Vì thế cũng chẳng nói quá khi cho rằng kẹt xe, chứ không phải nhiễm COVID-19, là nỗi ám ảnh của nhiều người trong những ngày xuân.
Có thể tình hình kẹt xe thêm nghiêm trọng do người dân sau nhiều ngày "tù túng" vì COVID-19 đã tranh thủ "xả trại". Nhưng nạn rùa bò trên quốc lộ, đường cao tốc cho thấy nút nghẽn đã trở thành căn bệnh mãn tính cản trở việc làm ăn.
Thời gian thực hiện hành trình của mọi người, của những xe vận chuyển hàng hóa dài ra, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến túi tiền của nhiều người, doanh nghiệp.
Chúng ta kỳ vọng tăng quy mô nền kinh tế với mức tăng trưởng trên 6%/năm thì không thể mãi dựa vào quốc lộ chật hẹp, những nút thắt cổ chai ngày càng nhiều trước đường ra - vào các tuyến cao tốc, trước các đô thị lớn, các cảng và khu công nghiệp.
Lẽ ra phải có sự đột phá mở mang hạ tầng, trước khi đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế lớn lao hơn. Chúng ta thấy trước điều đó nhưng thời gian qua việc triển khai lại chưa tương xứng. Tốc độ mở đường chậm hơn tăng quy mô của nền kinh tế và chúng ta đang phải trả giá.
Chỉ riêng với ngành du lịch, kẹt xe, đi chậm cũng làm ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống hạ tầng du lịch biển với hàng trăm resort, khách sạn đẹp, vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng là điểm đến ưa thích của người dân TP.HCM như ở Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... sẽ tăng công suất khai thác nếu đi lại thuận lợi.
Đi đây đi đó là thói quen của nhiều gia đình trung lưu tại TP.HCM. Đi lại khó khăn, số người muốn xách vali cuối tuần đi xa khỏi thành phố sẽ giảm đi. Du khách nước ngoài bay đến TP.HCM rồi lại "rùa bò" để chịu thêm chút mệt mỏi trên quốc lộ mới được đến với biển.
Hiện từ TP.HCM đi Phan Thiết - nơi có nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng - khoảng 200km nhưng mất khoảng 5 giờ đi xe. Người dân TP.HCM ai cũng muốn có những ngày mát mẻ ở Đà Lạt nhưng đi về bằng xe cũng mất 2 ngày.
Không chỉ du lịch, thử tưởng tượng, sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 nhưng đoạn cao tốc Long Thành - TP.HCM vẫn chỉ có 4 làn xe cho cả chiều đi và về, không khéo, lúc đó đoạn cao tốc này như đường Trường Sơn dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hiện nay.
Chúng ta không thế "nhốt" sân bay tỉ đô này vào tuyến cao tốc và quốc lộ đã chật hẹp. Phải sớm mở rộng đoạn cao tốc này bên cạnh hoàn thành tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành để mở đường đi về miền Tây.
Tương tự, cũng không thể chất hàng hóa của cả khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên các tuyến quốc lộ chật hẹp để đến cảng. Tỉnh nào cũng kêu gọi đầu tư, thêm nhiều nhà máy, nhưng đường sá để hàng hóa lưu thông vẫn như năm xưa, thật là khó cho doanh nghiệp.
Tăng tốc mở đường, nối tuyến, đi lại thuận tiện, ai cũng được lợi. Vì thế, người dân, doanh nghiệp đang mong chờ những thông tin rộn ràng từ các công trường thi công tuyến cao tốc, sân bay mới về đích đúng, vượt tiến độ, thay vì những tin tức vướng mắc, đình trệ, chậm tiến độ.
Không được lặp lại bài học của tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhiều năm trước hay dở dang như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Mở đường là thêm tài lộc. Chậm mở đường là lãng phí cơ hội.
TTO - Tối 6-2, giao thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã thông thoáng trở lại, còn quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vẫn tiếp tục ùn ứ kéo dài.
Xem thêm: mth.23840818080202202-col-iat-meht-gnat-gnoud-om/nv.ertiout