Những năm qua, lực lượng lao động thời vụ gần 500 người đã góp phần không nhỏ tạo nên hiệu quả cho công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải - Ảnh: Q.NAM
Người dân có việc làm
Nhiều năm qua, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải luôn được giao quản lý và khai thác trên 8.600 hecta rừng. Trong đó, ngoài 2.500 hecta rừng tự nhiên được giao bảo vệ thì còn lại hơn 6.000 hecta rừng trồng. "Đây là một con số rất lớn so với số nhân lực chỉ hơn 120 người thuộc biên chế trong công ty, nên mỗi năm công ty sử dụng thêm từ 400 - 500 lao động thời vụ từ các địa phương lân cận", ông Hoàng Ngọc Thành, chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết.
Thôn Trầm Kỳ, xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) là nơi có nhiều lao động thời vụ đang làm việc cho công ty lâm nghiệp Bến Hải nhất với hơn 150 người. Thôn này dù thuộc địa phận Quảng Bình nhưng chỉ nằm cách trụ sở công ty vài cây số. Người dân trong thôn nói rằng "những năm trước đây, cuộc sống của người dân trong thôn vô cùng khó khăn khi không có nghề nghiệp, cuộc sống chỉ bấu víu vào vài ba sào ruộng cạn qua ngày. Rồi sau đó cả làng theo nhau vào nhận khoán việc thời vụ tại công ty lâm nghiệp Bến Hải. Đến nay, hầu hết các gia đình trong thôn đã có của ăn của để, bộ mặt làng quê đã thay đổi từng ngày".
ông Hoàng Văn Tá là một trong những người đầu tiên bén duyên với công ty Lâm nghiệp Bến Hải tại thôn Trầm Kỳ. Ông Tá năm nay 60 tuổi, nhưng đã hơn 30 năm ông làm việc với công ty Lâm nghiệp Bến Hải theo dạng thời vụ. Ông vốn là công nhân, nhưng sau khi nghỉ trước tuổi thì ông về lại quê. Được một thời gian cuộc sống gia đình ông rời vào bế tắc vì thiếu việc làm. Rồi ông được công ty Lâm nghiệp Bến Hải tạo điều kiện cho nhận khoán cây thông, về tự khai thác theo diện thời vụ rồi nộp sản lượng khoán cho công ty.
Người lao động thời vụ tại công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bến Hải còn tham gia vào công việc ươm cây giống lâm nghiệp trong công ty - Ảnh: Q.NAM
Nhờ siêng năng cần cù, hai vợ chồng nhận hàng ngàn gốc thông về khai thác chăm sóc. Không ai ngờ đó lại là công việc gắn bó và thay đổi luôn cuộc sống của gia đình này đến 30 năm nay. "Hiện hai vợ chồng tôi đang nhận khoán 2.000 cây thông của công ty. Hai trong ba đứa con tôi đi học đại học cũng bằng công việc thời vụ này. Hiện mỗi đứa cũng nhận khoán 2000 cây thông như vợ chồng tôi để tự khai thác", ông Tá phấn khởi kể.
Trách nhiệm với cộng đồng
Có một điều đặc biệt là trong số gần 500 lao động thời vụ hiện tại tại công ty lâm nghiệp Bến Hải thì toàn bộ đều là người tại Vĩnh Linh và một số địa phương lân cận như Gio Linh, Cam Lộ và huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Những người này sẽ hỗ trợ công ty trong việc trồng rừng, ươm giống cây, chăm sóc và khai thác rừng.
Theo ông Thành, đây không phải là chuyện tự nhiên mà xuất phát từ chủ trương từ đầu của công ty, và tuy gọi là lao động thời vụ nhưng công việc lại không phải "thời vụ" mà đều đặn từ đầu đến cuối năm. "Chúng tôi hoàn toàn có thể ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp lao động ở các nơi khác như Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng chúng tôi quyết định sẽ chỉ nhận lao động tại địa phương. Vì ngoài việc phát triển công ty thì chúng tôi tự thấy phải có trách nhiệm phải hỗ trợ giúp đỡ những người dân tại địa phương có sinh kế để ổn định cuộc sống. Đó chính là trách nhiệm với cộng đồng", ông Thành chia sẻ.
TTO - Chiều 6-2, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ phát động Tết trồng cây năm 2022 tại Trung đoàn 916 (Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - không quân).