vĐồng tin tức tài chính 365

Gọi đến đâu khi đi du lịch bị “chặt chém”?

2022-02-11 08:28

Thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán 2022 là lúc mà nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao.

Tuy nhiên, ở một vài địa phương vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp du khách bị “chặt chém” giá sử dụng dịch vụ, hàng hóa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch của địa phương đó nói riêng và hình ảnh du lịch của Việt Nam nói chung.

Nhiều vụ việc đã xảy ra

Ngày 9-2, trên mạng xã hội Facebook lan truyền vụ việc xảy ra tại một nhà hàng ở khu vực đèo Rọ Tượng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có dấu hiệu “chặt chém” du khách.

Cụ thể, tài khoản HG cho biết anh cùng gia đình chạy ô tô từ Huế vào Nha Trang (Khánh Hòa) để đi du lịch. Khi đến đèo Rọ Tượng, anh tìm và vào một nhà hàng để gia đình dùng bữa. Vì thấy nhà hàng chỉ để tên món ăn và không niêm yết giá nên anh đã cẩn thận hỏi giá các món.

Gọi đến đâu khi đi du lịch bị “chặt chém”? - ảnh 1
Khách du lịch tham quan khu Đại nội tại Huế.
Ảnh: NGUYỄN DO

Sau đó, gia đình anh đã gọi bốn phần cơm dĩa giá 50.000 đồng/dĩa và ba lon nước giá 20.000 đồng/lon theo báo giá từ nhà hàng. Tuy nhiên, đến khi tính tiền, nhà hàng thông báo bốn dĩa cơm giá 200.000 đồng, ba lon nước giá 60.000 đồng và tô canh cá ngừ giá 150.000 đồng.

Chủ tài khoản HG bức xúc cho biết: “Chúng tôi không gọi canh và cứ nghĩ canh nằm trong phần bốn dĩa cơm đó. Trong những ngày tết, mỗi dĩa cơm đắt hơn mấy chục ngàn chúng tôi vẫn vui vẻ trả tiền nhưng việc ép chúng tôi trả tiền cho món chúng tôi không gọi, điều này là rất vô lý!”.

Một trường hợp khác vào cuối năm 2021 tại Hà Nội, một nam tài xế chạy taxi bị lực lượng chức năng phạt hành chính 9 triệu đồng. Nguyên nhân là nam tài xế taxi này bị du khách tố chạy xe lòng vòng, thu 200.000 đồng với quãng đường ngắn.

Cụ thể, du khách JDH bắt taxi từ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Khoảng cách giữa hai điểm thực tế là 2,5 km, do đó giá cước taxi thông thường khoảng 40.000 đồng. Nhưng tài xế đi đường vòng và thu 200.000 đồng, theo hiển thị của đồng hồ trên xe. Du khách này sau đó chụp ảnh, quay video hình ảnh taxi và gửi phản ánh trên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn.

Gọi đến đường dây nóng để được hỗ trợ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết du khách đến TP Huế du lịch, nếu cần hỗ trợ các vấn đề, thông tin liên quan đến các địa điểm du lịch thì có thể liên hệ theo đường dây nóng của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh.

Trường hợp phản ánh các vấn đề liên quan đến giá khách sạn, giá phòng của các cơ sở lưu trú có dấu hiệu “chặt chém”, tăng giá quá cao hoặc không niêm yết giá thì du khách có thể liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng của sở để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Cũng theo ông Hòa, trong những ngày trước, trong và sau tết, lượng khách du lịch đến TP Huế cũng khá đông nhưng đến thời điểm hiện nay, Thanh tra sở chưa ghi nhận phản ánh nào của du khách.

Thông tin từ đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết từ đầu năm đến nay, đường dây nóng của đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu đã tiếp nhận khoảng 25 cuộc điện thoại của du khách gọi đến phản ánh. Nội dung chủ yếu phản ánh về thái độ phục vụ của các cơ sở lưu trú như thời gian nhận trả phòng không đúng theo thỏa thuận, giá phòng… Du khách khi gặp các vấn đề liên quan đến du lịch tại TP Vũng Tàu có thể gọi đến Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch để được hỗ trợ thông tin về du lịch.

Theo Trung tâm Hỗ trợ du khách TP Đà Nẵng (gọi tắt là trung tâm), trong dịp tết Nguyên đán và những ngày đầu năm 2022, trung tâm đã tiếp nhận hơn 160 cuộc gọi và 16 email nhờ hỗ trợ thông tin du lịch.

Cũng theo trung tâm, trong thời gian tới, TP Đà Nẵng hứa hẹn sẽ đón nhiều du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Do đó, để du khách có những trải nghiệm thoải mái, những chuyến du lịch an toàn thì trước khi đến Đà Nẵng, du khách nên liên hệ với trung tâm để tìm hiểu và cập nhật các chương trình, sự kiện du lịch, các thông tin về nhà hàng, khách sạn… cũng như giải đáp các thắc mắc khác của du khách.

Trong suốt thời gian du lịch tại Đà Nẵng, du khách có thể liên hệ trực tiếp với trung tâm qua số điện thoại đường dây nóng, email hoặc đến văn phòng trung tâm để được trợ giúp các sự cố nếu có.•

Đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch một số tỉnh, thành

- Đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu: 088.8803.247 hoặc Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch: 0254.3611.988.

- Trung tâm Hỗ trợ du khách TP Đà Nẵng: Số điện thoại đường dây nóng (0236) 3.550.111; email: visitorcenter@danang; fanpage: Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng hoặc Danang Fantasticity; văn phòng trung tâm: 18 Hùng Vương, TP Đà Nẵng.

- Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch tỉnh Khánh Hòa: 0947.528.000 - 0258.3528.000.

- Đường dây nóng phản ánh giá phòng, khách sạn tại TP Huế: 0905.165.843 hoặc Trung tâm Xúc tiến du lịch: 0234.3828.288.

 

Xem thêm: lmth.1972401-mehc-tahc-ib-hcil-ud-id-ihk-uad-ned-iog/cod-nab/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gọi đến đâu khi đi du lịch bị “chặt chém”?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools