Maria Diemar nằm trong số bị cho làm con nuôi mà không được sự đồng ý của mẹ. Cô lớn lên với làn da nâu, tóc đen, khác những đứa trẻ Stockholm. Cha mẹ nuôi người Thụy Điển luôn cởi mở về nguồn gốc Chile của cô.
Khi Maria 11 tuổi, cha mẹ nuôi cho cô xem những giấy tờ nhận nuôi cô vào năm 1975, lúc mới là đứa bé 2 tháng tuổi. Hồ sơ cho thấy mẹ đẻ Maria là thiếu niên nghèo làm nghề giúp việc. Năm 20 tuổi, Maria quyết định đi tìm mẹ đẻ.
Vào những năm 1990, Thụy Điển là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhận con nuôi bình quân đầu người cao nhất thế giới. Từ đó, Trung tâm con nuôi ra đời, khởi động một chương trình giúp con nuôi đoàn tụ với gia đình ruột thịt. Nhưng họ không có thông tin về mẹ của Maria.
Năm 1998, Maria bay đến Chile, yêu cầu sự giúp đỡ từ nhiều nguồn nhưng không ai cung cấp bất kỳ thông tin nào. Thêm 5 năm nỗ lực, tháng 1/2003, cuối cùng Maria cũng lần ra được mẹ đẻ, nhưng bà từ chối gặp.
Giờ bà đã có gia đình, sợ rằng chồng mình sẽ không hài lòng với sự xuất hiện của một đứa con gái riêng của vợ. Nhưng bà tiết lộ thông tin rằng chưa bao giờ có ý định cho Maria làm con nuôi. "Con bé bị đánh cắp từ khi sinh ra", bà nói.
Maria vô cùng đau khổ trước tin này. Song người đứng đầu Trung tâm con nuôi trấn an rằng các bà mẹ đẻ thường bịa ra lý do này để không cảm thấy hổ thẹn khi bỏ rơi con mình. Maria không hoàn toàn chấp nhận lời giải thích nhưng cũng không muốn biết thêm gì.
Tháng 9/2017, Maria tình cờ xem bộ phim tài liệu Chile nói về những phụ nữ nghèo thuộc dân tộc thiểu số bị lừa hoặc ép phải cho con nuôi cho người ngoại quốc. Khi thực hiện phần tiếp theo của bộ phim, đạo diễn Alejandro Vega đã liên hệ với Maria, thông qua nhóm Facebook của những người được nhận làm con nuôi. Ông xem xét các giấy tờ và nhận ra chúng hoàn toàn giả mạo.
Từ những năm 1970-1980, khoảng 20.000 trẻ sơ sinh Chile đã được các gia đình trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ nhận làm con nuôi. Các bà mẹ ruột thường rất trẻ và rất nghèo. Những con nuôi này là một phần của chiến lược quốc gia nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo đói dưới thời chế độ độc tài quân sự Pinochet.
Áp lực buộc các bà mẹ phải từ bỏ con cái và việc nhận con nuôi quốc tế cũng tăng mạnh. Dưới chế độ độc tài, cuộc sống bấp bênh và đông con của những gia đình dân tộc thiểu số được coi là trở ngại cho sự tiến bộ.
Trong khi đó, ở Thụy Điển, việc nhận con nuôi quốc tế đã được coi là mục đích chính đáng. Tobias Hübinette, phó giáo sư Đại học Karlstad, cho biết thế hệ cha mẹ đầu tiên nhận con nuôi từ nước ngoài vào những năm 1960 tin rằng họ đang làm điều gì đó tốt cho người khác, đặc biệt cho cư dân "Thế giới thứ ba".
Nhưng từ đầu những năm 1970, ở Chile xuất hiện các báo cáo về việc phụ nữ bị ép buộc phải từ bỏ đứa con nhỏ. Hàng trăm bà mẹ được báo rằng con họ đã chết khi mới sinh, nhưng họ không bao giờ được cấp giấy chứng tử hoặc được phép nhìn thấy con.
Trong những năm qua, các nhà điều tra tội phạm ở Chile đã tìm ra ngày càng nhiều bằng chứng về việc nhận con nuôi bất thường giai đoạn này. Những gia đình ở châu Âu và Mỹ thường phải cho các cơ quan nhận con nuôi quốc tế 6.500-150.000 USD cho mỗi đứa trẻ. "Có những nhân viên xã hội được trả tiền để đưa ra những báo cáo sai sự thật về tình trạng bỏ rơi trẻ em và chi tiền để các bác sĩ, y tá làm giấy khai sinh ghi rằng đứa trẻ đã chết khi mới sinh", Karen Alfaro, giáo sư Đại học Austral, Chile cho biết.
Phim tài liệu năm 2017 của Alejandro Vega đã mô tả việc nhận con nuôi là công việc kinh doanh rất sinh lợi trong thời kỳ đen tối. "Tình hình đất nước dưới chế độ độc tài đã biến các khoa phụ sản thành cơ sở kinh doanh", ông nói.
Tháng 9/2018, dưới áp lực từ các nhóm đấu tranh để đoàn tụ gia đình bị chia rẽ do lạm dụng con nuôi, Hạ viện Chile thành lập Ủy ban điều tra những cáo buộc lịch sử này. Các bà mẹ và người được nhận nuôi đã đưa ra lời khai đau lòng.
Một phụ nữ nói với ủy ban rằng, sáng tháng 2/1985, cô đến một bệnh viện ở thủ đô Santiago khi mang thai 39 tuần 6 ngày. Cô chuyển dạ, sinh con và em bé ngay lập tức được đưa đi. Trong ba ngày liền, cô yêu cầu được gặp con, song đến hôm thứ tư họ mới thông báo đứa bé đã chết. Khi xin được nhìn mặt con và mang về chôn cất, bệnh viện viện cớ việc này quá bi thương, không cho cô nhìn đứa bé. Suốt hơn 30 năm, cô vẫn tìm kiếm con mình.
Vào tháng 7/2019, Ủy ban điều tra đã công bố báo cáo dài 144 trang, mô tả thủ đoạn mà "những kẻ lừa đảo" thuộc quan chức nhà nước xây dựng việc nhận con nuôi thành "ngành kinh doanh béo bở". "Việc nhận con nuôi trái phép này là tội ác chống lại loài người", báo cáo nêu.
Với Maria, trong hồ sơ nhận con nuôi công bố bởi cảnh sát Chile cho thấy, tháng 11/1974, ở Lautaro, một thị trấn nằm khuất trong rừng ở miền nam Chile, mẹ đẻ của Maria, một phụ nữ trẻ Mapuche (dân tộc thiểu số Chile) đang trong ba tháng đầu của thai kỳ. Bà là người giúp việc, sống cho một gia đình giàu có. Khi Maria chào đời, cô bé đã bị chủ nhân lấy đi và báo tin với mẹ đẻ rằng bé đã chết.
Trong khi đó, tại hồ sơ nhận nuôi Maria, ở phần "ý kiến người mẹ đẻ" lại viết "muốn cho con nuôi vì muốn con gái có một cuộc sống tốt đẹp hơn".
Về lý thuyết, luật nhận con nuôi của Chile năm 1960 yêu cầu đứa trẻ phải được nuôi dưỡng ít nhất hai năm ở Chile trước khi làm con nuôi ngoại quốc. Song Maria đã được đưa khỏi đất nước khi mới 2 tháng tuổi. Cha mẹ nuôi của cô không hề biết những điều này.
Sau báo cáo rúng động của Ủy ban điều tra năm 2019, Quốc hội Chile đã thành lập Ủy ban Sự thật và Bồi thường, cơ sở dữ liệu DNA để giúp các gia đình và người nhận con nuôi tìm thấy nhau. Tuy nhiên, những nỗ lực điều tra sâu sắc hơn tội ác lịch sử này vẫn vị đình trệ, chưa có cá nhân nào bị bắt giữ, khởi tố.
Về phần mình, sau những cú sốc tưởng như không thể gượng dậy, Maria tiếp tục tham gia sâu vào cuộc điều tra tội phạm về việc nhận con nuôi. Khi rảnh rỗi, rời xa công việc giáo viên dạy tiếng Thụy Điển hàng ngày, cô thu thập hàng đống tài liệu, hầu hết là từ những người nhận nuôi khác yêu cầu cô phụ trách thư từ của họ với các nhà điều tra Chile.
Cô đã dành nhiều giờ để phiên dịch cho các gia đình và con cái họ bị ngăn cách bởi ngôn ngữ và văn hóa. Gần đây, cô nghiên cứu văn hóa Mapuche, ngôn ngữ của nó, Mapuzugun. Cô vẫn luôn cảm thấy mình là một phần của cộng đồng này.
Maria đã gặp các anh chị em của mình nhưng chỉ nói chuyện với mẹ qua điện thoại. Cô nghĩ mẹ đang suy nghĩ nhiều về việc gặp trực tiếp con gái mình. "Tôi thực sự muốn gặp mẹ, xem bà ấy trông như thế nào và ngồi xuống với bà ấy, tìm hiểu thêm về nguồn cội. Bà ấy luôn là mẹ tôi", Maria nói.
Hải Thư (Theo The Guardian)
Xem thêm: lmth.1725244-couq-iaogn-ioun-noc-nahn-uv-gnouht-gnuhn-ut-ca-iot/ten.sserpxenv