Xuyên đêm mua vàng ngày Thần Tài
Hơn 10 năm nay, ông Tô Hòa Bình (66 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) luôn là người xông đất hàng vàng, đều đặn xếp hàng từ 3 giờ sáng. Sau hơn 3 tiếng chờ đợi, ông Bình đã mua 2 chỉ vàng để cầu may mắn. Cũng như ông Bình, nhiều người có mặt từ rạng sáng, đội mưa xếp hàng để sớm sở hữu được vàng Thần Tài dịp đầu năm mới.
Chị Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bản thân và gia đình không phải người làm kinh doanh, nhưng nhiều năm vẫn giữ thói quen mua vàng Thần Tài như cách để giữ tiền, tích luỹ tài sản. “Sau Tết, tiền mừng tuổi của con tôi đều mang mua vàng. Số tiền không nhiều, tôi chỉ mua 1 chỉ, không quá quan tâm chênh lệch giá trong ngày này”, chị Trang cho biết.
Với mong muốn cầu may, khách mua vàng chủ yếu mua 0,5 - 1 chỉ. Ảnh: Như Ý |
Ghi nhận tại các hệ thống vàng bạc đá quý, khách giao dịch ngày vía Thần Tài chủ yếu mua bản vị 0,5 - 1 chỉ, tập trung vào các sản phẩm như nhẫn tròn trơn, ép vỉ chế tác Thần Tài, Kim Dần. Dù lượng khách tăng vọt, nhưng các cửa hàng hầu như không xảy ra tình trạng quá tải, chen lấn xô đẩy, do khâu phân luồng, thanh toán được bố trí hợp lý. Bên cạnh đó, kênh bán hàng trực tuyến cũng được đẩy mạnh, khách hàng dần quen với hình thức mua bán này qua 2 mùa Thần Tài trong đại dịch.
Tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, bà Nguyễn Luyến, Phó Giám đốc kinh doanh cho biết, ước tính, năm nay, lượng đơn đặt mua trực tuyến tăng khoảng 20 - 30% so với năm trước. Nhân viên giao dịch tại đây cho biết, trước ngày vía Thần tài (9/2), hệ thống đặt hàng trực tuyến của Bảo Tín Minh Châu thậm chí quá tải, không nhận thêm đơn.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng người tiêu dùng và nhà đầu tư cần cẩn trọng trong giai đoạn giá vàng biến động mạnh như hiện nay. “Có hiện tượng chung là giá vàng trước và trong ngày vía Thần Tài tăng mạnh và sau đó sẽ giảm rất sâu” - ông Hiếu khuyến cáo.
Bà Lê Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji cho biết, từ lúc mở bán, các cửa hàng trong hệ thống DOJI ghi nhận lượng người tham quan, mua sắm rất đông, tăng 20 - 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doji cũng ghi nhận lượng khách hàng tìm mua vàng tích sản nhiều hơn năm trước. Nếu như mọi năm, khách hàng chỉ mua lượng nhỏ thì hiện có những khách mua trọn bộ Lộc - Phát - Tài 8 chỉ, hoặc mua nhiều vàng ép vỉ nhỏ gọn dễ dàng tích trữ, đầu tư.
Lỗ ngay tiền triệu
Cuối giờ chiều ngày vía Thần Tài, giá vàng quay đầu giảm giá. Tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, vàng miếng SJC niêm yết ở mức 61,2 - 62,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Nhẫn tròn trơn 999.9 giao dịch ở mức 53 - 54 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)
Tại Công ty Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức 61 - 62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với giá đầu giờ sáng, vàng SJC đã bốc hơi lần lượt 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Với mức chênh lệch mua - bán 1 triệu đồng/lượng, người mua lỗ ngay 1,4 triệu đồng/lượng trong ngày vía Thần Tài.
Tại nhiều hệ thống vàng bạc đá quý, giá vàng cuối giờ chiều ngày vía Thần Tài cũng sụt giảm 200.000 - 400.000 đồng/lượng so với giờ mở cửa. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, giá vàng giảm giá trong ngày này, đối lập với truyền thống tăng giá trong nhiều năm trước đó. Với việc giá vàng tiếp tục giảm, các tiệm kim hoàn không còn cảnh khách rồng rắn đi bán “chốt lời”. Tuy nhiên, so với giá cùng thời điểm năm 2021, mỗi cây vàng, người dân vẫn lãi khoảng 5 triệu đồng. Mức lãi tương đương 8,8%/năm.
Giá vàng ở TPHCM nhảy múa
Nắm bắt quan niệm mua vàng cầu may trong ngày Thần Tài, từ 6 giờ sáng, các tiệm vàng tại TPHCM đã mở cửa phục vụ khách. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), lượng khách đến mua vàng in tượng hổ và trang sức hình hổ khá đông, dẫn đến sản phẩm này đang “cháy hàng”, nhiều sản phẩm vàng miếng 0,5-1 chỉ cũng không còn hàng. Tương tự, vàng SJC lẻ 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ đều hết sạch trước ngày vía Thần Tài, nhiều khách chuyển sang mua vàng nữ trang.
Tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) cũng treo bảng hết vàng miếng 1-5 chỉ, chỉ còn loại vàng miếng 1 lượng với giá hơn 62 triệu đồng. “Năm nay giá vàng lên cao nên tôi chỉ mua vàng nhẫn loại 0,5 chỉ để cầu may. Mua vàng ngày này đã trở thành phong tục của gia đình, dù giá vàng lên xuống thế nào tôi cũng mua vài phân” - bà Thu Trang (ngụ đường Vũ Tùng) cho biết.
Vào giờ cao điểm buổi trưa, các tiệm vàng đều không quá đông khách. Lo ngại dịch, nhiều người đã đặt mua vàng qua mạng và giao tận nhà; hoặc đã mua sắm vàng từ vài ngày trước. Trong khi đó, tại nhiều phố vàng bạc quận 5, phố vàng ở chợ Thiếc (quận 11), cảnh mua bán lại khá vắng lặng. “Chúng tôi mở cửa từ sáng sớm nhưng khách đến xem hàng chỉ lác đác. Khách cũng chỉ mua vàng với số lượng nhỏ từ vài phân đến 1 chỉ chứ không mua số lượng nhiều như các năm trước” - bà Thanh Tâm, chủ một tiệm vàng trên đường Nghĩa Thục cho hay.
Trưa 10/2, giá vàng bật tăng trở lại so với phiên sáng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào đầu phiên sáng ở mức 61,70 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 62,72 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch trước. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng PNJ lại giảm gần 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Hiện giá vàng PNJ đang ở mức 53,3 triệu đồng/ lượng mua vào và 54,3 triệu đồng bán ra.
Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ cho biết, trong năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh nên nguồn thu nhập và sức mua chung đều bị giảm. Tuy nhiên sức mua ngành vàng, trang sức có sự phân hóa vì mang ý nghĩa đặc biệt về sự may mắn trong mùa Thần Tài và cả năm mới. Do đó, công ty đã chuẩn bị sẵn phương án để đáp ứng nhu cầu khách hàng ở các vùng dịch đang diễn biến phức tạp.
Theo Việt Linh - Uyên Phương
Tiền Phong