Theo tác giả bài viết trên báo The Business Times, cuối tháng 11/2021, người dân trên toàn thế giới dường như lại bắt đầu cảm nhận thấy bầu không khí như những ngày đầu đại dịch COVID-19 bùng phát.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm 5% khi tin tức về sự xuất hiện của loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi Omicron được công bố và các nhà đầu tư lo sợ hoặc sẽ có một đợt áp đặt các biện pháp hạn chế nữa, hoặc người dân sẽ tự nguyện đóng cửa.
Những đồng tiền được coi là nơi "trú ẩn an toàn" như đồng USD và đồng yen, đã mạnh lên. Giá dầu giảm khoảng 10 USD/thùng. "Vàng đen" thường giảm khi tình trạng suy thoái sắp xảy ra.
Hai tháng sau, tác động của biến thể Omicron dần được chú ý hơn. Cho đến nay, nhìn chung tình hình kinh tế thế giới vẫn tốt hơn so với những gì người ta lo sợ. Ngày 18/1, giá một thùng dầu thô Brent khoảng 88 USD - mức cao nhất trong 7 năm.
Mặc dù các thị trường chứng khoán toàn cầu đã bán tháo trong những ngày gần đây và ở mức tương đương với cuối tháng 11/2021, nhưng điều đó dường như phản ánh những lo ngại về lãi suất cao hơn, chứ không phải vì COVID-19.
Ngân hàng Goldman Sachs đã xây dựng nên chỉ số giá cổ phiếu của các công ty châu Âu, chẳng hạn như các hãng hàng không và khách sạn. Chỉ số này sẽ phát triển mạnh khi người dân có thể và sẵn sàng hoạt động nhiều hơn trong không gian công cộng. Chỉ số này - một đại diện phù hợp cho sự lo lắng về tác động kinh tế của COVID-19 - đã tăng so với các thị trường chứng khoán rộng lớn hơn trong những tuần gần đây.
Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế gần đây cũng hỗ trợ cho sự lạc quan thận trọng. Nhà kinh tế Nicolas Woloszko thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tuần cho 46 nền kinh tế có thu nhập trung bình và cao. Ông sử dụng dữ liệu từ hoạt động tìm kiếm trên Google đối với mọi thứ từ nhà ở và công ăn việc làm cho đến tình trạng bất trắc về kinh tế.
Điều chỉnh theo chỉ số của ông, vốn đã được chứng minh là một chỉ dấu dự đoán tốt cho các con số chính thức, các nhà phân tích ước tính rằng GDP ở các quốc gia này hiện thấp hơn khoảng 2,5% so với xu hướng trước đại dịch. Con số đó thấp hơn một chút so với tháng 11/2021 khi GDP thấp hơn 1,6% so với xu hướng, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với tình hình cách đây một năm, khi sản lượng thấp hơn gần 5%.
Những hạn chế được nới lỏng hơn
Một vài nhân tố giải thích lý do tại sao những lo ngại tồi tệ nhất về nền kinh tế toàn cầu cho đến nay vẫn chưa qua đi. Sự không chắc chắn lớn với biến thể Omicron liên quan đến việc liệu điều tồi tệ (khả năng lây nhiễm cao hơn) có lấn át điều tốt đẹp (khả năng dẫn đến bệnh nặng và tử vong thấp hơn) hay không, và bởi vậy liệu có sự gia tăng tai hại về số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 hay không.
Mặc dù vậy, cho đến nay, hầu như không có chính phủ nào ngoài Trung Quốc – nước vẫn đang áp dụng chiến lược “Zero-COVID” – dường như tin rằng cần phải có những hạn chế nghiêm ngặt đối với sự di chuyển của người dân.
Một thước đo định lượng do ngân hàng UBS đưa ra, xếp hạng những hạn chế toàn cầu từ 0 đến 10 và phát hiện ra rằng điểm số trung bình toàn cầu tăng từ 3 đến 3,5 trong những tuần gần đây. Chỉ có một nước giàu, Hà Lan, chuyển sang tình trạng phong tỏa (mặc dù đã được dỡ bỏ một phần vào ngày 14/1 vừa qua).
Khi làn sóng Omicron bắt đầu bùng phát, các nhà kinh tế lo sợ rằng việc tiếp tục đóng cửa tại các đầu nút sản xuất then chốt như Việt Nam và Malaysia sẽ làm trầm trọng thêm những sự cố về nguồn cung. Cho đến nay, chính phủ ở cả hai quốc gia này đều đã nới lỏng hơn những hạn chế so với cách đây vài tháng khi số ca mắc mới COVID-19 ở cả hai nước này tương đối thấp.
UBS cũng nhận thấy rằng tỷ lệ các tuyến đi lại quốc tế có hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19, ở mức 31% trên toàn cầu, hầu như không hề thay đổi kể từ tháng 10/2021.
Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra chỉ số phong tỏa “hiệu quả” không chỉ tính đến các mệnh lệnh của chính phủ mà còn cả những lựa chọn của người dân. Cho đến nay, chỉ số toàn cầu này đã quay về mức tương tự như trong làn sóng Delta toàn cầu vào mùa Hè năm ngoái, bất chấp số ca nhiễm mới hàng ngày cao hơn 4 đến 5 lần. Ngay cả ở những nơi mà sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 là điều mới mẻ, người dân nhìn chung vẫn tiếp tục cuộc sống như bình thường.
Số ca mắc COVID-19 ở San Francisco (Mỹ) đã ở mức thấp hai con số trong phần lớn mùa Thu năm ngoái. Mặc dù giờ đây thành phố này trung bình một ngày có khoảng 2.000 ca mắc mới, nhưng các phòng tập gym và nhà hàng vẫn luôn tấp nập.
Số ca mắc ở Mỹ hiện nay cho thấy khoảng 5-10% dân số Mỹ hiện đã mắc COVID-19. Tỷ lệ phổ biến cao như vậy đã tạo ra một khó khăn mới mà các biến thể trước đó không có: Tình trạng thiếu người lao động trên diện rộng.
Theo một cuộc khảo sát đối với các hộ gia đình được thực hiện vào đầu năm của Cục điều tra dân số Mỹ, 8,8 triệu người Mỹ đã mất việc làm vì họ đang chăm sóc người mắc COVID-19 hoặc vì bản thân họ đang nhiễm bệnh.
Vào cuối năm 2021, 138 cầu thủ Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ đã không thể làm việc vì những lý do liên quan đến COVID-19, mặc dù con số này kể từ đó đã giảm xuống. Ở San Francisco, một số nhỏ nhưng ngày càng tăng các cửa hàng đã và đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài nhiều tháng và sớm phải đóng cửa vì thiếu nhân viên.
Sự phục hồi không đồng đều
Việc đánh giá tác động của sự thiếu lao động như vậy đối với đầu ra là khó khăn, nhưng tác động có vẻ hạn chế và mang tính ngắn hạn. Trước hết, một số nhân tố có thể bù đắp cho tác động của chúng. Một số người đang cách ly sẽ làm việc tại nhà. Nếu một nhà hàng đóng cửa, những thực khách tiềm năng vẫn có những nơi khác để đến. Và ít nhất trong một thời gian, những đồng nghiệp không bị nhiễm bệnh vẫn có thể cáng đáng được phần thiếu hụt đó.
Bởi vậy, nhìn chung ảnh hưởng của tình trạng này có thể ở mức vừa phải. Ví dụ, nghiên cứu được ngân hàng JPMorgan Chase công bố ngày 10/1 vừa qua dự đoán việc thiếu lao động có thể làm giảm 0,4% GDP của Anh trong tháng 1/2022.
Hơn nữa, với số ca mắc COVID-19 đang giảm ở cả Anh và một số thành phố ở Mỹ, những tác động kinh tế của biến thể Omicron dường như sẽ giảm đi nhanh chóng. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty không quá lo lắng. Ví dụ hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy sự suy giảm về lòng tin của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bất chấp kết quả hoạt động tổng thể tốt hơn dự kiến, sự phục hồi kinh tế toàn cầu từ sau các đợt phong tỏa năm 2020 vẫn không đồng đều. Khoảng cách giữa các nền kinh tế hoạt động tốt nhất và xấu nhất vẫn rộng chưa từng có.
Khi làn sóng Omicron của Nam Phi lắng xuống, GDP của nước này đã tăng lên và hiện tương đương với xu hướng trước khủng hoảng. Nền kinh tế Anh dường như cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Những nơi khác vẫn đang phải vật lộn, cho dù đó là vì việc triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường chậm, tỷ lệ miễn dịch dân số thấp hay chỉ là thiếu may mắn.
Theo đánh giá của OECD, nền kinh tế Tây Ban Nha và Hy Lạp vẫn nhỏ hơn một cách đáng kinh ngạc (10%) so với xu hướng trước COVID-19. Biến thể Omicron đã không gây cản trở quá nhiều cho tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng một số nơi vẫn cảm thấy còn phải đi một quãng đường dài mới tới được “trạng thái bình thường mới”.