Từ cái nhìn của du khách
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền bài viết của một du khách đến Đắk Lắk du lịch chứng khiến những con voi bị hành hạ đến đổ máu trong lúc chở khách du lịch. Du khách này viết: "Đến với hồ Lak - Bản Jun có ngay dịch vụ cưỡi voi ở ngay bên hồ, khách tham quan thay vì chèo thuyền độc mộc thì có thể cưỡi voi xuống hồ tham quan cảnh hùng vĩ nước non. Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm một cây gậy với phía đầu là móc sắt nhọn dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và "răn" chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới... Còn ở bản Đôn ngày Tết có 6 con voi, chúng làm việc từ 8 giờ sáng đến 17 giờ và chỉ nghỉ 30 phút giữa trưa với tần suất khách tới thăm hàng ngày lên đến vài nghìn người, người đợi để được cưỡi voi thì xếp hàng dài...".
Ngay sau khi bài viết đăng tải đã thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Nhiều người lên án hành vi bắt voi phải phục vụ con người quá sức. Tuy nhiên, cũng có người nêu lên quan điểm chủ voi cũng cần nguồn thu nên phải cho voi phục vụ để có chi phí trang trải nuôi voi. Một nài voi ở huyện Lắk cho biết: "Mỗi con voi trưởng thành nặng gần 5 tấn sẽ ăn và uống khoảng 500kg/ngày, chi phí nuôi voi rất cao. Nên dịp Tết chủ voi tranh thủ đưa voi đi phục vụ du lịch để lấy nguồn thu nuôi voi".
Trước đó, ngày 15-12-2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác xây dựng Mô hình du lịch thân thiện với voi nhà với Tổ chức Động vật châu Á. Bản ký kết hợp tác nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi các hội thi voi, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà.
Theo ông Trần Xuân Phước, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật Châu Á chỉ mới ký kết thỏa thuận bước đầu nên sẽ thực hiện theo lộ trình. Do đang chờ kinh phí để triển khai nên chưa thể cấm chủ voi cho voi chở khách du lịch. Được biết, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 37 con voi nhà tập trung tại các huyện Lắk và Buôn Đôn, trong đó đa số đã quá tuổi sinh sản. Trong gần 40 năm trở lại đây tại Đắk Lắk chưa có cá thể voi con nào được sinh ra, trong khi voi nhà đang già đi và chết dần.
Đến thực trạng cần giải quyết
Ông Vũ Đức Giỏi - Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn - cho biết, do khó khăn về chi phí nuôi dưỡng voi, dịp Tết, nhiều chủ voi ở huyện Buôn Đôn vẫn hợp tác cùng các khu du lịch trên địa bàn để đưa voi vào phục vụ du lịch cưỡi voi. Cũng theo ông Giỏi, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có Vườn quốc gia Yok Đôn triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi, không có hoạt động cưỡi voi kể từ tháng 7-2018, khi đơn vị phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á, chuyển đổi mô hình du lịch từ voi.
"Voi được thả vào rừng tự do kiếm ăn, không phải chở khách nên sức khỏe, tâm lý của voi được cải thiện đáng kể. Không chỉ vậy, voi còn quây quần, hòa hợp cùng nhau khiến chúng tôi rất hy vọng sẽ có voi nhà sinh sản trong tương lai gần. Du khách đến Vườn sẽ được chiêm ngắm những chú voi sống trong rừng và tìm hiểu tập tính của voi. Qua đó, voi được hòa hợp với thiên nhiên và không còn cảnh phục vụ du lịch quá sức như trước", ông Giỏi chia sẻ.
Hiện Vườn quốc gia Yok Đôn đang chăm sóc, quản lý 8 con voi và hiện du lịch thân thiện đang là mô hình được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, trải nghiệm. Trước đó, vào ngày 15-12, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ ký kết hợp tác xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi nhà với Tổ chức Động vật châu Á.
Bản ký kết hợp tác nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi tại các hội thi voi, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê-tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, đây là ký kết thỏa thuận bước đầu giữa UBND tỉnh và Tổ chức Động vật châu Á nên sẽ theo lộ trình. Do đang chờ kinh phí để triển khai nên chưa thể cấm chủ voi cho voi chở khách du lịch. Được biết, trên địa bàn tỉnh từng xảy ra nhiều vụ xung đột voi tấn công người chăm sóc, khách du lịch do bị khai thác du lịch quá sức, điều kiện sống bị thu hẹp... Hiện đàn voi nhà của Đắk Lắk chỉ còn khoảng 37 con và suốt 30 năm qua chưa ghi nhận thêm trường hợp voi nhà nào sinh sản.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - cho hay, tỉnh chưa bao giờ yêu cầu cấm dịch vụ cưỡi voi, chỉ yêu cầu người dân dần chuyển từng bước sang mô hình voi thân thiện. Theo quy định của tỉnh, vẫn cho phép khai thác cưỡi voi khoảng 4 tiếng/ngày.
Hiện Tổ chức Động vật châu Á- AAF chỉ mới thí điểm mô hình voi thân thiện tại vườn Quốc gia Yok Đôn và sau này nếu được mới nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác trong tỉnh. Bởi vấn đề này liên quan đến chính sách hỗ trợ cho các chủ nài voi và khi làm cần có lộ trình, từng bước vì nguồn lực vẫn chưa có. Đơn vị đang phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn xây dựng đề án voi thân thiện và đang chờ Tỉnh ủy Đắk Lắk phê duyệt.
Một nài voi ở thị trấn Liêng Sơn (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các nài voi trên địa bàn huyện đã bắt đầu khai thác du lịch cưỡi voi trở lại nếu như du khách có yêu cầu. Mức giá có thể theo thỏa thuận. Khoảng một năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không mấy chủ voi tổ chức cho khách cưỡi loài vật này đi dạo bên hồ Lắk.
Dịp nghỉ lễ Tết năm nay, du khách đổ về đông và nhiều người yêu cầu được cưỡi voi nên chúng tôi mới làm dịch vụ trở lại. Vẫn biết chính quyền tỉnh đã yêu cầu hạn chế, dừng du lịch cưỡi voi nhưng vì cuộc mưu sinh nên chúng tôi mới làm như vậy. Bởi, cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể nào để bà con có thêm thu nhập khi dừng hẳn dịch vụ cưỡi voi".
Một nài voi khác cho rằng, muốn bỏ hẳn du lịch cưỡi voi là rất khó. Bởi bà con trông cậy vào con voi để mưu sinh. Đắk Lắk chuẩn bị bước vào mùa khô, nhiều nài voi cần kiếm tiền để mua thức ăn thêm cho loài vật này. Ngoài ra, khi chính quyền chưa thống nhất phương án hỗ trợ, lộ trình phát triển du lịch đối với loài vật này thì chúng tôi cũng khó bỏ "cần câu cơm" duy nhất của gia đình.