Sau tuần biến động lớn về giá, các nhà đầu tư đang xem xét lại cách tiếp cận của mình với cổ phiếu công nghệ. Họ sàng lọc kỹ hơn những cái tên chiến thắng và thua cuộc để tìm ra công ty có thể phát triển mạnh trong năm nay.
Wall Street Journal dẫn nhận định một số nhà đầu tư cho rằng, đã qua rồi cái thời cổ phiếu vừa tăng giá vừa đồng thời thu hút đám đông người hâm mộ. Một số công ty đã trở thành nạn nhân của việc lãi suất tăng, thị hiếu tiêu dùng thay đổi và định giá quá cao. Những công ty không đạt được kỳ vọng cao của nhà đầu tư đã phải trả giá đắt trên thị trường.
Trong ba năm qua, cổ phiếu của các đại gia công nghệ như Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet - công ty mẹ của Google, đồng loạt có mức tăng lớn. Nhưng từ đầu năm, cả 5 mã này đều giảm.
Chỉ số NYSE FANG +, theo dõi 5 cổ phiếu này cùng một số mã khác, đã giảm 10% năm nay, tệ hơn so với thị trường chung. Một số cổ phiếu trong nhóm này, như Netflix và Meta, giảm ít nhất 38% so với đỉnh gần nhất. Ngược lại, S&P 500 chỉ giảm 6,2%.
"Nhóm cổ phiếu này đã rất mạnh trong hơn 10 năm qua. Nhưng thời điểm này bắt đầu xuất hiện rạn nứt", Amy Kong - Giám đốc đầu tư của Barrett Asset Management, bình luận.
Một trong những nguyên nhân gây lao dốc lớn nhất chính là báo cáo tài chính đáng thất vọng của Meta. Các nhà đầu tư lập tức phản ứng, khiến giá trị thị trường của gã khổng lồ mạng xã hội này giảm hơn 230 tỷ USD - kỷ lục với một công ty Mỹ trong một phiên.
Kong cũng nắm giữ cổ phiếu Meta và những gã khổng lồ công nghệ khác. Bà đang chờ cơ hội bán bớt cổ phiếu Meta. Tuy nhiên, Kong vẫn lạc quan về các hãng công nghệ lớn khác, nhờ số liệu tài chính ổn định.
Thay vì mức tăng trưởng khủng được ghi nhận trong những năm trước, một số CEO công nghệ đang cảnh báo về tương lai giảm tốc. Meta thừa nhận mọi người đang dành ít thời gian hơn cho các dịch vụ sinh lợi hàng đầu của họ, nên dự kiến tăng trưởng doanh thu chậm lại. Hôm 20/1, Giám đốc điều hành Netflix cho biết số thuê bao mới trong quý này sẽ thấp hơn dự kiến.
Cổ phiếu Netflix giảm 22% trong phiên 21/1 - mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2012. Đà sụt giảm gần đây trái ngược với mức tăng lớn của công ty này trong năm đầu tiên đại dịch. Tương tự như Facebook, họ từng hưởng lợi khi mọi người ở nhà nhiều do giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, mùa báo cáo tài chính với triển vọng lợi nhuận kém khả quan không phải là lý do duy nhất đẩy giá cổ phiếu công nghệ đi xuống. Lĩnh vực này vốn đã quay cuồng từ đầu năm nay, khi nhiều nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và cân nhắc lại danh mục để rót tiền vào những kênh có tiềm năng khởi sắc khác.
Điều đó đã đẩy lợi suất trái phiếu lên mức cao nhất kể từ năm 2019, khiến các nhà đầu tư rời bỏ lĩnh vực công nghệ. Lợi suất cao hơn có thể làm giảm sức hấp dẫn của những cổ phiếu này, do chúng hạ thấp lợi nhuận tương lai của các nhà đầu tư.
Trong những ngày tới, nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo của các công ty công nghệ như Twitter và Uber để xem có dấu hiệu tăng trưởng chậm hay không. "Bạn bắt đầu thấy rằng động lực của nhóm cổ phiếu công nghệ đang giảm", bà Kong nói.
Từ đầu năm, cổ phiếu Netflix và Facebook đã mất giá khoảng 30%. Cổ phiếu Amazon vẫn giảm 5,4% dù đã tăng mạnh phiên cuối tuần trước. Apple và Alphabet lần lượt mất 2,9% và 1,1%. Tuy nhiên, trong tuần qua, cổ phiếu một số công ty công nghệ lớn đã phục hồi. Chỉ số NYSE FANG + tăng thêm 3,1% và Nasdaq Composite diễn biến tốt hơn chỉ số S&P 500.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư cá nhân đang chuyển hướng. Theo nghiên cứu của Vanda, Tesla, Advanced Micro Devices và Nvidia gần đây đã ghi nhận dòng vốn ròng từ các nhà đầu tư cá nhân lớn nhất so với bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 9/2020. Các nhà đầu tư ưu ái bộ ba này hơn các cổ phiếu như Facebook, Amazon, Microsoft và Alphabet.
Daniel Morgan, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Synovus Trust cho rằng đã qua rồi thời cứ ném tiền vào cổ phiếu công nghệ và ngồi xem nó tăng giá. Tâm lý giờ đã thay đổi đáng kể so với thời chỉ cần mua FAANG (Facebook, Amazon, Apple, Netflix, và Alphabet) là được. "Một nửa số cổ phiếu trong nhóm FAANG không hoạt động tốt lắm", ông nói.
Những người chuộng FAANG cũng đã điều chỉnh. Họ thêm cổ phiếu Microsoft vào danh mục cùng với Meta, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet. Theo họ, việc nắm giữ tất cả sáu mã này sẽ giảm bớt một số tổn thất phần nào. Dow Jones Market Data cho biết danh mục gồm các mã nhóm FAANG theo tỷ trọng vốn hóa toàn thị trường chỉ chịu mức giảm 8,1%, thấp hơn so với 10% của Nasdaq Composite năm nay.
Cách này gần đây thực sự giúp hạn chế tổn thất. Báo cáo lợi nhuận lạc quan của Amazon hôm 3/2 giúp mã này tăng 14% phiên hôm sau, gần như bù đắp được sự sụt giảm của Facebook một ngày trước đó.
Phiên An (theo WSJ)