Một cửa hàng mà đoàn kiểm tra của Bộ Công thương đã kiểm tra theo quyết định 150 - Ảnh: Bộ Công thương
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 15-2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vừa ký quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online từ Bộ Công thương cho hay, hiện Bộ Công thương đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để thực hiện và công bố hoạt động thanh tra chuyên ngành với các doanh nghiệp đầu mối.
Theo đó, đây sẽ là hoạt động thanh tra đột xuất được thực hiện bởi ba đoàn thanh tra chuyên ngành, để thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.
Việc thanh tra sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ Công thương thực hiện bao gồm tất cả các nội dung liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối, bao gồm cả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, điều kiện phòng cháy chữa cháy, quy định về sở hữu, đồng sở hữu về phương tiện, tàu, kho bể, hệ thống phân phối...
Thực hiện theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công thương, từ ngày 10-2, đoàn kiểm tra do chánh thanh tra Bộ Công thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở phía Nam như Vĩnh Long, Sóc Trăng...
Theo đó, trên cơ sở thông tin phản ánh từ báo chí, dư luận và các cơ quan quản lý ở địa phương về tình trạng khan hiếm xăng dầu, đoàn kiểm tra phát hiện có hiện tượng có cửa hàng kinh doanh không có xăng dầu, có cửa hàng có xăng nhưng không bán hàng, có dấu hiệu găm hàng.
Trên cơ sở báo cáo từ đoàn kiểm tra, Bộ Công thương cho rằng cần thiết phải tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành để chấn chỉnh và làm lành mạnh thị trường xăng dầu.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 9-2 do bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì, cho biết sẽ tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu.
Cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu nền kinh tế.
Với những doanh nghiệp trong 6 tháng liên tục không nhập hàng vào để bán hàng ra, đảm bảo cung ứng cho thị trường bán lẻ và hoạt động kinh doanh thông suốt, sẽ cương quyết có biện pháp xử lý vi phạm, mức cao nhất là rút giấy phép.
Theo ông Diên, việc kiểm tra này sẽ thực hiện với tất cả các doanh nghiệp và xử phạt với mọi trường hợp theo đúng quy định pháp luật, "bất luận doanh nghiệp đó là ai".
TTO - Dù giá xăng dầu vừa tăng gần 1.000 đồng/lít nhưng nguồn cung bán buôn một số nơi vẫn "nhỏ giọt", có nơi chỉ cấp đủ lượng bán trong ngày.