Trong năm 2021, theo dữ liệu từ công ty phân tích Chainalysis, 30 tỷ USD đã được chi cho các sản phẩm NFT. Những người nhiệt tình và hứng thú với NFT hướng tới các nền tảng như OpenSea vì bản chất “phi tập trung” của chúng và hoạt động chủ yếu không được các ngân hàng và giới quản lý giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, khi có chuyện xấu xảy ra, nhiều người kỳ vọng OpenSea sẽ thi hành đầy đủ quy định đã đặt ra và bồi hoàn cho những người bị lừa đảo - một vai trò mà các thể chế truyền thống như ngân hàng và công ty chứng khoán thực hiện bấy lâu nay.
OpenSea đã hưởng lợi lớn từ cơn sốt NFT. Chỉ trong một năm, startup tự gọi mình là “eBay cho tài sản mã hóa” này đã từ một công ty công nghệ nhỏ bé trở thành nền tảng NFT lớn nhất hiện nay, với hơn 80 triệu “tài sản kỹ thuật số” được bày bán và xử lý lượng giao dịch trị giá hơn 3 triệu USD mỗi tháng. OpenSea đã huy động được hàng trăm triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ các công ty như Andreessen Horowitz và Founders Fund.
Nghịch lý quản lý thị trường phi tập trung
Viễn cảnh phi tập trung của những nền tảng như OpenSea, về lý thuyết mà nói, là đối lập với hệ thống tài chính truyền thống. Trên giấy tờ, các thị trường chứng khoán dựa vào tiền tệ do nhà nước phát hành và luật pháp, quy định và sự quản lý do nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm rằng người tham gia không bị lừa đảo và các công ty niêm yết không lừa dối nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh của mình. Trong khi đó, theo những người ủng hộ, các thị trường phi tập trung có thể dựa vào công nghệ blockchain cho nhu cầu quản lý và giám sát. Trừ khi có lỗi kỹ thuật hoặc sơ hở từ phía người dùng hoặc bên quản lý nền tảng, một NFT không thể bị “lấy trộm” khỏi blockchain.
Thực tế là, mọi người đều có khả năng tạo một NFT cho bất kỳ hình ảnh hoặc video nào, ngay cả khi bản thân không sở hữu bản quyền đối với hình ảnh hoặc video đó. OpenSea cùng nhiều người mua và bán NFT xem những NFT như vậy là “hàng giả” hoặc “tài sản đánh cắp” bởi vì người tạo ra tài sản ảo không sở hữu tác phẩm đứng sau. Tuy nhiên, chính sách và quy định vẫn chưa theo kịp những thay đổi nhanh chóng về công nghệ như vậy, và thế là những người làm giả tài sản ảo vẫn chưa phải đối mặt với hậu quả pháp lý ở mức độ tương đương tài sản thực tế.
Trước đó, OpenSea dựa vào một quy trình phê chuẩn để giảm thiểu hoạt động làm giả và lừa đảo. Tuy nhiên, nền tảng này đã chấm dứt quy trình vào tháng 3/2021, không lâu sau khi một NFT của một họa sĩ tên Beeple được bán với giá 69 triệu USD bởi nhà đấu giá Christie’s. Việc rút lại quy định về phê chuẩn đã khiến lượng tài sản số và giao dịch trên OpenSea tăng vọt, nhưng cũng làm hệ thống đánh giá của nền tảng này bị quá tải vì người dùng có thể tạo lượng NFT không giới hạn miễn phí. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, OpenSea đã quyết định cho phép bán mọi NFT mà không qua kiểm tra kỹ càng hàng giả hoặc NFT đạo lại sản phẩm khác. OpenSea thu 2,5% giá trị mỗi giao dịch.
Việc tạo và bán NFT dễ dàng dần trở thành một vấn đề cho các họa sĩ muốn nhanh chóng dừng việc bán lại tác phẩm của họ dưới dạng NFT trên OpenSea. Vào tháng 12/2021, đội ngũ nghiên cứu của trang web nghệ thuật DeviantArt phát hiện khoảng 25.000 hình ảnh từ trang web này đã bị biến thành NFT và bán mà không có sự đồng ý của người tạo ra tác phẩm gốc, tăng 3 lần so với tháng trước đó. Lượng hình ảnh được bán không phép trên OpenSea lớn đến mức DeviantArt nghi ngờ quá trình này được vận hành bởi bot - một vấn đề mà đại điện OpenSea nói công ty biết được và đang nỗ lực đối phó.
Khi được The Wall Street Journal hỏi về những vấn đề trên nền tảng của mình, OpenSea cũng cho biết đã tuyển thêm nhiều nhân viên nhằm xử lý vấn đề bản quyền và bảo mật trong những tháng tới. Vào cuối tháng 12, OpenSea thông báo sẽ chỉ cho phép người dùng tạo 5 bộ sưu tập NFT với số NFT tối đa trên mỗi bộ sưu tập là 50.
Giới hạn mới này đã bị nhiều người chuyên tạo NFT phản đối trên mạng xã hội; CEO của OpenSea Devin Finzer cũng đã phát biểu rằng quy định mới đi ngược lại với nguyên tắc phi tập trung của nền tảng này và OpenSea lại quay trở lại cho phép tạo NFT không giới hạn. Công ty này thay vào đó sử dụng ReCaptcha để ngăn ngừa bot và dự kiến dùng một hệ thống tự động so sánh NFT mới với các hình ảnh có sẵn nhằm chống đạo tác phẩm.
Khó khăn của OpenSea cũng là thử thách chung của nhiều công ty muốn tăng quy mô thị trường tài sản kỹ thuật số dựa trên blockchain. Thiếu đi quy định có nghĩa là nguy cơ mất mát hoặc lừa đảo tăng, nhưng việc thêm quy định mới lại có rủi ro vấp phải phản đối từ những người đến với blockchain, tiền mã hóa và NFT vì bản chất “phi tập trung” và tách biệt khỏi hệ thống tài chính của chúng. Việc thị trường NFT dựa vào blockchain để xác nhận giao dịch càng làm khó OpenSea vì sự thay đổi quyền sở hữu trên blockchain là không thể đảo ngược mà không được chủ sở hữu mới cho phép.
NFT “đạo nhái” và chuyện mua lại NFT không phép
J. Paul Gomez, một người tạo và bán sản phẩm cà vạt và tác phẩm nghệ thuật khác tại Toronto, cho biết rằng anh đã rất hứng thú với NFT vì cho rằng đây là một thị trường mới cho anh cơ hội quảng bá và bán sản phẩm của mình. Tuy nhiên, khi truy cập OpenSea, Gomez phát hiện rằng một số tác phẩm của mình đã bị nhái lại và được người khác bán trên trang web này.
Ngày 10/12/2021. Gomez gửi email đến OpenSea để thông báo về việc này; OpenSea sau đó hồi đáp vào ngày 4/1 rằng công ty sẽ xử lý vấn đề sớm trong khoảng một tuần do khối lượng yêu cầu lớn. Tuy vậy, đến ngày 31/1 cả hai hình ảnh nhái lại tác phẩm của Gomez vẫn được bán trên OpenSea; một hình ảnh có giá khoảng 5 USD trong khi hình ảnh còn lại có giá hơn 50.000 USD.
OpenSea cho biết nền tảng này gỡ bỏ trung bình 3500 bộ sưu tập NFT mỗi tuần do là hàng giả hoặc nhiều vấn đề khác. Bên cạnh NFT giả và hành vi “đạo tác phẩm”, OpenSea còn phải đối phó với lỗi kỹ thuật khiến kẻ xấu tạo NFT bằng danh tính kỹ thuật số của người khác hoặc mua NFT từ người chủ không muốn bán.
Một ví dụ cho chuyện “mua từ người không muốn bán” như vậy là trường hợp của Carson Turner, một nhân viên hàng không 38 tuổi tại Atlanta, Mỹ. Turner trước đó đã thu về lợi nhuận hơn 1 triệu USD từ việc giao dịch NFT. Tuy nhiên, vào đầu tháng 1 vừa qua, Turner nhận được email từ OpenSea nói rằng anh đã bán một NFT với giá khoảng 270.000 USD dưới dạng tiền mã hóa Ethereum, trong khi đó chỉ là giá niêm yết trước đó và Turner đã rút NFT khỏi thị trường với dự định bán lại sau với giá cao hơn.
Carson Turner sau đó đã liên lạc với người mua. Người này đồng ý trả lại NFT đổi lại lượng Ethereum trị giá 30.000 USD. OpenSea sau đó đã bồi hoàn khoảng 30.000 USD cho Turner, nhưng không sửa chữa lỗi gây ra vấn đề này; sau đó một nhóm tên Information Token DAO đã đăng bài viết trên Medium về lỗi tương tự.
OpenSea nói rằng vấn đề này phát sinh từ bản chất của NFT và blockchain. Khi một người đăng bán NFT với một giá nhất định, thông tin này được lưu lại trên blockchain. Việc rút NFT khỏi OpenSea bề ngoài đã rút NFT này khỏi thị trường, nhưng thông tin trên blockchain vẫn còn đó và cho phép người khác dùng giá cũ để mua NFT mà người bán tưởng mình đã gỡ xuống. OpenSea sau đó đã đăng trên trang web của mình một số giải pháp nhất định đối với vấn đề này.
Tùng Phong (Theo The Wall Street Journal)