Trong tiếng reo hò hạnh phúc của thầy trò ông Mai Đức Chung, người xem còn nghe cả tiếng khóc vì hạnh phúc. Chiếc vé World Cup ấy là niềm mơ ước từ rất rất lâu, dù đã nhiều lần các cô gái VN đứng trên đỉnh Đông Nam Á.
Niềm vui và hạnh phúc luôn hiện trên môi các cô gái vàng Việt Nam trong chuyến bay dài trở về nước. Ảnh: ANH CHIẾN
Nhìn các cô gái VN ôm nhau hạnh phúc, tôi lại mang cảm xúc vui với dấu ấn của bóng đá VN nhưng nghẹn ngào với những cô gái quần đùi áo số ấy…
Nhớ lại năm 1997, trong lần đầu tiên đội nữ VN được xuất ngoại, tôi may mắn tháp tùng cùng các cô gái ấy. Đó là chuyến du đấu theo lời mời của LĐBĐ Malaysia nhằm chuẩn bị cho SEA Games 19. Gọi là đội tuyển chứ thực chất đó là hai đội Hà Nội và TP.HCM ghép lại rồi “ấn” ông Mai Đức Chung làm HLV trưởng. Khi ấy, tôi hỏi ông Chung: “Anh biết gì về bóng đá nữ mà anh nhận lời?”. Ông Chung phì cười bảo: “Vợ tớ cũng hỏi y như cậu nhưng cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Lấy giáo án nam gia giảm là ra nữ. Với cạnh mình có hai HLV của hai đội nữ Hà Nội và TP.HCM, chắc ổn thôi”…
Lần đầu “mang chuông đi đánh xứ người”, đội nữ VN đã đoạt chức vô địch ngay trên sân Merdeka mà cha ông đã từng vô địch năm 1966. Họ hạnh phúc nhận cúp từ tay công chúa Malaysia và chuyền tay nhau trong buổi chiều mưa ở Kuala Lumpur. Lúc đấy, tôi kéo vai Trưởng đoàn Nguyễn Hữu Bàng và HLV Mai Đức Chung vào rồi hét lên: “Đội nữ VN lần đầu lắp ghép đi xuất ngoại đã vô địch trong khi ban tổ chức đâu biết là VN chưa có giải vô địch nữ!”. Ông Chung khi ấy mặt đầm đìa nước (không biết là nước mưa hay nước mắt), nói trong hạnh phúc: “Rồi sẽ phải có giải vô địch nữ, rồi các cháu sẽ có lương, sẽ có đời sống tốt hơn thay vì đến với bóng đá chỉ vì đam mê và mong môn bóng của chị em được thừa nhận”.
Giải vô địch nữ ra đời sau đó không lâu nhưng chuyện lương bổng, chuyện đời sống của chị em đá bóng vẫn luôn là câu chuyện dài, rất rất dài.
Người hâm mộ chắc chắn vẫn không quên phóng sự ngày 8-3 những năm 2000 sau khi các cô gái vàng khoác trên mình vòng nguyệt quế của đội bóng số 1 Đông Nam Á. Hình ảnh hai tuyển thủ Mỹ Oanh, Kim Hồng (nay là HLV thủ môn đội tuyển nữ VN) đẩy chiếc xe bánh mì bán để mưu sinh ở gần sân Hoa Lư.
Hơn 20 năm sau, những chiếc xe bánh mì không còn là “độc quyền” của hai cô gái đá bóng ở TP.HCM. Nó được nhân lên, thậm chí có cầu thủ còn làm cả nghề sửa xe máy hoặc bí bách quá đến độ bỏ đá bóng đi chạy xe ôm. Ngay như những cô gái vàng vừa đoạt vé World Cup bây giờ cũng không ít người ngoài đá bóng phải làm những nghề khác để có thêm thu nhập như bán hàng online hay phụ gia đình bán mỹ phẩm, bán cà phê, dạy thêm…
Ngày ông Mai Đức Chung nhận thành tựu trọn đời “Vinh danh Fair Play” do báo Pháp Luật TP.HCM trao tặng, tôi có hỏi ông: “Bóng đá nam nhiều cầu thủ không chỉ sống khỏe mà còn giàu có với nhà cao cửa rộng, với ô tô xông xênh cùng những vụ chuyển nhượng bạc tỉ nhưng bóng đá nữ vẫn “cày” để đủ sống và để tiếp tục chơi bóng vì đam mê. Vậy thì điều gì làm nên những nhà vô địch nữ cứ ra sân là chiến, là lăn xả?”. Ông Chung chỉ vào cái đầu và nói: “Nhiều người cứ nói các cháu chơi bóng vì đam mê nhưng tôi thì phải thêm vào hai chữ TRÁCH NHIỆM khi mình là cầu thủ!”.
Lại nhớ đến câu chuyện mà ông cựu Phó Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi trong bữa ăn cùng tuyển thủ Ngân Thị Vạn Sự khi tập trung ở đội U-14 nữ đá giải trẻ châu Á năm 2015, ông Khôi bất chợt hỏi: “Sao con chọn nghề đá bóng?” thì Sự ngây ngô trả lời rất thật: “Nhà con ở Đô Lương, Nghệ An, bố mẹ con nghèo lắm bác ạ! Chúng con phải đi tập bóng đá để bớt đi một miệng ăn cho bố mẹ con đỡ khổ…”. Nghe đến đấy, ông Khôi xoa đầu Sự rồi chỉ biết nói: “Con ăn nhiều nữa đi…” rồi ông Khôi quay đi để giấu những giọt nước mắt… Cũng hoàn cảnh đấy, cô gái Chương Thị Kiều từng được cha giấu ông ngoại gửi lên TP.HCM để đá bóng…
Cô bé Vạn Sự của đội U-14 ngày nào và cô bé Chương Thị Kiều hôm qua (10-2) cũng có mặt trong số những cô gái vàng nhận bằng khen, huân chương Lao động…
Một đồng nghiệp của tôi kể lại, trước ngày đội nữ về nước bằng chuyên cơ, anh đã thống kê tiền thưởng lên đến mười mấy tỉ đồng và nhắn tin vui cho các nữ tuyển thủ thì nhận lại câu trả lời: “Thưởng thì vui thật nhưng chúng em mong bóng đá nữ từ nay sẽ được quan tâm nhiều hơn và chúng em sẽ thực sự sống được bằng nghề…”.