Ngày 6.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có văn bản gửi Sở Y tế và các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức, chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, tập trung phòng chống bệnh tay chân miệng tại các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như: điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư/khu nhà trọ có nhiều trẻ em. Xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng.
Chuẩn bị sẵn sàng việc thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế. Chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Sở Y tế phối hợp Sở GD-ĐT và các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng; phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thường xuyên theo dõi, giám sát việc cập nhật danh sách ca bệnh, ổ dịch lên hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm một cách đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng tình hình dịch bệnh thực tế của địa phương.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, kết quả xét nghiệm PCR 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều dương tính với vi rút Entero 71 (EV71). Kết quả giải trình tự gien do nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Oucru) thực hiện cho thấy tất cả đều có kiểu gien B5.
Kiểu gien B5 của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan vào năm 2007 và tại TP.HCM vào năm 2015, 2018.
Theo số liệu giám sát dịch bệnh của HCDC, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca mắc tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22. Trong tuần 22 số ca mắc cao gấp 2 lần trong tuần 19.