vĐồng tin tức tài chính 365

'Điều hành xăng dầu chưa chủ động, linh hoạt'

2022-02-12 17:39

Ngày 11/2, giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 25.000 đồng, lên mức cao nhất 8 năm. Đợt điều chỉnh giá lần này chậm 10 ngày so với thông thường, do ngày 1/2 rơi vào mùng 1 Tết, và theo Nghị định 95 sẽ "chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo". Việc lùi thời gian điều chỉnh bất chấp giá thế giới tăng cao, khiến giá trong nước bị "nén" lại. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vì thế càng bán ra càng lỗ, dẫn tới hiện tượng găm hàng chờ giá lên mới bán để bớt lỗ.

Trong khi đó, theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội, nếu kỳ điều hành đầu tháng 2 vẫn diễn ra bình thường, hoặc nhà chức trách linh hoạt khi thị trường bất thường, điều chỉnh giá sớm hơn, biên độ tăng giá đã không quá lớn. Thậm chí sẽ không xảy ra tình trạng "găm hàng, chờ giá lên".

Vị này tính toán, việc điều hành giá, nếu chủ động hơn, mức tăng giá mới chỉ khoảng 60% so với mức tăng 960-980 đồng ngày 11/2.

Đồng tình, chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc nhà chức trách không điều hành giá ngày 1/2 là đúng theo quy định tại Nghị định 95, nhưng lại "hơi máy móc" khi tình hình thị trường biến động giá rất mạnh, sụt giảm nguồn cung.

"Để qua kỳ nghỉ Tết dài mới điều hành, tác động tới giá và cung, cầu thị trường. Doanh nghiệp lỗ nên đầu mối, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý bán ra nhỏ giọt, chờ hàng lên cao mới bán để bớt lỗ. Điều hành nhịp nhàng, chủ động hơn thì hạn chế được tình trạng găm hàng", ông Long chia sẻ.

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Láng, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Láng, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu ngày 8/2, cũng chỉ rõ trách nhiệm điều hành của Bộ Công Thương khi để các cửa hàng xăng dầu tại nhiều địa phương phía Nam treo biển đóng cửa, nghỉ bán vừa qua.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp ngày 9/2 cũng thừa nhận, cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu, như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh trong trường hợp bất khả kháng.

Ông cho biết, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị cho phép liên Bộ Công Thương - Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới, tránh gây khó hay quá thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Cũng theo chuyên gia về lĩnh vực này, một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu cũng khiến việc điều hành khó linh hoạt, dẫn tới nguồn hàng khan hiếm khi có trục trặc từ nguồn cung trong nước.
Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày; doanh nghiệp sản xuất dự trữ dầu thô 30-60 ngày.

Nhưng tại Nghị định 95 vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022, mức dự trữ lưu thông với xăng dầu thành phẩm được rút ngắn xuống 20 ngày. Việc này dẫn tới rủi ro khi nguồn cung trong nước từ nhà máy lọc dầu thiếu hụt, như trường hợp Nghi Sơn vừa rồi, doanh nghiệp đầu mối xoay sang nhập khẩu bù cho phần thiếu sản lượng, cũng không đủ thời gian để hàng kịp về (thường 30-45 ngày tàu mới cập cảng).

Chẳng hạn, ngay khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 35% nguồn cung trong nước, gặp "trục trặc" từ trung tuần tháng 1, ảnh hưởng tới kế hoạch nhập hàng của các doanh nghiệp đầu mối, họ phải quay sang nhập thêm hàng để bổ sung lượng thiếu hụt này.

Với mức giá xăng dầu thành phẩm ở ngưỡng cao, trên 100 USD mỗi thùng, việc tăng nhập như vậy khiến các doanh nghiệp đầu mối bị lỗ.

"Các nhà cung cấp nước ngoài họ cũng không phải có sẵn lượng hàng, nên khi chúng tôi có nhu cầu mua tăng thêm, ngoài khả năng họ đáp ứng có mức độ, còn bị ép giá. Mình cần lấy hàng ngay thì phải chịu chấp nhận giá cao", ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex chia sẻ.

Khẳng định đủ hàng cho mạng lưới phân phối của mình, nhưng lãnh đạo Petrolimex cũng lo ngại rủi ro, nếu giá thị trường đảo chiều, giảm trong khi doanh nghiệp nhập lúc giá cao thì sẽ để lại hậu quả nặng nề về tài chính.

Điểm nữa được các chuyên gia chỉ ra, là trong khâu phân phối xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối tới cơ sở bán lẻ, thương nhân phân phối thực tế chỉ là trung gian.

Theo quy định, thương nhân phân phối phải đảm bảo dự trữ nguồn cung 20 ngày, nhưng vì rủi ro về giá xuống, chi phí tài chính, nguồn vốn lớn, hao hụt... không ít trong số họ chỉ "bán sang tay" để kiếm lời. Khi nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp đầu mối chỉ đảm bảo được hàng cho mạng lưới hệ thống của mình, chứ khó đáp ứng được cho các thương nhân phân phối. Vì thế, thương nhân phân phối không có hàng, hoặc có hàng nhỏ giọt để cấp cho các đại lý, cửa hàng trực thuộc. Bị lỗ, họ cũng "cắt", giảm chiết khấu (khoản chi cho các cửa hàng bán lẻ trên mỗi lít xăng, dầu) về 0, thậm chí âm.

"Có sự không đồng đều về nguồn cung giữa các doanh nghiệp đầu mối. Và khan hiếm nguồn, găm hàng xảy ra phần lớn trong mạng lưới của doanh nghiệp đầu mối nhỏ, thương nhân phân phối", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu nhận xét. Ông cho rằng, cơ quan quản lý cần làm rõ đứt nguồn hàng ở đâu, khan chỗ nào và cần xử lý mạnh tay với trường hợp này.

Hiện, hệ thống thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cũng như các tổng đại lý, đại lý phát triển mạnh, việc có quá nhiều trung gian khiến quản lý điều hành gặp khó.


Dù vậy, những khó khăn trên thị trường xăng dầu vừa qua đã được phần nào giải toả sau kỳ điều chỉnh giá này.

Khảo sát của VnExpress cho thấy, các cây xăng tại khu vực An Giang, Long An, Sóc Trăng... đã trở lại bán bình thường. Mức chiết khấu (hoa hồng) mà đầu mối, thương nhân phân phối chi cho các đại lý, cửa hàng xăng dầu đã dương trở lại, nhưng nhiều cửa hàng, đại lý vẫn phản ánh khó nhập hàng.

"Đầu mối thông báo mức chiết khấu tăng lên 200 đồng mỗi lít xăng, dầu, sau khi giá bán lẻ được điều chỉnh tăng. Còn nhập hàng vẫn nhỏ giọt, chúng tôi đề nghị nhập 12.000 lít mà chỉ được cấp một phần ba", chị Hạnh, quản lý cửa hàng xăng dầu tại huyện Hoài Đức, cho biết.
Góp ý về kịch bản cung ứng, điều tiết để tránh đứt đoạn nguồn cung xăng dầu thời gian tới, ông Bảo lưu ý, liên Bộ Công Thương - Tài chính cần có ngay giải pháp tổng thể vì "chưa biết được tình hình sẽ như thế nào khi nguồn tài chính cấp cho Nghi Sơn chỉ giúp nhà máy này hoạt động bình thường tới tháng 5".

Hiện nhà máy này mới đạt 60% công suất. Theo kế hoạch, khi lô hàng dầu thô (nguyên liệu sản xuất chính) cập cảng ngày 24/2, công suất của nhà máy mới hồi phục lên mức 80% và đạt 100% công suất từ giữa tháng 3. Dù vậy, với mức tài chính ngắn hạn vừa được cấp, cũng chỉ đủ để nhà máy này hoạt động tới tháng 5.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, cơ quan này cũng tính tới phương án xấu nhất, nếu sau tháng 5 tình trạng vận hành của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không cải thiện, sẽ giao tổng nguồn cung cho từng doanh nghiệp đầu mối để họ chủ động nhập khẩu. Nhà chức trách cũng sẽ điều chỉnh việc phân giao hạn ngạch nhập khẩu cho các doanh nghiệp.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, ngoài đề xuất Chính phủ cho phép điều hành giá với chu kỳ điều hành linh hoạt hơn, cơ quan này sẽ đề nghị được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn. Về lâu dài, Bộ này sẽ kiến nghị nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật (thay vì bằng tiền) để bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung với mặt hàng chiến lược này.

Ngoài ra, Hiệp hội Xăng dầu góp ý, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng cần tính lại các khoản chi phí trong công thức tính giá cơ sở, như lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức xăng, dầu cho phù hợp với thực tế.

Các chi phí này được áp dụng từ năm 2014 đến nay, và hiện không còn phù hợp do giá trên thị trường biến động liên tục, lạm phát và các chi phí khác (vận chuyển, nhân công...) đều đã tăng.

Lợi nhuận định mức, khoản lãi cố định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng trên mỗi lít xăng, dầu, hiện là 300 đồng một lít. Còn chi phí kinh doanh định mức, tức khoản chi phí kinh doanh bình quân (bán buôn, bán lẻ) của doanh nghiệp áp dụng cố định với xăng là 1.050-1.205 đồng một lít ; dầu 600-950 đồng một lít, kg. Riêng với dầu madut, chi phí định mức là chi phí bán buôn.

Việc tính toán lại các chi phí này, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, đảm bảo lãi cho kinh doanh xăng dầu, thì thị trường sẽ ổn định hơn.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao liên Bộ Công Thương - Tài chính tính toán lại các chi phí trong công thức tính giá cơ sở, để đảm bảo "tính đúng, đủ, hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người dân".

Anh Minh

Xem thêm: lmth.5766244-taoh-hnil-gnod-uhc-auhc-uad-gnax-hnah-ueid/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Điều hành xăng dầu chưa chủ động, linh hoạt'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools