Dầu năm 2021, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã mở ra những định hướng mới, quan trọng, xác định các mục tiêu trung hạn, dài hạn cho từng giai đoạn. Một không khí tự tin lan tỏa khắp nước, trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Chính phủ, Quốc hội làm ngày làm đêm
Cụ thể, Đại hội XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tuy đó là những mục tiêu phấn đấu rất cao nhưng chúng ta tin tưởng rằng có thể đạt được vì người Việt Nam với những đức tính siêng năng, cần cù, sáng tạo và giàu ý chí, dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn sẵn sàng làm nên những kỳ tích.
Phải nói rằng làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã tác động toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội khiến những thách thức đối với các mục tiêu phát triển lại lớn hơn. Nhưng điều đó cũng khiến Quốc hội (QH), Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư thể hiện được bản lĩnh, tinh thần đoàn kết vì nhân dân, vì đất nước trong việc kiến tạo, xác lập các chính sách để đất nước vượt qua khó khăn.
Có thể nói, như nhiều đại biểu QH và thành viên Chính phủ đã khẳng định: Chính phủ và QH đã làm ngày làm đêm, không còn những khung giờ hành chính mà đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, khi nào các vấn đề được giải quyết thì lúc ấy mới hết giờ làm việc. Nếu Thủ tướng, Chính phủ làm việc đến đêm khuya thì Chủ tịch QH và các ủy ban của QH cũng sẵn sàng thức cùng Chính phủ để giải quyết ngay những yêu cầu, đề xuất của Chính phủ. Nhiều cuộc họp của các ủy ban diễn ra tới 22 giờ, Chủ tịch QH và lãnh đạo QH vẫn sẵn sàng ở lại chỉ đạo cho đến khi xong việc. Mục tiêu cuối cùng là hết sức tạo điều kiện cho cơ quan chấp hành của QH là Chính phủ có đủ cơ sở pháp lý để lo cho người dân, lo cho doanh nghiệp, đất nước.
Một cách tổng quát, có thể thấy sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, đồng hành giữa Chính phủ với QH, các cơ quan của QH, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH trong việc bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao thời gian qua, nhất là trong việc triển khai các nhiệm vụ lập pháp, phát triển kinh tế - xã hội , bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân và công tác phòng chống dịch COVID-19, đã phát huy hiệu quả và bước đầu có thể khẳng định: Đất nước đã vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, vượt qua các thách thức chưa hề có tiền lệ.
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội
Chính sách đi trước một bước
Với tinh thần và yêu cầu “kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa”, Chính phủ ngày càng chủ động triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiến độ, chất lượng xây dựng, trình các dự án luật, nghị quyết từng bước được nâng cao, tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch, đáp ứng được những yêu cầu cấp bách.
Chẳng hạn ngay sau khi đã sử dụng các biện pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chính phủ đã nhanh chóng trình UBTVQH nghị quyết về miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp trong quý III và quý IV-2021. Điều đó khiến doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh nhiều hơn, người dân cảm thấy được QH, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với mình.
Hoặc khi nhận thấy yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 cần phải tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn nằm ở luật, Chính phủ đã trình UBTVQH dự án một luật sửa tám luật. Dĩ nhiên, như Chính phủ rà soát thì số lượng luật cần sửa đổi, bổ sung nhiều hơn. Nhưng tám luật được trình sửa đổi, bổ sung một số điều mang tính cấp bách, nếu được thông qua sẽ tạo động lực mới cho phát triển, thể hiện “chính sách đi trước một bước”.
QH với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ đã vào cuộc nhanh chóng. Ủy ban Kinh tế đã tiến hành nhiều phiên họp với các cơ quan của Chính phủ, đã mở phiên họp thẩm tra mở rộng đối với dự án luật này. Đặc biệt, Chủ tịch QH và các phó chủ tịch cũng sâu sát, thường xuyên tham dự các cuộc họp để cho ý kiến cụ thể, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện hết sức có thể để dự luật đủ điều kiện trình ra QH.
Phải khẳng định rằng ngay từ khi được kiện toàn, QH và Chính phủ đã chung tay giải quyết những vấn đề do dịch COVID-19 đặt ra về việc ổn định và phát triển đất nước. Nếu Chính phủ đã rất chủ động, linh hoạt trong điều hành thì QH cũng luôn sát sao, quyết đoán qua những quyết sách linh động và chính xác. Đó là Nghị quyết 30/2021 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch. Đó là Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Đó là Nghị quyết 393/NQ-UBTVQH15 bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Có thể nói rằng tập thể lãnh đạo QH, các cơ quan của UBTVQH đã làm việc, luôn sẵn sàng họp để cho ý kiến về các đề xuất của Chính phủ đối với việc tăng cường nguồn lực chống dịch, xem xét thực hiện các chính sách thuế, phí theo thẩm quyền để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cũng như quyết định giao thẩm quyền cho Chính phủ được thực hiện các giải pháp phòng chống dịch khác với quy định của pháp luật hay chưa được pháp luật quy định.
Nhờ vậy mà tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 đã có những điểm sáng, nổi bật. Thể hiện qua tăng trưởng GDP, thu ngân sách, xuất nhập khẩu, các cân đối lớn được bảo đảm, những khó khăn dần được khắc phục, tư duy và biện pháp chống dịch ngày càng thích ứng với thực tế. Đặc biệt, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được tăng cường, niềm tin của cộng đồng quốc tế vào sự hồi phục của Việt Nam trên mọi phương diện ngày càng được củng cố.
Như vậy, có thể khẳng định rằng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với QH, các cơ quan của QH trong thời gian qua đã đem lại những kết quả khả quan, tích cực, tất cả vì lợi ích chính đáng của nhân dân, của đất nước, trong đó yêu cầu cao nhất là bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân và từng bước phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.