Giờ học môn lịch sử của học sinh lớp 9/1 Trường THCS Chu Văn An (quận 1, TP.HCM) sáng 7-2 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Bên cạnh đó, nhiều trường THCS, THPT ở TP.HCM đã lên kế hoạch tổ chức bán trú, tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong khuôn viên nhà trường...
Nhu cầu bức thiết
TS Nguyễn Minh - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - cho biết: "Đặc thù của trường chúng tôi có hai cơ sở, hai cấp học THCS, THPT và gần 3.000 học sinh có nhu cầu học bán trú. Vì vậy, các điều kiện tổ chức thực hiện phải chuẩn bị thật kỹ để ngày 28-2 các lớp từ khối 6 đến khối 12 sẽ học bán trú tất cả các ngày học trong tuần. Các chương trình nhà trường cũng sẽ được thực hiện như năm học trước.
Trong đó học sinh sẽ có thêm hai tiết giáo dục thể chất tự chọn (trong số các môn bóng đá, bóng rổ, võ nhạc teakwondo, aerobic...), hai tiết kỹ năng sống Arkki, các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ năng khiếu cũng sẽ hoạt động lại... Trước mắt vẫn chỉ có một số lớp học trái buổi mới ăn, ngủ bán trú tại trường".
Tương tự, ông Đỗ Đình Đảo - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) - thông tin: "Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn trường sẽ tổ chức bán trú ngay trong tuần đầu tiên học sinh đi học sau Tết. Tuy nhiên, chúng tôi muốn có sự chuẩn bị kỹ càng theo đúng yêu cầu phòng chống dịch bệnh và nhận được sự đồng thuận cao trong phụ huynh mới thực hiện.
Dự kiến ngày 13-2 trường sẽ tổ chức họp phụ huynh các lớp, thông báo về các phương án phòng chống dịch khi tổ chức cho học sinh ăn, ngủ tại trường, đồng thời xin ý kiến phụ huynh về các chương trình buổi thứ 2. Nếu phụ huynh đồng ý thì trường mới tổ chức bán trú và dạy học 2 buổi/ngày từ ngày 14-2".
Ông Lưu Hồng Uyên - trưởng Phòng GD-ĐT quận 6 - chia sẻ: "Các trường trung học ở quận 6 đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện theo tiêu chí của ngành y tế để ngày 14-2 dạy học 2 buổi/ngày có bán trú. Về mức thu khi thực hiện bán trú, các trường sẽ thỏa thuận với phụ huynh trên cơ sở mức thu của năm học trước".
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, đa số các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM đều đang nỗ lực chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân sự... để tổ chức bán trú, đáp ứng yêu cầu của phụ huynh muốn gửi con cả ngày ở trường. Mặt khác, nhiều hiệu trưởng cũng nhận thấy cần phải tăng cường cho học sinh hoạt động thể lực, phát triển năng khiếu... thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm... Do đó, ngay từ ngày 7-2 nhiều trường đã cho khởi động lại các hoạt động năng khiếu trong khuôn viên nhà trường.
Thiếu bảo mẫu, cấp dưỡng
"Nhiều phụ huynh thắc mắc với tôi là Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chủ trương, vậy tại sao trường không mở lớp bán trú ngay từ ngày 7-2 khi học sinh đi học lại? Tôi hiểu những vất vả của cha mẹ học sinh khi phải đưa đón con vào buổi trưa, nhưng để tổ chức cho học sinh ăn, ngủ tại trường trong thời kỳ dịch bệnh không phải chuyện đơn giản. Nhất là số học sinh có nhu cầu học bán trú ở trường tôi đến hơn 1.000 em" - hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM bộc bạch.
Vị hiệu trưởng cũng nói thêm: "Muốn tổ chức bán trú bắt buộc phải có đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu. Trong khi đó, gần một năm qua trường không hoạt động, họ là nhân viên hợp đồng nên không có lương. Rất nhiều người đã nghỉ việc và có công việc khác. Bây giờ trường tuyển nhân sự rất khó khăn vì mức lương trả cho cấp dưỡng, bảo mẫu không cao, không thu hút người lao động.
Nhưng trường có muốn trả lương cao cho họ cũng không thể vì lương của cấp dưỡng, bảo mẫu được trích ra từ nguồn thu phí bán trú của phụ huynh. Trước mắt, chúng tôi đang động viên các giáo viên bộ môn đăng ký làm công tác bán trú, quản lý giờ ăn, giờ ngủ của học sinh chứ tuyển người mới rất khó".
Không những thế, nhiều hiệu trưởng trường THCS còn đang sốt ruột vì UBND các quận, huyện chưa quy định khung mức thu của hoạt động bán trú.
"Các cấp quản lý cứ nói là tổ chức bán trú đi nhưng khung mức thu chưa có, trường không có kinh phí làm sao tổ chức? Từ đầu năm học đến nay, chúng tôi chưa được thu một khoản nào của phụ huynh, ngoại trừ khoản bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn học sinh. Trên thực tế, trường phải có kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú, thực phẩm..." - hiệu trưởng một trường THCS ở quận trung tâm TP.HCM kể.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy để kịp thời tổ chức bán trú vào ngày 14-2, làm dịu đi những bức xúc của phụ huynh khi phải đưa đón con vào buổi trưa, nhiều trường đã chấp nhận thiếu nợ các nhà cung cấp vật dụng phục vụ bán trú.
Một hiệu trưởng trường THCS ở vùng ven TP.HCM cho hay: "Trường chúng tôi đã nhập kho nệm, gối, chén, đĩa... để khử khuẩn, tuần sau sẽ đưa vào cho học sinh sử dụng. Vậy nhưng trường chưa được thu phí bán trú của phụ huynh nên chưa có tiền trả đối tác. Kể cả thực phẩm phục vụ cho bữa trưa, bữa xế dự kiến cũng sẽ phải thiếu nợ thời gian đầu".
Sức ép từ hai phía
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng trường THCS, THPT ở TP.HCM bày tỏ rằng họ đang chịu sức ép từ hai phía. Một bên là phụ huynh liên tục chất vấn tại sao không mở lớp bán trú. Một bên là những quy định về phòng chống dịch mà nếu thực hiện thì các nhà trường công lập không thể thực hiện bán trú.
"Trường chúng tôi có gần 2.000 học sinh đăng ký học bán trú. Nếu giờ ăn, giờ ngủ mà thực hiện giãn cách giữa các học sinh là 1m thì diện tích các phòng ngủ, diện tích các sảnh, phòng đa năng... không đáp ứng được quy định đó" - hiệu trưởng một trường trung học nói.
Học sinh "bị kẹt" ở quê, quay lại TP.HCM học làm thủ tục ra sao?
Ngày 7-2, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết trước đây sở đã có văn bản hướng dẫn để học sinh bị kẹt ở quê do dịch COVID-19 rút hồ sơ về học tập ở tỉnh.
"Nay các trường ở TP.HCM đi học trực tiếp trở lại, các em đã rút học bạ chỉ cần mang học bạ kèm giấy chứng nhận kết quả học tập của học kỳ 1 nộp cho trường tại TP.HCM. Các trường sẽ tiếp nhận lại bình thường.
Với học sinh lớp 1, học một học kỳ ở tỉnh, không đăng ký trường tiểu học ở thành phố, quay về để học kỳ 2 thì phải có giấy gọi đi học của địa phương. Phụ huynh liên hệ với trường và phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ bản là trường nhưng phải thông qua phòng để nắm danh sách. Vì danh sách học sinh lớp 1 các trường đã chốt với phòng".
Ngoài ra, có một số học sinh mầm non về quê phòng tránh dịch, phụ huynh các em lo việc học đứt quãng, các em có được phân tuyến trường tiểu học theo trường mầm non đã học?
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn: "Theo quy định, phân tuyến, phân lớp 1 đầu cấp theo thường trú hoặc tạm trú tính theo năm. Thường trú thì rõ ràng rồi. Còn tạm trú thì cha mẹ phải chứng minh được tạm trú trước một năm hoặc thời gian cụ thể khác theo yêu cầu. Tháng 6 hằng năm, các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ rà soát học sinh trên địa bàn. Nếu ở tỉnh không nhập học được thì phải báo nhà trường hoặc phòng GD-ĐT để có chỉ tiêu tiếp nhận. Tùy trường hợp cụ thể sẽ có hướng giải quyết".
THẢO THƯƠNG
TTO - Sáng nay 7-2, hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở TP.HCM đã phấn khởi trở lại trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Xem thêm: mth.71942010180202202-aohk-iaogn-urt-nab-coh-ohc-ib-nauhc-gnourt-ial-ort-mchpt-hnis-coh/nv.ertiout