Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành (BH) trẻ liên tiếp được phanh phui, không chỉ xảy ra ở các trường học, điểm trông giữ trẻ mà còn diễn ra ngay trong gia đình các em. Không ít trường hợp chính những người sinh thành, dưỡng dục hoặc người tình của họ lại nhẫn tâm đánh đập, hành hạ trẻ một cách không thương tiếc. Đặc biệt, tình trạng BH ngày càng tăng trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.
Hành vi tàn nhẫn
Năm 2021 xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em (BHTE) khiến dư luận phẫn nộ, thậm chí có những cháu bé phải vĩnh viễn ra đi vì đòn roi của người lớn. Các vụ án trên tuy diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau nhưng đều có điểm chung là nạn nhân đều đơn độc khi hứng chịu những trận "đòn thù” của cha mẹ hay người sống chung dưới một mái nhà.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị BL, XH ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp; trong đó, hơn 70% trẻ dưới 15 tuổi từng bị gia đình thực hiện kỷ luật BL. Số liệu của Bộ CA nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy, khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ, trong đó có đến 23% số trẻ trên cho rằng mình từng bị bố mẹ đánh đập.
Khoản 6 điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định: BL trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; XH thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ. Nếu một người có hành vi vi phạm này thì có thể sẽ phạm tội "hành hạ người khác" quy định tại điều 140 hoặc điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "cố ý gây thương tích", với mức phạt tù từ 1 - 3 năm.
Hiện dư luận vẫn còn "dậy sóng" bởi câu chuyện buồn khi bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị người tình của bố đánh đập, bạo hành dẫn đến tử vong. Người phụ nữ gây ra cái chết của cô bé đã phải trả giá cho hành vi của mình, nhưng vẫn còn đó dư âm của sự bàng hoàng, phẫn nộ. Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an (CA) TPHCM đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án tội "giết người", khởi tố vụ án tội "che giấu tội phạm"; đồng thời khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, ngụ quận 1) và Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) để điều tra về các hành vi "giết người, hành hạ người khác và che giấu tội phạm".
Phục hồi camera những ngày tháng trước đó ghi nhận Trang nhiều lần BH, đánh đập bé và đều có sự chứng kiến của Thái nhưng người cha này không đến can ngăn. Thái biết Trang dùng roi, cây đánh con mình nhiều lần, liên tiếp đến mức gây thương tích ở một số vùng nguy hiểm trên cơ thể, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con gái, nhưng "không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra" nên vẫn để Trang "dạy dỗ" bé suốt thời gian dài.
Đầu tháng 12-2021, Trần Văn Khởi (SN 1995, trú huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) hành hạ cháu L.T.T.V (3 tuổi, con riêng của người tình) dẫn đến tử vong, chỉ vì lỗi "tè dầm". Sau khi gây án, Khởi cùng vợ "hờ" đưa thi thể nạn nhân đi chôn rồi rời khỏi địa phương và bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang. Trước đó, khoảng 18 giờ 30 ngày 23-11-2021, Ngô Văn Dự (SN 1983, tạm trú huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) bóp cổ rồi dùng tay đấm liên tục vào gáy cháu N.C.T (SN 2020), con riêng của người tình là chị Đ. (SN 1986) khi cháu khóc đòi mẹ, khiến nạn nhân chết tại chỗ.
Thêm trường hợp khác, đêm 4-8-2021 trên Youtube xuất hiện đoạn clip hơn 4 phút ghi lại cảnh người đàn ông đánh đập dã man một cháu bé tại nhà, khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" với hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Không lâu sau đó, kẻ thủ ác được xác định là Lê Hoài Nam (SN 1992, tạm trú P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương), nạn nhân là cháu B.N.P.A (5 tuổi), con riêng của chị N.H.T (29 tuổi), người đang chung sống như vợ chồng với Nam. Đối tượng khai vì A. hay nói dối mình và do mâu thuẫn giữa Nam với cha ruột của cháu bé. Điều đáng nói, hành vi BH diễn ra ngay trước mắt người mẹ nhưng chị này không có động thái can ngăn.
Đầu năm 2021, vụ bé gái N.H.B (SN 2006, trú P. Hà Cầu, Q. Hà Đông, TP.Hà Nội) bị mẹ BH, cha dượng XH gây xôn xao dư luận. Kết quả điều tra xác định, quá trình sống cùng mẹ đẻ và Phạm Thanh Tùng - bạn trai của mẹ, cháu B. thường xuyên bị mẹ đánh đập dã man. Sau mỗi trận đòn, trên lưng, tay, chân, khắp người bé chỗ nào cũng có vết lằn roi đến tụ máu. Không những thế, mỗi lần mẹ đi ngủ hoặc ra ngoài, cháu B. lại bị Tùng ép quan hệ tình dục...
Và còn nhiều vụ việc thương tâm tương tự đã diễn ra, nếu không phải chịu cái kết thảm khốc là xa rời cõi đời trong độ tuổi còn quá non nớt thì những đứa trẻ bị BH sẽ sống suốt đời với những vết thương thể xác và nỗi đau tinh thần cứ mãi in hằn, chẳng thể xóa nhòa. Đa số các vụ việc trên đều liên quan tới người tình của bố mẹ, nhưng càng đáng lên án hơn khi chính bố mẹ đẻ lại tiếp tay, làm ngơ cho hành vi BH con mình.
Trách nhiệm từ cộng đồng
Theo số liệu của Bộ CA, năm 2020 có gần 2.000 vụ BH trẻ bị phát hiện (trong đó 97% số vụ, kẻ gây hại đều là người thân quen với nạn nhân). Điều xót xa là các em không có khả năng tự vệ, cũng chẳng thể tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài trước sự độc ác, nóng giận và vô cảm không có giới hạn của người lớn.
Điều đáng nói là, mặc dù đánh trẻ là hành động trái pháp luật nhưng nhiều người lại dửng dưng khi thấy bố mẹ đánh con, vì cho rằng đó là việc riêng của gia đình. Chính việc không can thiệp ngay từ đầu, để "trong nhà đóng cửa bảo nhau" đã khiến nhiều sự việc trở nên nghiêm trọng, vượt ngoài tầm kiểm soát, để lại hậu quả đau lòng.
Phía sau cánh cửa của một gia đình, có thể là những lời kêu cứu. Nhiều vụ BH trẻ đã xảy ra, hàng xóm biết nhưng không trình báo cơ quan chức năng. Luật Trẻ em quy định rất rõ, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE, trường hợp trẻ bị XH hoặc có nguy cơ bị BL, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền. Khi phát hiện các vụ việc BL trẻ em, dù là người trong nhà hay chỉ là hàng xóm, người qua đường cũng cần báo ngay cho CA hoặc đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 - hoạt động miễn phí 24/24 giờ. Thông tin, danh tính của người tố cáo, tố giác hành vi phạm tội sẽ được bảo mật hoàn toàn.
Thời gian vừa qua, dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội vô hình trung đã khiến trẻ bị cô lập và đối mặt với nhiều rủi ro.
Qua nhiều vụ BHTE thời gian qua, chúng ta thấy hầu hết xảy ra ở những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, hay mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, con cái trở thành nạn nhân của các hành vi BL, XHTE. Cũng vì nhận thức vấn đề bảo vệ trẻ còn hạn chế nên một bộ phận người dân có phần xem nhẹ luật pháp nói chung, Luật Bảo vệ trẻ em nói riêng. Hệ quả là 50% số vụ BHTE thời gian qua được cơ quan chức năng xác định là phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em đến mức phải xử lý hình sự.
Nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy, hậu quả của tình trạng BHTE để lại rất lớn, không chỉ gây đau đớn về thể xác cho trẻ, mà còn dẫn đến tình trạng hoảng loạn tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ, những em bị BH muốn hòa nhập lại với xã hội phải trải qua thời gian điều trị về tâm lý cùng với tình cảm của gia đình, xã hội dành cho bé một cách đặc biệt hơn. Đối với những trẻ bị hành hạ dã man, trong thời gian dài sẽ nảy sinh suy nghĩ lệch lạc đối với xã hội và dễ mắc các bệnh liên quan đến thần kinh.
Để có một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, vấn đề BHTE cần được cộng đồng chủ động ngăn chặn với nhiều biện pháp cần thiết, đồng thời các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi này theo quy định pháp luật. Ngoài việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ, kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, mọi người, mọi nhà cùng chung tay che chở đồng thời lên tiếng tố cáo những hành vi BHTE nhằm gìn giữ những hồi ức đẹp cho trẻ, xây dựng một tương lai tốt đẹp cho các em.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.758621_naul-ud-gnod-gnur-yag-hnah-oab-uv-gnuhn-1-iab/gnos-iod/nv.moc.nagnoc