Khoảnh khắc chị Dương được bộ đội biên phòng giải cứu - Ảnh: Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng
Chiều 8-2, hơn 8 ngày sau khi được bộ đội biên phòng giải cứu từ vách đá cheo leo, chị Cao Thùy Dương (36 tuổi, quê Hải Phòng) vẫn không khỏi xúc động nhớ lại khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sống chết.
Trước đó, vào tháng 9-2021, nghe lời rủ rê của đứa em họ, chị Dương vượt biên sang Trung Quốc, kết hôn với một người đàn ông bản địa rồi xin làm kiểm hàng cho một công ty đồ chơi.
Bà ngoại mất, nhớ con gái nơi quê nhà, dịp Tết này, người phụ nữ này đã chi 4.700 nhân dân tệ cho một nhóm môi giới để tìm cách vượt biên về Việt Nam.
Nhóm lao động gồm 16 người ở các tỉnh, thành khác nhau, cùng tập hợp tại một địa điểm và xuất phát vào sáng 28 Tết. Sáng hôm sau, đoàn người đặt chân được vào lãnh thổ Việt Nam. Một người phụ nữ trong đoàn trong phút bất cẩn đã ngã xuống vách núi, tụt lại phía sau.
Khoảng 10h30 ngày 31-1-2022, tổ tuần tra của chốt kiểm soát phòng chống dịch số 7, Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn (Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng) trong lúc tuần tra, kiểm soát đã phát hiện, ngăn chặn 15 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép qua khu vực mốc 858.
Quá trình khai thác số công dân trên khai nhận, trong đoàn vượt biên trái phép về Việt Nam có tổng cộng 16 người, do trời mưa đường trơn trượt nên trong quá trình vượt biên trái phép đã có 1 người phụ nữ bị ngã xuống vách núi. Lập tức, tổ công tác tách từng người trong đoàn ra, xác minh thông tin thêm một lần nữa.
Xác minh đúng thông tin, những người lính nhận lệnh lên đường: "Cố gắng tìm được nạn nhân trước khi trời tối, không thể để đến sáng hôm sau".
Vượt dốc đá thẳng đứng, những người lính "quân hàm xanh" đã dốc sức cứu người bị nạn xuống núi an toàn - Ảnh: Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng
Đội tuần tra của Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn gồm 3 người, do thượng úy Nguyễn Văn Hưng - đội trưởng đội trinh sát - phụ trách, khẩn trương chuẩn bị đồ cứu hộ, bánh ngọt, nước uống nhằm hướng cột mốc nơi có người gặp nạn đi ngay.
Cùng thời điểm ấy ở Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, cách chốt 3km, một tổ chi viện 5 người bao gồm quân y, các chiến sĩ giỏi đi rừng cùng 2 người dân bản địa do trung tá Vũ Văn Giang - đồn trưởng - trực tiếp chỉ huy cũng bắt đầu xuất phát.
Ban chỉ huy dõi theo điện thoại cùng tấm bản đồ biên giới, sẵn sàng trong tình huống xấu không tìm thấy người sẽ liên lạc với lực lượng chức năng Trung Quốc, đề nghị hỗ trợ tìm kiếm.
Kinh nghiệm tuần tra biên giới cùng lời mô tả của người trong đoàn giúp tổ công tác phán đoán người phụ nữ đã về được Việt Nam, nhưng không thể xác định vị trí cụ thể. Từ cột mốc 857 đến 858 - nơi phát hiện đoàn người, tổ tuần tra lần theo dấu vết đoàn người để lại, mở rộng tìm kiếm.
Ngày thứ ba đón đợt rét đậm nhất từ đầu mùa khiến nhiệt độ tụt sâu xuống còn 6 độ C. Nơi biên giới Cao Bằng, địa hình chủ yếu núi đá vôi xen lẫn đồi núi thấp, nhiều vách đá thẳng đứng là thách thức không nhỏ với cuộc cứu nạn.
Hai giờ mò mẫm trong rừng, các chiến sĩ vẫn chưa thể "bắt sóng" được với người bị lạc. Họ cố gọi tên chị Dương, hy vọng chị vẫn còn tỉnh táo để chỉ ra vị trí trước khi đêm buông xuống.
Nạn nhân khi ấy với chiếc chân trái trật khớp, đau nhói, quần áo ướt sũng đã lả đi vì kiệt sức, hai lần nghe ai đó gọi tên nhưng không dám đáp lại.
"Các anh gọi 'Dương ơi, em đang ở đâu, chúng tôi là biên phòng đây'. Chỉ đến khi nghe thấy từ 'biên phòng', tôi mới dám lên tiếng, không sợ nữa", chị kể lại giây phút được bộ đội biên phòng cứu thoát từ lằn ranh sinh tử.
Xác định gặp đúng người bị nạn, những người lính biên phòng trao cho chị mẩu bánh ăn lấy sức, động viên, hỏi thăm sức khỏe, trò chuyện giúp chị lấy lại tinh thần.
Gần 13h, tổ tìm kiếm và tổ chi viện gặp nhau. Quân y sơ cứu, chườm nước nóng, nhường áo bông cho người bị nạn.
Thế nhưng từ vị trí phát hiện nạn nhân xuống chân núi toàn là những dốc đá thẳng đứng. Họ không thể đi theo đường cũ, đành lần theo sườn núi tìm đường. Những người đàn ông Tày, Nùng cầm rựa đi trước phát cây cỏ, các chiến sĩ thay nhau cõng, người đỡ đằng trước, người kéo đằng sau ngăn người lăn xuống dốc.
Đến 18h30 cùng ngày, sau hơn 4 giờ đồng hồ cắt rừng, cả đoàn mới xuống được tới chân núi. Cuộc cứu nạn kết thúc lúc 19h khi cả đoàn về được tới chốt kiểm soát an toàn.
Nạn nhân sau đó được đưa đi chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, từ khu cách ly, chị cho biết hiện nay sức khỏe đã ổn hơn sau hơn 8 ngày được giải cứu.
"Được các anh giải cứu, xác định mình được an toàn rồi. Qua đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn các anh, chúc các anh thật nhiều sức khỏe nơi tuyến đầu để giúp đỡ các công dân lúc gặp nạn như tôi", chị Dương gửi lời cảm ơn đến những ân nhân đã cứu sống chị.
Người phụ nữ ấy quả quyết, sau chuyến đi nguy hiểm này, chị sẽ không bao giờ nghe lời rủ rê để vượt biên trái phép nữa.
Thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết, từ ngày 1-1-2022 đến 7-2-2022, lực lượng biên phòng tỉnh đã phát hiện 1.611 người nhập cảnh trái phép qua biên giới. Chỉ riêng từ ngày 1-2 đến nay, đã phát hiện 31 trường hợp nhập cảnh trái phép.
TTO - Wilder, bé trai 2 tuổi từng khiến truyền thông quốc tế chú ý khi bị bỏ rơi trên đường cao tốc ở Mexico, đã được đoàn tụ cùng gia đình ở Honduras. Người cha bế em đi tìm "giấc mơ Mỹ" hiện vẫn bặt vô âm tín.
Xem thêm: mth.61203955180202202-yad-gnohp-neib-al-iot-gnuhc-uad-o-gnad-me-io-gnoud/nv.ertiout