quý IV/2020. Doanh thu hoạt động tài chính quý IV/2021 là 2 tỉ, giảm 77% so với quý IV/2020. Phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết là 2,2 tỉ đồng, tăng nhẹ so với 1,9 tỉ đồng của quý IV/2020. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 của HEM là âm 4 tỉ, tăng 16% so với số lỗ của cùng kỳ 2020.
Lũy kế cả năm 2021, HEM đạt doanh thu hợp nhất 446,4 tỉ đồng, giảm 19% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2021 vỏn vẹn 618,7 triệu đồng, giảm 94,2% so với năm 2020.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 là 35 tỉ, giảm 85,7% so với con số 245 tỉ của năm ngoái. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư năm 2021 âm 103,3 tỉ (cùng kỳ là dương 34,5 tỉ đồng), chủ yếu là do khoản 99 tỉ chi cho vay mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính năm 2021 là âm 12,3 tỉ đồng, Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là âm 80,6 tỉ, trong khi năm ngoái dương 27,4 tỉ đồng.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán, HEM cho biết nguyên nhân chủ yếu lợi nhuận giảm là do ảnh hưởng của đại dịch COVID đến hoạt động kinh doanh của các công ty con. Đặc biệt hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn và cho thuê văn phòng của công ty TNHH SAS-STAMAD (công ty liên kết của HEM) bị suy giảm nghiêm trọng.
Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh
Tại ngày 31.12.2021, Tiền và tương đương tiền của HEM chỉ còn 20,5 tỉ, giảm 80% so với đầu năm. Trong khi ấy, Đầu tư tài chính ngắn hạn tại 31.12.2021 tăng gấp 2,5 lần đầu năm lên 71,9 tỉ đồng, trong đó chứng khoán kinh doanh là 27,7 tỉ và Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 44,2 tỉ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn tại ngày 31.12.2021 là 236,2 tỉ đồng; tăng 63% so với đầu năm, trong đó xuất hiện khoản Phải thu về cho vay ngắn hạn 55 tỉ, Phải thu ngắn hạn khách hàng là 306,9 tỉ đồng, tăng 10% so với đầu năm, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 148,3 tỉ, xấp xỉ đầu năm.
Phần thuyết minh báo cáo tài chính có nói đến khoản nợ xấu CTCP kim loại màu Ngọc Sơn 106,3 tỉ, CTCP xuất nhập khẩu Hà Việt 15,8 tỉ; Công ty TNHH vật liệu điện Thiên Phong 14 tỉ.
Hàng tồn kho 164,5 tỉ, xấp xỉ đầu năm, đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên doanh liên kết 262,4 tỉ đồng, giảm 6,2 tỉ so với đầu năm. Nợ phải trả cuối năm là 229,5 tỉ, tăng 11,9% so với đầu năm.
Cơ cấu nợ của HEM chủ yếu là nợ ngắn hạn (nợ dài hạn chỉ hơn 1 tỉ đồng), nợ ngắn hạn 228 tỉ, tăng 11% so với đầu năm. Tại ngày 31.12.2021, vốn chủ sở hữu đạt 618,6 tỉ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 206,6 tỉ, quỹ đầu tư phát triển 7,9 tỉ.
Trước đó, HEM công bố nghị quyết HĐQT ngày 14.1.2021 về việc thông qua giao dịch với bên liên quan. Theo đó, HĐQT HEM thông qua việc ký kết hợp đồng/giao dịch với các bên liên quan như CTCP tập đoàn GELEX, CTCP Thiết bị điện GELEX, công ty TNHH Điện cơ Hà Nội, Công ty TNHH SAS-CTAMAD, CTCP Dây cáp điện Việt Nam, Công ty TNHH Cadivi miền Bắc… để mua bán hàng hóa, dịch vụ, giao dịch vay/cho vay/bảo lãnh… HĐQT HEM cũng thông qua giao dịch với CTCP Hạ tầng GELEX với nội dung mua bán chứng khoán, trái phiếu.
Xem thêm: odl.0991001-49-noh-maig-meh-ueihp-oc-ion-ah-oc-neid-oat-ehc-auc-euht-uas-ial/et-hnik/nv.gnodoal