Cú lao dốc lịch sử của cổ phiếu Meta (sở hữu Facebook) hôm 3/2 đã xóa sổ hơn 1/4 vốn hóa công ty và chấn động thị trường. Nhưng cuộc "đổ máu" khủng khiếp nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ chưa đủ để khiến một người chịu khuất phục: Nhà sáng lập – CEO Mark Zuckerberg nghèo đi nhưng quyền lực của ông không hề suy chuyển.
Các vị CEO khác để xảy ra thảm họa khổng lồ như vậy sẽ bị đá khỏi công ty, hoặc ít nhất cũng đối mặt với thách thức từ HĐQT hoặc cổ đông. Nhưng Zuckerberg sở hữu một loại cổ phiếu với quyền bỏ phiếu đặc biệt, mang lại cho ông quyền kiểm soát hoàn toàn và vững chắc lên công ty.
Cổ phiếu Meta được chia làm hai loại A và B. Các cổ đông thông thường giao dịch cổ phiếu hạng A, mỗi cổ phiếu có một quyền biểu quyết. Trong khi đó, Mark Zuckerberg và một số lãnh đạo khác nắm giữ hạng B, mỗi cổ phiếu có 10 quyền biểu quyết. Vì vậy, số cổ phiếu mà vị CEO này nắm giữ tương đối nhỏ nhưng quyền lực lại vô cùng lớn.
Quyền lực tuyệt đối
Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Meta sau khi báo cáo kết quả kinh doanh tiết lộ lần đầu tiên trong lịch sử, số người dùng hoạt động hàng ngày của Facebook suy giảm. Công ty cũng dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong hoạt động quảng cáo do chính sách bảo mật mới của Apple.
Meta lặp lại rằng công ty đã đốt 10 tỷ USD vào bộ phận thực tế ảo Reality Labs VR và thông báo sẽ tiếp tục chi tiêu tùy ý vào kế hoạch xây dựng metaverse đầy tham vọng.
Zuckerberg xốc tinh thần của "binh đoàn" đế chế Meta vào ngày ra báo cáo, và bông đùa về vẻ ngoài đẫm nước mắt của mình. Theo Bloomberg, trong buổi họp trực tuyến với toàn công ty, Zuckerberg nói rằng mắt ông đỏ ngầu vì xước giác mạc chứ không phải đau buồn vì mất mát.
Zuckerberg có thể phải đối mặt với sự bất mãn của nhân viên và một số người sẽ rời đi vì quyền chọn mua cổ phiếu của họ đã mất giá trị. Ông cũng có thể hứng bão chỉ trích và nghi ngờ việc đánh cược vào metaverse.
Tuy nhiên, Zuckerberg sẽ không vướng vào cuộc chiến chào mua công khai, tức là những cổ đông nổi loạn tìm cách giành quyền kiểm soát công ty bằng cách mua gom cổ phiếu có quyền biểu quyết. Nếu Zuckerberg không bán ra hoặc tự rút lui thì tiền bạc hay sức ép lớn đến đâu đi nữa cũng không thể đánh bật ông ra khỏi ghế CEO.
Cách nắm chắc quyền lực trong tay
Hai thập kỷ trước, Thung lũng Silicon phát triển mô hình để đảm bảo rằng các nhà sáng lập có thể tiếp tục kiểm soát doanh nghiệp trong lúc nhận những khoản tiền đầu tư khổng lồ thường sẽ pha loãng tỷ lệ sở hữu và quyền lực của họ.
Các nhà sáng lập của Google và nhà đầu tư giai đoạn đầu của công ty là những người tiên phong cho kế hoạch này. Họ vay mượn mô hình doanh nghiệp đã được sử dụng nhiều thập kỷ trong ngành báo chí nhằm cho phép các gia tộc giữ chặt quyền kiểm soát .
Thế hệ lãnh đạo công nghệ trước đó – nổi tiếng nhất là Steve Jobs – phải lo sợ trước viễn cảnh chiến tranh trong HĐQT và bị đuổi đi khi tình hình trở nên khó khăn.
Thung lũng Silicon ấp ủ phương châm "người sáng lập biết rõ nhất" và bắt đầu thiết kế các công ty thành công nhất để nhà sáng lập có thể cầm cương bao lâu tùy ý. (Hai nhà sáng lập của Google là Larry Page và Sergey Brin đã từ chức nhưng vẫn sở hữu đa số cổ phiếu có quyền biểu quyết).
Nguy cơ lớn
Thị trường chứng khoán đúng ra phải buộc người đứng đầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm khi công ty có vấn đề. Nhưng mô hình sở hữu kiểu Google hay Facebook đã trao cho các nhà sáng lập vương quyền trọn đời.
Đầu tư vào những công ty này đồng nghĩa với việc đặt cược vào nhà lãnh đạo thay vì thực sự sở hữu một phần kiểm soát số mệnh doanh nghiệp.
Ngành công nghệ luôn nói về việc trao quyền cho cá nhân và thay đổi tương lai, nhưng Axios đánh giá rằng mô hình quản trị công ty kiểu Facebook mang tính chất thời trung cổ. Lịch sử có đầy rẫy ví dụ về các vị vua chúa và rắc rối xảy ra khi người cai trị theo đuổi kế hoạch ngu xuẩn, qua đời bất ngờ và không có kế hoạch thừa kế.
Mặt khác, nhiều người than vãn rằng thị trường buộc doanh nghiệp phải sản sinh kết quả nhanh chóng và tạo ra tư tưởng ngắn hạn. Nhà lãnh đạo được trao quyền bởi cổ phiếu siêu biểu quyết kiểu Facebook có thể duy trì tầm nhìn dài hạn và thực hiện các khoản đặt cược lớn.
Tóm lại, Mark Zuckerberg có thể phát chán với Facebook và nghỉ việc ngay ngày mai để tiêu xài hàng chục tỷ USD. Hoặc vài chục năm sau, ông có thể tổ chức Đại lễ Bạch kim để đánh dấu 70 năm trị vì Meta như một nhà quân chủ thật sự. Tất cả tùy thuộc vào Zuckerberg!