Một cửa hàng ở Hà Nội treo biển bán xăng theo giờ trong thời điểm Tết Nguyên đán - Ảnh: N.AN
Nội dung trên được đưa ra trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 10-2.
Theo đó, việc tính toán lại công thức giá xăng dầu với các cấu thành như trên để nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu. Chỉ đạo này được đưa ra trước thực trạng một loạt cây xăng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển "hết xăng", đóng cửa trong thời gian gần đây.
Thực tế, trong nhiều năm qua kể từ khi áp dụng thông tư 39 quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn của liên bộ Công thương - Tài chính, chi phí kinh doanh định mức cho mặt hàng xăng là 1.050 đồng/lít; với các loại dầu diesel, dầu hỏa là: 950 đồng/lít; với các loại dầu mazut là: 600 đồng/kg.
Chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được áp dụng cố định từ năm 2014 đến nay, mặc dù đã có nhiều thay đổi và biến động giá cả thị trường. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng mức chi phí định mức này không còn phù hợp do thị trường giá xăng dầu thế giới đã biến động liên tục, lạm phát và các chi phí đều tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cửa hàng, đại lý không mặn mà bán hàng trong thời gian qua do giá thế giới tăng liên tục trong khi giá trong nước kéo dài tới 20 ngày chưa điều chỉnh.
Tuy vậy, trong văn bản chỉ đạo, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu thanh tra, kiểm tra ngay với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác nếu có trong hoạt động kinh doanh.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương, các bộ và cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Công thương cần chủ động bám sát tình hình, sát sao hơn trong chỉ đạo điều hành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đảm bảo không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Trước đó, tại cuộc họp vào ngày 8-2 với các bộ ngành liên quan, Phó thủ tướng đã nhấn mạnh trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công thương khi để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa không bán hàng, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ngay sau cuộc họp ngày 8-2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên họp với các địa phương để đánh giá đầy đủ hơn thực trạng cung cầu xăng dầu, nhấn mạnh nguồn cung hoàn toàn đáp ứng đủ và việc thiếu xăng dầu chỉ mang tính cục bộ, có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá.
Ông Diên yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát các hệ thống cửa hàng, đại lý để ngăn chặn tình trạng găm hàng, trục lợi, cũng như thanh tra các doanh nghiệp đầu mối, nếu không thực hiện đúng chức năng về nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng sẽ rút giấy phép hoặc áp dụng các biện pháp xử phạt cao nhất.
TTO - Chương trình hôm nay có nhiều thông tin đáng chú ý: Thứ trưởng Bộ Y tế bị buộc thôi việc; Vụ ném "bom bia" ở Trà Vinh tranh cãi phòng vệ hay giết người?; Chào đón các nữ “chiến binh sao vàng” trở về; Đế chế Mark Zuckerberg đã thoái trào?...
Xem thêm: mth.84732707101202202-uad-gnax-os-oc-aig-cuht-gnoc-ial-naot-hnit-gnout-uht-ohp/nv.ertiout