Sáng 23-11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. 36 bị cáo cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 3 Điều 224 BLSH năm 2015.
Trong số trên có Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào (hai cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC), Hoàng Việt Hưng (cựu giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi), Nguyễn Tiến Thành (cựu giám đốc Ban Quản lý dự án, giám đốc gói thầu số 4, số 5), Đỗ Ngọc Ân (cựu phó giám đốc Ban Quản lý dự án, giám đốc gói thầu số 4,5,6,7)…
Các bị cáo tại tòa sáng 23-11
Theo thông báo, phiên tòa dự kiến diễn ra trong một tháng, cả các ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Thẩm phán Vũ Quang Huy ngồi ghế chủ tọa.
Khoảng 60 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó bị cáo Phan Ngọc Thơm có nhiều luật sư nhất với năm người bào chữa. Ngoài ra, hai luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Đáng chú ý, để chuẩn bị cho công tác xét xử, HĐXX triệu tập đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng
Cùng đó còn khoảng 50 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bao gồm nhóm các nhà thầu thi công; nhóm các ngân hàng phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền giữ lại; nhóm các cá nhân, pháp nhân thi công Gói thầu số 2 và số 6; nhóm các cá nhân, pháp nhân có liên quan đến tài sản kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch và quản lý tiền bảo hành của công trình.
Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập đại diện Bộ GTVT, đại diện Hội đồng Kiểm tra công tác nghiệm thu nhà nước. Trong đó, đại diện Bộ GTVT có mặt, đại diện Hội đồng Kiểm tra công tác nghiệm thu nhà nước có đơn xin vắng mặt.
Bị cáo Lê Quang Hào
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi.
Dự án chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dài 65km, từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ (Quảng Nam), thông xe vào tháng 8-2017. Tuy nhiên, dù mới được đưa vào sử dụng nhưng đoạn đường này đã có rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.
Kết luận giám định cho thấy chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với tất cả bảy gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 đều không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.
Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có nhiều vị trí hỏng sau khi thông xe
Theo VKS, thiệt hại của vụ án là số tiền hơn 811 tỉ đồng. Đây là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu nhưng vẫn được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán.
Về phía Bộ GTVT, cáo trạng xác định cơ quan này thực hiện chức năng của người quyết định đầu tư, đồng thời là Bộ quản lý chuyên ngành đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Quá trình triển khai, Bộ GTVT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện cơ chế phối hợp, cơ chế quản lý dự án nhằm xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh VEC là Chủ đầu tư dự án, phải thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Đại diện VKS công bố cáo trạng
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT và các vụ, cục chuyên môn thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để đôn đốc về tiến độ, chất lượng dự án; trực tiếp kiểm tra hiện trường dự án, phát hiện các vấn đề tồn tại của dự án đều đã có các văn bản để chỉ đạo VEC và các đơn vị có liên quan thực hiện, khắc phục trong quá trình tổ chức thi công dự án; kịp thời giải quyết những kiến nghị của Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan...
“Kết quả điều tra không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân tại Bộ GTVT được giao theo dõi, phụ trách giai đoạn 1 của dự án” – cáo trạng nêu.